Cùng con đi tiếp cuộc đời: Nỗi đau ở lại...

02/10/2021 06:28 GMT+7

TP.HCM mở cửa sau nhiều tháng, những dòng người lại ngược xuôi, mạch sống đã luân chuyển. Nhưng trong những ngôi nhà nơi đây nơi đó, nỗi đau vẫn còn ở lại…

Giọt nước mắt bên vành nôi

12 giờ 14 phút, buổi trưa nắng gắt ngày 27.9, tôi nhận được cuộc gọi từ một phụ nữ giọng đã luống tuổi. Ngay khi vừa giới thiệu tên, bà đã òa khóc, có cả tiếng trẻ sơ sinh oa oa vọng lại. Phải một lúc mới biết rõ tên bà là Phạm Thị Ngoan, 59 tuổi, nhà ở đường Lê Văn Quới, P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân (TP.HCM). Qua câu chuyện chắp nối lẫn trong dòng nước mắt, bà Ngoan cho biết con gái út của bà là chị Nguyễn Thụy Ngọc Bích (36 tuổi) ra đi vì nhiễm Covid-19 ngày 10.8, để lại đứa trẻ đỏ hỏn mà các bác sĩ Bệnh viện Hùng Vương phải “mổ bắt con”. Chị Bích lìa đời, còn đứa trẻ chào đời khi mới 28 tuần tuổi, nặng chỉ 1,3 kg. Ngày 23.8, bác sĩ cho đưa về nhà, lúc ấy bé nặng lên được 1,5 kg. Chồng chị là anh Nguyễn Duy Khang (cùng tuổi với chị), là công nhân một công ty ở H.Bình Chánh, hiện đang ở nhà bên nội, chưa thể đưa con về cùng mình được. Hai bà cháu phải nương tựa vào nhau. Qua hơn 1 tháng, bà ôm ấp, cho cháu bú sữa bình và dần bé nặng lên thấy rõ. Bé được đặt tên là Nguyễn Phúc An Nhiên, theo di nguyện của người mẹ vắn số.

Quý nhà hảo tâm có nhã ý tham gia chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời, nhằm bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 theo hình thức trực tiếp, xin vui lòng chuyển tiền mặt đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268-270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM; Tòa soạn Hà Nội và các Văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước.

Hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM.

Nội dung ghi: Ủng hộ trẻ mồ côi do dịch Covid-19.

Báo Thanh Niên sẽ tính toán điều phối số tiền này của chương trình một cách công tâm, hợp lý, hiệu quả nhất và sẽ cập nhật, công bố đầy đủ trên các ấn phẩm của Thanh Niên

Bà nói: “Hiện tại sữa cho cháu bú tôi lo được, nhưng về lâu dài xin chương trình có cách nào chu cấp, giúp cho bé lớn lên đi học và mai mốt hòa nhập được không?”. Tôi gửi lời chia sẻ nỗi đau mất mát quá lớn với gia đình bà, và nói rằng trước mắt chương trình sẽ có người liên lạc để hỗ trợ. Sau khi dịch giã tạm yên, sẽ kêu gọi nhà bảo trợ chu cấp và có kế hoạch giúp bé lâu dài. Bà Ngoan tạm yên lòng với sự an ủi của chương trình trong dòng nước mắt dần vơi theo câu chuyện.
Ngày 1.10: Thông báo 136 ca Covid-19 tử vong tại 11 tỉnh thành

Trước đó, khoảng 21 giờ 30 ngày 16.9, cuộc điện thoại gọi đến tầm cơn mưa ngoài trời đang đổ. Chị Phạm Thị Ngọc Dung, nhà ở trong một con hẻm 3 xuyệt đường Cách Mạng Tháng Tám, gần ga Sài Gòn, thổn thức kể về tình cảnh người chị ruột có người con gái là chị Trương Hoàng Bảo Ngọc (36 tuổi), ra đi để lại 3 đứa con, lớn nhất 13 tuổi và nhỏ nhất mới đầy tuổi. Chị Ngọc làm lao công ở một bệnh viện trong TP, khi nhiễm Covid-19, được đưa đi điều trị ở Bệnh viện dã chiến Thủ Đức và mất. “Hiện tại, chị tôi đang chăm sóc 3 đứa cháu ở một nhà trọ bên Q.8, mong chương trình giúp đỡ”, chị Dung nói. Ngay lúc ấy, tôi chuyển thông tin và số điện thoại của chị đến đồng nghiệp. Sáng hôm sau, PV Thanh Niên đã có mặt để hỗ trợ kịp thời…

Ra đi để lại muôn trùng khó khăn

Kể từ hôm 14.9, khi có thông tin ban đầu về số trẻ em rơi vào tình cảnh mồ côi do đại dịch, Báo Thanh Niên đã khởi động một chương trình nhằm bảo trợ trẻ mồ côi. Nhiều cuộc gọi cầu cứu đến Báo Thanh Niên và các phóng viên đã thực hiện rất nhiều phóng sự về tình cảnh của các cháu. Trong cơn đau cùng cực và nỗi buồn mất mát đột ngột, những cuộc gọi và tin nhắn của bà ngoại, ông nội, chú bác họ hàng và kể cả người láng giềng cám cảnh nỗi đau của họ, liên tục nhấp nháy màn hình điện thoại của những người làm Báo Thanh Niên.

15 giờ 58 phút ngày 30.9, nhận được cuộc điện thoại của chị Trần Thị Kim Yến, ngụ xã Bình Mỹ (H.Củ Chi) khóc và cầu cứu. Chị cho biết cả nhà gồm 7 người kiệt quệ suốt cả tháng qua. 4 cháu mồ côi cha đang ở cùng chị Yến (dì ruột), là các em Cao Hùng Lân (lớp 11), Cao Quỳnh Anh (lớp 10), Cao Quỳnh Như (lớp 9), Cao Hùng Long (lớp 7) có cha là ông Cao Hùng Lâm (57 tuổi) ra đi ngày 14.9 vì nhiễm Covid-19. Trước đó, các em đã phải mồ côi mẹ vì tai nạn giao thông năm 2009. Chị Yến cũng cho biết, các em đang rất khó khăn trong quá trình học tập. Ngay lập tức, Báo Thanh Niên đã kết nối, vận động nhà hảo tâm để kịp thời hỗ trợ các em và chuyến hỗ trợ được ấn định vào ngày hôm nay (2.10).

Đó là chị Nguyên, một nữ công nhân ở H.Bình Chánh, có chồng làm thợ cắt tóc vừa ra đi để lại 2 đứa con trai nhỏ 9 tuổi và 4 tuổi. Chị Lê Thị Hiền, một nữ hộ lý ở Q.8 vừa mất người chồng, để lại cho chị 2 đứa con. Là ông Hàng Hữu Nghĩa có con gái vừa ra đi để lại 3 đứa cháu bơ vơ, lớn nhất vừa 10 tuổi và nhỏ nhất 3 tuổi, phải nương tựa vào ông bà ngoại ở miệt cư xá Phú Lâm, P.10, Q.6…

Ngày 18.9, một cuộc kết nối Zalo vào điện thoại của tôi, hiện lên hình đại diện màu đen tang tóc từ một người tên là Lương Minh Tú. Anh Tú nhắn: “Vợ em mất nay được 24 ngày để lại 2 đứa con nhỏ. Nay em nhờ anh hỗ trợ giùm em”. Rồi Tú nhắn tiếp số điện thoại, địa chỉ và một dòng tin (nguyên văn): “Có 1 tuần trước cho dc (được) 5 ký gạo+1 chai nước mắm. Và hôm qua cũng cho được 5 ký gạo+1 chai dầu ăn+1 chai nước tương… 3 tháng nay em không có đi lm (đi làm). Còn con em đang tuổi ăn tuổi học gặp nhiều khó khăn. Em nhờ anh giúp đỡ dùm 3 cha con em với”.

Tôi buông điện thoại, ngồi thừ ra hình dung tình cảnh của Tú, của bao gia đình rơi vào tình huống bi đát. Cứ nghĩ, sự khó khăn khốn đốn trước mắt của những người cha, người mẹ ấy đã khiến cho nỗi quặn lòng với người đã ra đi đành phải nén lại, để còn đối diện trước mắt cái ăn cái mặc và nuôi nấng đùm bọc mấy đứa con thơ.

…Những ngày hôm sau, nhận được những dòng tin cảm ơn của chị Dung, chị Hiền, chị Nguyên, ông Nghĩa, anh Tú… qua điện thoại, khi phóng viên Thanh Niên đã tỏa đến mọi nhà hỗ trợ, mới dịu bớt một chút trong lòng. Nhưng cảm giác nặng nề vẫn đeo đẳng, những người gọi điện cầu cứu hầu hết đều nghèo và thực tế khắc nghiệt trong cơn đại dịch đã cướp mất người thân, cũng là cướp đi một nửa thu nhập ít ỏi, mà trước đó họ đã dự tính cùng nhau sinh con đẻ cái và nuôi dạy thành người.

*

Viết đến đây, cạnh những dòng nhắn gửi xót xa, chia sẻ yêu thương đến với chương trình để nhận bảo trợ các em, tôi lại nhận được một câu nhắn cầu cứu qua email: “Em dâu tôi đang mang thai thì qua đời tại Bệnh viện Từ Dũ… đứa bé trong bụng cũng không giữ được. Em dâu tôi mất đi, một mình em trai (em họ) của tôi phải gồng gánh nuôi đứa con gái nhỏ gần 5 tuổi. Hoàn cảnh khó khăn, ở trọ tại TP.HCM và đang bị mắc kẹt, không thể về quê… Em tôi đang rất khó khăn, kính mong nhà báo dang tay hỗ trợ”. Kèm theo là tên và số điện thoại liên lạc của người cha khổ đau, bất hạnh!

Tôi chuyển ngay thông tin cho đồng nghiệp để tìm cách kịp thời hỗ trợ. Và biết rằng, ngày mai hay nhiều ngày sau nữa, hành trình ấy theo bước chân của những người làm Báo Thanh Niên, sẽ phải tiếp diễn…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.