Một mùa tựu trường nữa lại đến, các em bé dân tộc phải lặn lội đường đồi núi gập ghềnh 2 - 4 tiếng đồng hồ đi bộ liên tục mới đến được lớp học. Những đôi chân nhỏ xíu bám chặt lấy đất sỏi đá, chiếc lưng bé bỏng cúi về phía trước như đóa hoa hướng dương vẫn luôn hướng về phía mặt trời.
Cuộc sống khó khăn của các em học sinh dân tộc
Ngam La là một xã xa xôi hẻo lánh của huyện Yên Minh (Hà Giang), cách trung tâm huyện 20 km. Toàn xã có 636 hộ, trong đó 80% dân tộc Dao; 17 % dân tộc Mông, còn lại là các dân tộc khác cùng sinh sống. Theo điều tra mới đây, toàn xã có đến 64% hộ nghèo và 22% hộ cận nghèo. Người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ còn chưa có điện.
Bước vào năm học 2023 - 2024, Trường Phổ thông Dân tộc Tiểu học Ngam La có 442 học sinh trong đó có 235 học sinh bán trú (ăn ở tại trường). Các em ở bán trú phải đi từ nhà đến trường gần nhất là 5 km, xa nhất là 10 km, đi bộ đường đèo núi. Nhà trường còn có 4 điểm trường lẻ các cháu mầm non và tiểu học đang theo học.
Trong 4 điểm trường lẻ trên thì điểm trường Pờ Chừ Lủng đặc biệt khó khăn. Lớp học và bàn ghế của các em không đúng quy cách, xuống cấp, lại không có nguồn nước sinh hoạt, không có sóng điện thoại, đường đi khó khăn hiểm trở. Trình độ dân trí của người dân thấp, đa phần là hộ nghèo.
Với nhiều khó khăn chồng chất, nhà trường và ủy ban xã dù rất nỗ lực vun vén vẫn không đủ khả năng lo cho các em tươm tất. Trong năm học này, 235 học sinh bán trú rất cần có nơi học tập, vui chơi an toàn cũng như nơi sinh hoạt ổn định lâu dài. Năm học mới đã bắt đầu nhưng hiện khu nhà lưu trú cho các em đã xuống cấp trầm trọng. Mùa hè không đủ quạt mát, mùa đông thiếu thốn chăn ấm, quần áo…
Đại diện Trường Phổ thông Dân tộc Tiểu học xã Ngam La chia sẻ: "Trong 442 em học sinh thì có 130 nghèo và 90 em cận nghèo. Gia đình các em đông người, sống trên đồi núi xa trung tâm xã, thậm chí có bố mẹ còn chưa nói được hết tiếng Kinh. Ngay từ bé, các em đã phải sống ở nơi không có nước sinh hoạt, bữa ăn chủ yếu là ngô (gọi là mèn mén) và canh rau cải. Một tháng may ra các em được ăn cơm 1 - 2 lần. Khi ra trường học bán trú, mỗi em chỉ có 1 bộ quần áo, lâu lâu có đoàn từ thiện tặng cho quần áo cũ thì các thầy cô chọn cho 1 - 2 cái để thay. Khoảng 80% em không có bàn chải răng, khăn mặt".
Chương trình gây quỹ "Cùng em thắp sáng tương lai"
Những chia sẻ của thầy hiệu trưởng Trường Ngam La thật khiến bất cứ ai làm cha mẹ hay người làm ngành giáo dục cũng phải xót xa. Trong khi các em bé đồng bằng xúng xính quần áo mới đến trường, những bạn nhỏ vùng cao lại phải mặc đi mặc lại mỗi chiếc áo cũ sờn rách. Nếu "cái ăn không đủ no, cái mặc không đủ ấm", liệu tương lai của các em có le lói ở "vùng đất lãng quên"?
Nghĩ về các em học sinh lấm lem bùn đất khi đến lớp nhưng vẫn ham học, cô giáo lớp 5C của Trường Ngam La xúc động khi nhắc đến cô bé Xìn Thị Giang: "Chiều chủ nhật nào Giang cũng tự chuẩn quần áo và 1 túi mèn mén để đến trường, đi đường tắt qua nương, qua ruộng... Em bị gai cào, về trường là tự khâu lấy, có hôm mưa trơn ngã ướt hết cả người. Nhưng em luôn có ý thức tự giác học hỏi từ thầy cô, anh chị, bạn bè. Nhiều năm liền, Giang đạt học sinh xuất sắc trong học tập và rèn luyện, là tấm gương sáng để các em noi theo".
Đồng hành cùng Trường Phổ thông Dân tộc Tiểu học xã Ngam La, ILA Việt Nam đã tổ chức chương trình gây quỹ "Cùng em thắp sáng tương lai". Với mong muốn đóng góp yêu thương nhỏ, chương trình hy vọng sẽ có thể giúp hơn 500 học sinh dân tộc miền núi phía Bắc được đến trường.
Từ ngày 15.8 đến 30.9.2023, phụ huynh đăng ký mới một khóa học bất kỳ tại ILA sẽ được trích ra 200.000 đồng/khóa học dưới tên học sinh để góp phần gây quỹ "Cùng em thắp sáng tương lai". Quỹ hành động với 2 mục tiêu cụ thể:
Mục tiêu 1 - Nâng cấp nhà ở nội trú: Xây dựng lại những phần nhà ở đã xuống cấp trầm trọng, lợp lại mái, làm mới hệ thống điện và điện chiếu sáng, sơn mới toàn bộ.
Mục tiêu 2 - Trao tặng thiết bị học tập và nhu yếu phẩm: Mua tặng trang thiết bị và đồ dùng học tập, cùng một số nhu yếu phẩm cho các em học sinh và thầy cô giáo.
Vượt qua mấy chục cây số con đường đèo núi để đến trường, đôi chân của các em nhỏ vùng cao đã chai sạn và nứt nẻ nhưng vẫn tràn đầy quyết tâm. Vì các em có thể "đói cơm, thiếu thịt cá" nhưng vẫn rất cần con chữ để cải thiện cuộc sống nghèo khó. Bằng sức mạnh của tình yêu thương, hãy cùng ILA thắp sáng tương lai của hơn 500 học sinh nghèo vùng cao nhé!
Bình luận (0)