Lọt vào "top" ô nhiễm nhất thế giới
Từ đầu tháng 11, nhiều tỉnh thành miền Bắc bước vào mùa ô nhiễm không khí, đặc biệt là TP.Hà Nội. Mức độ ô nhiễm gia tăng và kéo dài trong suốt tháng 12 đến thời điểm hiện tại.
Anh L.V.Đ. Dinh, ngụ Q.Nam Từ Liêm (Hà Nội), cho biết thời gian gần đây 3 đứa con nhỏ nhà anh thường xuyên mắc các bệnh hô hấp. "Chúng cứ thay phiên nhau đi thăm bác sĩ. Mỗi lần đi khám, thông mũi cho một bé cũng mất ít nhất 300.000 đồng, chưa kể thuốc thang. Gần đây tôi phải đầu tư mua các thiết bị làm vệ sinh đường hô hấp cho các bé. Bên cạnh đó là trang bị thêm máy lọc không khí trong gia đình. Nhân đợt nghỉ Tết dương lịch vừa qua, tôi đưa các cháu vào miền Nam tắm biển như một biện pháp vệ sinh tự nhiên một cách tổng thể cũng như hít thở không khí trong lành", anh Dinh than thở và cho biết thêm ô nhiễm không khí khiến gia đình anh phải tốn thêm một khoảng chi phí khá lớn. Quan trọng hơn, sống chung với không khí ô nhiễm kéo dài thật sự vất vả và mệt mỏi. "Người lớn như mình cứ mỗi sáng mở cửa ra khỏi nhà để đi làm đã thấy ngột ngạt khó chịu, nói gì trẻ con và người già. Mấy tháng nay tôi không dám tham gia các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời vào sáng sớm và cả chiều tối vì vào thời điểm đó ô nhiễm nặng mà hoạt động mạnh sợ phải hít nhiều bụi bẩn hơn", anh cho biết.
Sương mù hòa cùng không khí bụi Người Hà Nội lo 'ra đường là ốm'
Thực tế, nhiều ngày trong tháng 12.2023, Hà Nội nằm trong top các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Đỉnh điểm trong số này phải kể đến là ngày 8.12, IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới) xếp Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí với chỉ số AQI trung bình 200. Nơi có chất lượng không khí kém nhất là khu vực Trường ĐH Điện lực (Q.Bắc Từ Liêm) với chỉ số AQI 275, thuộc mức rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của mọi người. Còn trong 40 ngày gần đây, chất lượng không khí ở Hà Nội chỉ có một ngày an toàn (ngày 13.11.2023) trong khi có 17 ngày ở mức trung bình, kém và 22 ngày ở mức xấu, rất xấu, có hại cho sức khỏe con người ở mọi lứa tuổi.
Với TP.HCM, tình hình dù ít nghiêm trọng hơn song vẫn thường xuyên ở mức "báo động đỏ". Đáng chú ý từ những ngày cuối tháng 12.2023 đến nay, bầu không khí cũng luôn trong tình trạng mờ mờ ảo ảo suốt cả ngày. Nhiều tòa nhà cao ốc nhạt nhòa trong màu trời trắng đục. Theo IQAir ngày 19.12.2023, chỉ số ô nhiễm ở TP.HCM từ 3 - 9 giờ sáng luôn trong khoảng 150 - 159, tương đương với màu đỏ và không lành mạnh cho sức khỏe.
Đến ngày 5.1, không chỉ Hà Nội mà TP.HCM cũng lọt vào danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới của IQAir. Cụ thể, Hà Nội với chỉ số ô nhiễm là 176 đứng thứ 6, còn TP.HCM là 164 xếp hạng 10 (nồng độ bụi mịn PM2.5 µm/m3 trên 150 tương ứng với màu đỏ là có hại cho sức khỏe, dưới 150 là màu cam và dưới 100 là màu vàng). Tình trạng ô nhiễm không khí ở TP.HCM tiếp tục diễn biến xấu vào lúc từ 5 - 6 giờ sáng ngày 6.1 khi chỉ số ô nhiễm lên tới 217 mức màu tím (rất không tốt cho sức khỏe); chỉ số ô nhiễm trung bình cả ngày duy trì ngưỡng 158. Trong ngày 7.1, chỉ số ô nhiễm trung bình đến 12 giờ là 167.
Cũng như ở Hà Nội, nhiều người dân TP.HCM rất lo lắng mỗi khi phải ra đường trong bầu không khí đậm đặc bụi mịn. Anh Nguyễn Văn Tân, ngụ Q.Tân Phú, cho biết rất thích các môn thể thao ngoài trời đặc biệt là bóng đá, đạp xe. Tuy nhiên, thời gian gần đây vì tuổi tác, sức khỏe và ô nhiễm không khí nên anh chuyển sang các môn nhẹ nhàng hơn như đi bộ, bơi lội… đặc biệt là hạn chế ra đường khi không cần thiết. Còn mỗi khi ra đường, anh và cả gia đình đều sử dụng khẩu trang để giảm tác hại của ô nhiễm.
Ô nhiễm gia tăng trở lại sau Covid-19 ?
Trả lời với tư cách cá nhân, PGS-TS Nguyễn Lữ Phương, Phó trưởng khoa Môi trường (Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường, TP.HCM) cho biết do số lượng trạm quan trắc không khí tự động còn hạn chế nên ông theo dõi cả các hệ thống cảm biến tự động như Pam Air và Visual Air để có bức tranh tổng thể hơn về chất lượng không khí của TP.HCM. Kết quả cho thấy thời gian gần đây, chỉ số ô nhiễm không khí vượt quá ngưỡng an toàn và đặc biệt ảnh hưởng đến nhóm đối tượng nhạy cảm là người già và trẻ em. "Tình trạng ô nhiễm không khí có vẻ xảy ra theo mùa. Cụ thể như ở TP.HCM thông thường bắt đầu từ tháng 10 và kéo dài đến tháng 1 năm sau. Đây là giai đoạn thời tiết không thuận lợi vì nhiệt độ trong không khí giảm; các chất gây ô nhiễm, trong đó có bụi mịn, từ hoạt động giao thông và hoạt động kinh tế - xã hội không thoát lên được tầng đối lưu mà chỉ lơ lửng ở tầm thấp. Nếu vào mùa nắng nóng hoặc mùa mưa có một số yếu tố thời tiết hỗ trợ nên không khí ô nhiễm ít hơn nhưng về bản chất thì lượng chất thải mà chúng ta sản sinh ra gần như vẫn giống nhau", ông Phương nói.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch VN - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cũng cho rằng ô nhiễm không khí gắn liền với sự thay đổi thời tiết. Chúng ta thường thấy ở miền Bắc ô nhiễm không khí xuất hiện vào mùa đông và kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Tuy nhiên, thời tiết chỉ là yếu tố bên ngoài. Vào mùa đông trời lặng gió, ít mưa, nhiệt độ thấp khiến các chất ô nhiễm không bị khuếch tán đi nơi khác hoặc nước mưa rửa trôi, chỉ quanh quẩn ở tầm thấp nên chúng ta tưởng là ô nhiễm tăng. Nguyên nhân chính vẫn là do các hoạt động kinh tế - xã hội của con người từ sản xuất kinh doanh, đến giao thông, xây dựng, nông nghiệp, đốt rác, đốt than…
Nếu tính theo trung bình năm, năm 2019 chỉ số ô nhiễm không khí là 34,1 giảm xuống còn 28 vào năm 2020 và tiếp tục giảm còn 24,9 vào năm 2021. Tuy nhiên, chỉ số này bắt đầu tăng trở lại vào năm 2022 là 27,2 - hạng thứ 30 thế giới. Theo TS Tùng, chúng ta có thể thấy khá rõ vấn đề là mức độ ô nhiễm không khí giảm trong giai đoạn đóng cửa chống dịch Covid-19. Khi mở cửa trở lại và các hoạt động kinh tế khởi sắc thì ô nhiễm không khí cũng quay trở lại. "Năm nay chưa có số liệu bình quân để so sánh nhưng chúng ta có thể cảm nhận là mức độ ô nhiễm tăng hơn năm ngoái và số ngày ô nhiễm cao cũng nhiều hơn. Những năm trước chúng ta đã nhận diện được vấn đề ô nhiễm không khí nhưng sau đó chúng ta có mối bận tâm lớn hơn là chống dịch Covid-19. Đến nay thì ô nhiễm không khí quay trở lại và chúng ta thấy rằng mình chưa hạn chế, khắc phục hay giảm thiểu được dù bụi mịn PM2.5 là nguyên nhân gây tử vong sớm đứng thứ 4 thế giới", ông Tùng cảnh báo.
Người dân và nhà nước phải cùng hành động
Với các nguyên nhân trên, ở các khu vực trung tâm, nơi có mật độ dân số, giao thông đông đúc, chất lượng không khí kém hơn những vùng dân số thấp và đô thị hóa ít. "Tôi rất mong muốn tuyến metro được đưa vào vận hành càng sớm càng tốt. Nó được hy vọng là phương tiện giao thông công cộng hữu ích, góp phần giảm bớt các phương tiện giao thông cá nhân từ đó giảm phát thải vào không khí. Phát triển giao thông công cộng nói chung được xem là một trong những giải pháp về mặt chiến lược. Thứ hai là tổ chức, bố trí lại mật độ dân cư, lao động, sản xuất, học tập cho phù hợp cũng góp phần giảm ô nhiễm không khí", TS Phương khuyến cáo.
TS Hoàng Dương Tùng lại bày tỏ tiếc nuối khi nhắc đến câu chuyện xe buýt điện D4 ở TP.HCM chạy tuyến Vinhomes Grand Park - bến xe buýt Sài Gòn có khả năng ngưng hoạt động do lỗ lặng và trợ giá thấp. "Đây là phương tiện giao thông công cộng hiện đại, văn minh và không gây bụi mịn như các phương tiện giao thông truyền thống nhưng phải ngưng hoạt động là điều rất đáng tiếc. Đáng ra, với những loại hình giao thông mới như thế này, cần được khuyến khích và ưu đãi nhiều hơn để nó tồn tại và phát triển. Chúng ta cũng phải chấp nhận một cái giá nào đó vì môi trường. Như ở Bắc Kinh (Trung Quốc) để kéo giảm ô nhiễm không khí như mức hiện tại, nhiều năm qua họ đã phải chi ra hàng trăm tỉ USD", ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, thời gian qua chúng ta đã nhận diện được nguyên nhân và giải pháp rồi nhưng chưa thực hiện tốt. Giờ chỉ cần quyết tâm thực hiện các giải pháp đó thì sẽ giải quyết được tình trạng ô nhiễm không khí đang ngày càng gia tăng. Đơn cử, vẫn còn các làng nghề, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm cao, chính quyền các địa phương cần quyết liệt trong giám sát, xử phạt để răn đe thì tình hình sẽ từng bước được cải thiện. Hay như việc đẩy mạnh phát triển giao thông công cộng, hạn chế phương tiện cá nhân, kiểm soát khí thải xe máy, giám sát chặt các công trình xây dựng… "Hà Nội hiện có gần 7 triệu xe máy, đặc trưng của loại phương tiện này là không cần đăng kiểm định kỳ dẫn tới không được kiểm soát về khí thải. Ngoài ra, hơn 1 triệu ô tô lưu thông hằng ngày khắp thủ đô cũng là nguồn phát thải đáng kể dù được đăng kiểm định kỳ. Bên cạnh đó, quyết liệt triển khai thu gom rác và phân loại rác tại nguồn tốt hơn; không để người dân tự phát đốt rác cũng như nông dân đốt rơm rạ, cấm đun than tổ ong…", ông Tùng dẫn chứng.
Để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí, TS Hoàng Dương Tùng khuyến cáo người dân cần trang bị kiến thức về ô nhiễm không khí và bụi mịn để có biện pháp ứng phó phù hợp. Ví dụ thường xuyên theo dõi thông tin về ô nhiễm không khí để biết mức độ nguy hiểm mà phòng tránh đặc biệt cho đối tượng nhạy cảm là người lớn tuổi và trẻ em, những người dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Với những gia đình có điều kiện có thể trang bị thêm các thiết bị lọc không khí, trồng thêm cây xanh trong nhà, sử dụng khẩu trang an toàn và có khả năng chống bụi mịn… Đặc biệt, bản thân mỗi người phải tự điều chỉnh hành vi từ những việc nhỏ nhất như: không đốt rác, không đốt than tổ ong, nếu có điều kiện kinh tế tốt hơn thì tăng cường sử dụng các sản phẩm và thiết bị thân thiện với môi trường.
Kiên trì từ những hành động nhỏ
Việc cải thiện chất lượng không khí phải mất rất nhiều năm và rất kiên trì với những chính sách xanh hóa. Ví dụ, Trung Quốc mất hơn 30 năm, Hàn Quốc cũng phải mất 15 năm. VN là một nước đang phát triển thì vấn đề còn khó khăn hơn nhiều và chúng ta phải giải quyết cùng lúc 2 bài toán là kinh tế và môi trường. Tuy nhiên, chúng ta cần có những hành động cả về mặt chính sách cũng như góc độ cá nhân của mỗi người. Mọi nỗ lực dù là nhỏ nhất như không đốt than, đốt rơm, đốt rác… cũng đều góp phần tạo nên những giá trị lớn.
Bà Đỗ Vân Nguyệt, Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN
Cần đồng bộ từ T.Ư đến các ngành, địa phương
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ TN-MT), sau khi luật Bảo vệ môi trường 2020 được ban hành, Bộ TN-MT đã ban hành hướng dẫn kỹ thuật để các tỉnh, thành trên cả nước căn cứ vào đó xây dựng hệ thống kỹ thuật kiểm soát ô nhiễm không khí. Cả nước có 9 địa phương đã xây dựng kế hoạch quản lý kiểm soát chất lượng không khí và 19 địa phương đang xây dựng dự án kiểm soát chất lượng không khí. Bộ cũng đã ban hành tiêu chuẩn khí thải trên toàn quốc; ban hành quy chuẩn về quản lý không khí cấp quốc gia.
Bên cạnh đó, Bộ TN-MT cũng đang thực hiện dự án bổ sung 18 trạm quan trắc ở 16 tỉnh, thành để giám sát chất lượng không khí. Về việc giảm phát thải khí thải, Bộ TN-MT đã tăng cường giám sát các doanh nghiệp về khí thải với 600 trạm quan sát kết nối trực tiếp với Bộ. Tuy nhiên, để kiểm soát ô nhiễm không khí, cần đồng bộ từ nhiều ngành từ cả T.Ư và địa phương đều phải thấy rõ trách nhiệm. Về lâu dài, cần chuyển đổi sang các ngành công nghiệp thân thiện môi trường dù đòi hỏi nguồn lực, khoa học công nghệ, nhân lực lớn.
Bình luận (0)