Từng gắn bó với âm nhạc Trịnh Công Sơn trong những ngày đầu sự nghiệp, đến nay, sau 15 năm kể từ cuộc thi Giọng hát hay Hội quán Hội Ngộ lần 5 - 2008, Lân Nhã mới có cho mình album nhạc Trịnh - Nhiên. Đây là album phòng thu thứ 2 của anh, sau sản phẩm đầu tiên - Nhã.
Nhiên có những bài hát đã rất quen thuộc như Biển nhớ, Cuối cùng cho một tình yêu, Còn tuổi nào cho em, Phôi pha…, nhưng cũng có bài hát ít được phổ biến, như Vàng phai trước ngõ… Album cũng được sắp xếp có nhiều dụng ý, khi xen lẫn những bài hát nhiều tâm trạng như Phôi pha, Còn tuổi nào cho em, Em còn nhớ hay em đã quên… là những bài vui, có nhịp điệu nhanh như Cuối cùng cho một tình yêu, Tình sầu… Đây như là 2 thái cực của cuộc đời mỗi người, từ đó gửi gắm niềm tin “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”.
Theo Lân Nhã, đây là những ca khúc anh thích nhất trong gia tài âm nhạc của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Khi hát, anh cũng không quan tâm nhiều đến việc bài hát đó đã được nghệ sĩ thu âm hay trình diễn nhiều chưa, bởi anh tin mỗi người sẽ có cách hiểu cũng như truyền đạt cảm xúc khác nhau đối với cùng bài hát. Và khi thực hiện đĩa này, anh muốn chia sẻ cùng người yêu nhạc những trải nghiệm riêng của bản thân.
Phần phối khí của đĩa nhạc này được đảm nhận bởi nghệ sĩ guitar Dũng dAlAt, thiên về tính mộc cũng như sự giản dị. Bản phối của Dũng dAlAt hòa hợp với cách thể hiện của Lân Nhã, tiếng guitar cũng có thể xem là một giọng nói thứ hai, song tấu cùng với giọng hát truyền cảm của nam ca sĩ. "Anh Dũng dAlAt là một nhạc sĩ tài năng, nghệ sĩ tính; và anh còn là người bạn, người anh thân thiết, chân tình, hay cho tôi những lời khuyên hữu ích. Anh là một người cực kỳ duyên dáng, hài hước nhưng cũng rất kỹ tính trong công việc", Lân Nhã chia sẻ thêm về sự kết hợp này.
Sự kết hợp và cách chọn bài hát của dự án này, có thể nói, có phần giống với cặp đôi nhà sản xuất Thanh Phương và Hiền Thục trong hai dự án Portrait 17 và Thiên sứ. Nhưng nếu Hiền Thục chọn hướng phá cách khi kết hợp với nhạc cụ truyền thống, thì Lân Nhã thể hiện đúng như cá tính của mình, hướng đến nguyên bản và chọn giản dị là phương án tốt nhất để hát nhạc Trịnh.
Dù có bài Nhã hát quá trau chuốt, nhưng tổng thể, khi nghe Nhiên, sẽ cảm được giọng hát Lân Nhã nhẹ nhàng và uyển chuyển hơn album đầu tay. Trong đó Vàng phai trước ngõ là một ca khúc không dễ trình bày, khi đây là một trong những bài hát mang tính siêu thực nhất của Trịnh Công Sơn. Trong tiếng sáo xuất hiện rải rác, âm thanh guitar dẫn dắt xuyên suốt toàn bài, Lân Nhã chọn cách thể hiện tự sự, đơn giản, và cũng ít nhiều thể hiện được sự phù du, mông lung của đời sống này. Nhã mang đến cảm giác hát từ trái tim, dù lời bài hát có phần triết lý và nhiều ẩn dụ.
Phần mix và master cũng được xử lý hậu kỳ tại Sterling Sound (Mỹ), nơi có kỹ sư âm thanh Chris Gehringer đã từng làm việc với nhiều nghệ sĩ Âu – Mỹ nổi tiếng đoạt giải Grammy. Điều này cho thấy được sự đầu tư nhằm mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khán giả.
Dù với Lân Nhã, Nhiên được lấy theo tên con gái mình, nhắc nhở phải yêu âm nhạc một cách hồn nhiên. Thế nhưng ở mặt nào đó, đây cũng là cảm xúc của chính người nghe khi thưởng thức album này: một cảm giác an yên. Nếu đĩa đầu tay mang tên Nhã như lời giới thiệu giọng hát của anh, thì album thứ hai này dành cho mọi người, và của mọi người.
Bình luận (0)