Thật khó ve vãn cô gái chèo đò Thủ Thiêm xưa (*) nhưng cá trích nay thì có thể, nếu bạn chịu khó lượn lờ nhiều ngõ hẻm Sài Gòn.
>> Ly kỳ chuyện trà nhập tiệc
>> Có sả thì thì phải có... nén
|
Cá trích (tên khoa học Sardinella) thường có hai loại: trích ve, trích lầm. Trong đó tiểu ngư trích ban đầu thịt ngọt dẻo, mỡ thật béo thơm, ít tanh mặc dù nhỏ con hơn, cỡ ngón tay rưỡi.
Mới đây, một đồng nghiệp gốc Quảng ở xã Thắng Hải huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận í ới gọi điện: “Mi xuống tao chơi! Vô mùa cá trích rồi, 15.000 - 20.000/ký. Tươi rói! Ăn no thôi!”
Món sở trường của anh này là, trộn gỏi kiểu Quảng Nam. Ngoài lượng nước cốt chính yếu gồm: chanh, đường, tỏi, ớt; làm chín tái miếng thịt cá phi lê trắng tươi, còn có nhúm rau ngò rí (cả rễ) giã nhuyễn. Càng không thể thiếu xấp bánh tránh gạo Điện Bàn nướng ửng vàng, giòn rôm rốp...
Đó là, kiểu gieo mầm văn hóa ẩm thực bản địa của kẻ tha hương! Do vậy, muốn cảm được chút duyên thầm nơi dĩa gỏi cá mộc mạc kia, rất cần những tâm hồn đồng điệu. Kiểu như mất Tử Kỳ, Bá Nha chẳng thiết chơi đàn.
Cho nên, cũng món gỏi ấy, ngược về biển Tây ngỡ như gặp nhiều bông hoa lạ. Màu trắng xanh óng ánh của cá trích xen lẫn cùng trắng tinh khôi của dừa cứng cại (dừa dẻo), chen chúc với màu xanh ngọc, phớt tím của nhiều rau đọt: bằng lăng, lụa, lộc vừng, sộp... Chỉ một món ăn bình dị thôi - gỏi cá trích - đã hội tụ, giao hòa bao sản vật từ: biển cả ì ầm + đồng bằng trù phú + rừng lá thấp lao xao!
Nhờ vậy, cuốn gỏi cá nhà nghèo không những hội đủ mùi đời (đắng, cay, ngọt, mặn, chua) mà còn gói cả những nụ cười hiếu khách, giọt mồ hôi bươn chải của bao ngư dân chòng chành lưới cá trong sương lạnh.
|
Nếu dân miền Trung thích rắc nhúm bột thính vào món gỏi, nhằm gia tăng mùi vị, thì dân Nam khoái dừa nạo. Dạng cơm dừa không quá béo cũng không quá nhão, để hợp âm gỏi thêm réo rắt, du dương. Dường như, thấy thấp thoáng bóng dáng của nền ẩm thực Khmer, Ấn đang chung vui.
Thật ra, mỗi loại cá thích hợp và có “đô” chua riêng, chỉ những người nội trợ đảm đang - dọc bờ biển Việt - mới thấu hiểu. Cá mai, cá chép... chuộng chanh; còn cá trích, cá đuối... mê giấm. “Rót nửa chén giấm nuôi phải pha thêm vài ba muỗng canh nước ấm, để da thịt cá vừa tai tái mới đạt. Dư chua, thịt cá sẽ mềm đi, bớt ngọt - thiếu giòn”, anh Tăng Dục Tiến đầu bếp kiêm chủ quán Hòn Thơm ở 628/2 Hà Huy Giáp (phường Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM) chia sẻ.
Nhờ dư âm của làn sóng du lịch nơi đảo ngọc Phú Quốc, con cá trích hèn mọn đã kết giao với chai rượu sim diễm lệ. Và họ cá lẹp vẩy lấp lánh bạc ấy, thường chép miệng sủi bọt li ti nơi đầu gành cuối bãi, còn nợ gốc ổi sẻ già mấy ly... ân tình. Bởi thiếu giấm trái ổi ta chín mọng, thơm dậy làng, sẽ ít người ve cá!
Tất nhiên, cá trích không chỉ để làm gỏi. Có khối món ngon: kho tương, nướng, chả... Quan trọng là, bạn có bao dung với loại cá nhiều xương dăm này hay không.
(*): Bắp than mà nướng lửa lò/ Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm (Ca dao)
Tạ Tri (thực hiện)
Bình luận (0)