Ngày 25.2, UBND Q.Hải Châu (Đà Nẵng) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với ông N.B.K (34 tuổi, quê Hải Dương), Phó ban Quản lý điều hành (Ban Quản lý các dự án đầu tư - Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng), vì đã có hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Ông K. chính là người về quê ở Hải Dương ăn tết, khi trở lại TP.Đà Nẵng đã không phối hợp với bệnh viện để lấy mẫu xét nghiệm Covid-19… mà Thanh Niên đã phản ánh.
Câu chuyện nêu trên một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về ý thức tự giác khai báo của một số người. Chỉ một hành vi thiếu ý thức của một cá nhân cũng có thể đe dọa đến sức khỏe cả cộng đồng, khiến công sức của cả hệ thống ngày đêm túc trực chống dịch ở khắp mọi miền đất nước có nguy cơ “đổ sông đổ bể”.
Có chứng kiến lực lượng chống dịch Covid-19 khổ sở trong những bộ đồ bảo hộ kín mít, đứng dưới tiết trời nắng nóng, nhịn ăn nhịn uống… và làm việc xuyên tết để bảo đảm người dân được an toàn mới phần nào hiểu được khó khăn, vất vả mà họ ngày đêm đối mặt. Vì thế, không khó hiểu khi những hành vi thiếu ý thức như của ông K. bị người người lên án, bày tỏ sự phẫn nộ. Nhưng chỉ lên án hay phẫn nộ thôi chưa đủ, mà trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19” này, mỗi người cần trở thành một chiến sĩ trực tiếp chiến đấu, như lời bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng, kêu gọi: “Đối với những người khai báo y tế không trung thực thì việc chốt chặn ở cửa ngõ TP không còn hiệu quả. Lúc này, tổ dân phố là nơi giám sát, phát hiện người lạ hoặc người trở về từ vùng có dịch để báo ngay cho lực lượng y tế…”.
Đà Nẵng từng trải qua những ngày chống dịch căng thẳng nên càng thêm quý những ngày bình yên, càng trân quý công sức của cả hệ thống chính quyền và cộng đồng. Và để giữ được sự bình yên, chỉ có một cách là mọi người cùng chung sức dập đại dịch.
Bình luận (0)