Cùng nhau vượt qua mùa đại dịch: Ông Tây phát gạo

06/04/2020 05:00 GMT+7

Thấu hiểu khó khăn của những người lao động trong mùa dịch, nhiều ngày qua, ông Robert Taylor cùng vợ rong ruổi khắp các con đường tại TP.Vũng Tàu, phát gạo cho những lao động nghèo, người thất nghiệp.

Thể hiện tinh thần sẻ chia

Những ngày gần đây, người dân tại TP.Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) thường xuyên thấy chiếc ô tô nhà ông Robert Taylor (74 tuổi, quốc tịch Anh) rong ruổi khắp các con đường lớn nhỏ trong thành phố. Mỗi khi bắt gặp những người bán vé số, những bác chạy xe ôm, ông Robert lại dừng xe, vác trên vai bao gạo trao cho họ kèm theo những nụ cười tươi. Nhiều người không biết tên, gọi ông là “ông Tây phát gạo”.
Sống tại Việt Nam gần 30 năm, ông Robet cùng vợ lập nên bảo tàng tư nhân Robert Taylor, chuyên trưng bày các loại vũ khí cổ. “Mùa dịch, bảo tàng của gia đình tôi cũng không hoạt động, nhân viên nghỉ, vợ chồng tôi cũng không làm gì. Thấy tình hình dịch Covid-19 ảnh hưởng nhiều đến kinh tế gia đình, rồi nghĩ đến những người lao động thất nghiệp, chồng liền nảy sinh ý định bỏ tiền mua gạo phát cho người nghèo”, bà N.T.T.T, 43 tuổi, vợ ông Robert chia sẻ.
Nghĩ là làm, ông Robert cùng vợ mua 1 tấn gạo về để trong bảo tàng. Hằng ngày, hai ông bà cùng nhau chia gạo thành từng bao nhỏ, mỗi bao 10 kg, chất lên xe rồi chạy khắp TP.Vũng Tàu. Ông Robert cho biết, vì mùa dịch cần hạn chế tập trung đông đúc, ông và vợ chọn cách lái xe đi tìm những người lao động đang gặp khó khăn mùa dịch, thay vì tập trung họ lại để phát phiếu. Ban đầu, hai vợ chồng tìm đến những người chạy xe ôm ế khách. Đến ngày 29.3, biết được thông tin sẽ ngưng phát hành vé số trong 15 ngày, ông Robert chịu khó đi nhiều hơn để tìm được những người bán vé số dạo.
Nhận được túi gạo từ “ông Tây” lạ mặt, chị Nguyễn Thị Vân (51 tuổi, ngụ P.Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) xúc động: “Bình thường tôi bán vé số chỉ đủ tiền ăn hằng ngày, hôm nay ngưng bán, tôi cũng không biết làm sao có tiền mua thức ăn trong mấy ngày tiếp theo. Được cho gạo, tôi mừng lắm, nó cứu đói gia đình tôi những ngày sắp tới”.

Hy vọng giúp một phần nhỏ cho Việt Nam

Ngày nào cũng rong ruổi ngoài đường, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, bà T. cũng lo lắng khi mình và chồng phải tiếp xúc nhiều người trong một ngày. Tuy nhiên, nghĩ đến những hoàn cảnh không có gạo ăn trong mùa dịch, vợ chồng ông Robert quyết tâm phải tìm được thật nhiều người lao động nghèo. “Có mấy hôm cực lắm, cứ đi mãi, từ sáng đến tối, nhưng khi nhìn thấy nụ cười của mấy chú bán vé số, mình lại có thêm động lực đi tiếp. Với lại, mỗi lần đi phát, tôi và chồng đều đeo khẩu trang, sát khuẩn cẩn thận nên cũng an tâm”, bà T. chia sẻ.
Ông Robert cho rằng, dịch bệnh tới, mình gặp khó khăn nhưng sẽ có nhiều người khó khăn hơn. Trong mùa dịch Covid-19 này, sống hôm nay mình đâu biết ngày mai sẽ ra sao, cứ chia sẻ được gì cho xã hội thì ông luôn sẵn lòng chia sẻ. Với ông, những gì ông và vợ đang làm chỉ là một chút công sức nhỏ, không đáng vào đâu. Vì vậy, mỗi khi xuống xe phát gạo, ông thường cố gắng phát thật nhanh rồi lên xe đi ngay vì ngại nhiều người đi đường dừng lại chụp hình.
“Thời gian này là thời gian rất khó khăn cho những người mưu sinh ngoài đường. Tôi hy vọng việc làm của mình có thể giúp đỡ, dù là một phần nhỏ thôi, đối với đất nước, con người Việt Nam trong mùa dịch bệnh”, ông Robert chia sẻ.

Cơm xã hội Nụ Cười

Cơm xã hội Nụ Cười

Hàng chục ngàn suất cơm được hệ thống Nụ Cười phục vụ miễn phí

Ảnh: Như Lịch

Từ ngày 1.4 đến nay, hệ thống quán cơm xã hội Nụ Cười tại TP.HCM đã phục vụ gần 20.000 suất cơm miễn phí. Ngoài ra, các tình nguyện viên tỏa đi khắp nơi phân phát hàng tấn gạo, nhu yếu phẩm đến với người nghèo.
Những ngày tới, trong hệ thống 6 quán cơm xã hội Nụ Cười, 3 quán cơm Nụ Cười 1 (596 Trần Hưng Đạo B, P.14, Q.5), 2 (488 Trường Chinh, P.13, Q.Tân Bình), 6 (11 Nguyễn Huy Lượng, P.14, Q.Bình Thạnh) nổi lửa nấu cơm và phát tại chỗ. 3 quán cơm Nụ Cười 4 (148 Bến Vân Đồn, Q.4), 7 (68/12 đường Lữ Gia, P.15, Q.11) và 8 (1276 Huỳnh Tấn Phát, P. Phú Mỹ, Q.7) nhận các suất cơm do nhà tài trợ nấu rồi phân chia cho tình nguyện viên tỏa đi trao cho bà con nghèo.
10 giờ 30 ngày 4.4, khi các phần cơm phát trong ngày đã hết, bà Phan Thị Châu (cựu nhà báo Báo Phụ Nữ TP.HCM) - phụ trách 3 quán cơm xã hội Nụ Cười 1, 2, 6 mới có thể ngơi tay. Bà Châu chia sẻ: “Sáng giờ tôi chưa ăn gì, chưa kịp uống miếng nước nào. 3 quán cơm Nụ Cười 1, 2, 6 đã cố gắng hết sức để nấu gần 2.000 suất/ngày phục vụ bà con nghèo”.
Bà Châu xúc động kể: “Những ngày này, tôi thấy rất mệt mà cũng rất hạnh phúc bởi không chỉ có sự chung tay của người giàu mà cả sự chung tay của người nghèo, rất nghèo. Có những người chắt chiu ủng hộ vài chục ngàn đồng. Có chú đạp xích lô thấy chúng tôi phát cơm cũng tự nguyện phụ giúp, không chịu lấy đồng nào...”. 
Như Lịch
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.