Anh Phan Minh Thông - Chủ tịch Hội đồng quản trị Phúc Sinh Group cho biết: “Quan điểm của Phúc Sinh là không chỉ biết xuất khẩu mà người tiêu dùng nội địa được quyền sử dụng những hạt cà phê sạch”.
Thuyết phục nông dân
Buổi đầu đến với nông dân Buôn Hồ, vùng đất có hàng trăm năm tuổi trồng cà phê của miền cao nguyên Trung phần, như lời anh Thông là “cay hơn ớt”. “Phải tìm cách nào đó để thuyết phục họ thay đổi cách trồng, cách chăm sóc và thu hoạch đã thấm vào máu bao nhiêu thế hệ trên mảnh đất cà phê này. Khi chúng tôi nói chuyện với các lão nông, vừa tôn trọng kinh nghiệm của họ, vừa mời các chuyên gia khoa học về cà phê nói chuyện với họ về quy trình sản xuất cà phê hiện đại trên thế giới với những tiêu chuẩn mới như UTZ, BRC... Mưa dầm thấm lâu…”.
Dần dà, từ một vài hộ, đến nay đã có 897 hộ với diện tích là 1.000,6 ha trồng cà phê theo tiêu chuẩn UTZ. Đến nay sản xuất theo tiêu chuẩn mới có sản lượng là 2.748,48 tấn. Sản lượng trên, chưa thấm vào đâu so với năng lực xuất khẩu hiện tại của công ty nhưng đó là “bước đệm quan trọng trong việc thay đổi tư duy của nông dân trồng cà phê thời nay. Ngày xưa, thời tiết thuận lợi nên việc trồng cà phê không đòi hỏi nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật như hiện nay. Còn bây giờ…”.
Mệt trước, sướng sau…
Theo bộ chứng nhận UTZ, sản phẩm phải tuân thủ các tiêu chí: chất lượng sản phẩm, môi trường canh tác không bị xâm hại, hạn chế sử dụng các hóa chất trong sản xuất, sản phẩm (nguyên liệu và thành phẩm) không có dư lượng thuốc trừ sâu...
Để thực hiện được những yêu cầu trên, đội ngũ nhân viên của Phúc Sinh đã đến từng nông hộ giúp nông dân hiểu về quy trình tưới nước tiết kiệm, bón phân hữu cơ, cách sử dụng hóa chất nông nghiệp: vi sinh, kiểm soát IPM, cách thức thu hái, phơi phải an toàn như rải bạt trên sân xi măng…“Phúc Sinh có các trưởng nhóm giám sát các nông hộ tham gia dự án để đồng bộ theo đúng quy định khắt khe của bộ tiêu chuẩn UTZ”, anh Thông nhấn mạnh.
Nhưng, theo lời anh, bộ chứng nhận UTZ còn yêu cầu những quy định về xã hội và môi trường như: không được sử dụng lao động trẻ em, đảm bảo chính sách tiền lương, bảo vệ bền vững và đa dạng môi trường thông qua những việc tưởng chừng đơn giản nhưng khó làm như bảo vệ loài thú quý hiếm và loài cây cộng sinh… để che bóng, giữ ẩm cho cà phê.
Nói chuyện với nông dân, anh Thông và các cộng sự đều nhấn mạnh vai trò của sản xuất bền vững. “Có thể bây giờ bà con cực khi từ bỏ những thói quen trong cách sản xuất cũ để tiếp cận những công nghệ và yêu cầu mới, nhưng khi đã quen với những giá trị mới sẽ được đền bù, không chỉ về giá cả sản phẩm mà còn tiết giảm công sức với cây cà phê”, anh Thông thường nói với nông dân như vậy.
Câu chuyện cùng nông dân sản xuất cà phê sạch của Phúc Sinh đáng để cho nhiều người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất cà phê nâng cao giá trị cà phê Việt Nam tại thị trường Việt Nam và thế giới.
Phúc Sinh còn đạt bộ tiêu chuẩn toàn cầu của hiệp hội bán lẻ Anh quốc (BRC - British Retail Consortium). Bộ tiêu chuẩn này được Sáng kiến An toàn về thực phẩm toàn cầu (GFSI) công nhận. Bộ tiêu chuẩn BRC quy định rõ các tiêu chí về an toàn thực phẩm, lưu trữ và phân, bao bì và nguyên liệu bao bì, đại lý và môi giới toàn cầu… Khi sản phẩm đạt bộ tiêu chuẩn BRC sẽ được các nhà bán lẻ, các công ty dịch vụ thực phẩm và các nhà sản xuất trên toàn thế giới công nhận. |
Bình luận (0)