Hôm nay là Rằm tháng Chạp - ngày Rằm cuối cùng trong năm trước khi bước sang Tết Nguyên Đán. Tháng Chạp này cũng chỉ có 29 ngày, không có 30 Tết. Vậy cách cúng ngày Rằm này có gì đặc biệt không?
Trả lời PV Thanh Niên, Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, trụ trì chùa Giác Ngộ cho biết, trong văn hóa Phật giáo, lễ lớn là có các ngày Rằm tháng Giêng, Rằm tháng Tư (lễ Phật Đản), Rằm tháng Bảy (lễ Vu Lan), Rằm tháng Mười (Tết Hạ Nguyên).
Thượng tọa Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ |
Do đó, ngày Rằm tháng Chạp là ngày Rằm bình thường không thuộc lễ lớn trong văn hóa Phật giáo. Về phương diện thời gian, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết, Rằm tháng Chạp một số chùa ở vùng sâu, vùng xa, cao nguyên xem đây là dịp tạm ngưng sinh hoạt Phật sự của chùa, tập trung cho việc làm vệ sinh, trang trí cảnh kiểng chuẩn bị đón Tết.
Về bản chất, việc thờ cúng Phật trong mỗi ngôi chùa diễn ra bình thường. Các chùa ở TP.HCM cũng không có ngày nào nghỉ, các sinh hoạt tiếp tục diễn ra bình thường.
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, nếu là Phật tử thì người ta có thói quen cúng Rằm vào 2 ngày là vào tối 14 và ngày 15. Trong tối 14 theo Phật giáo văn hóa Đại thừa có lễ sám hối tự đánh giá bản thân mình xem nửa tháng vừa qua có lỡ lời cố ý, hành động vô tình gây thương tổn đến các thành viên trong gia đình, xã hội thì xin lỗi, cam kết không tái phạm. Ban ngày của ngày 15, Phật tử có thói quen cúng xôi, chè, trái cây, thay hoa cúng Phật và ông bà tổ tiên, cầu chúc những điều tốt lành cho gia đình, quốc gia và thế giới.
Người dân đến chùa thắp hương nhưng đeo khẩu trang phòng dịch |
Lê Ngọc thảo |
Về việc cúng Rằm nên cúng chay hay cúng mặn, trụ trì chùa Giác Ngộ cho biết, Phật tử theo Phật giáo Đại thừa có thói quen cúng chay vì cho rằng việc cúng mang ý nghĩa tưởng niệm, người chết không ăn.
"Còn dân gian có thói quen cúng món ruột trong gia đình. Trong 3 năm trở lại ông bà, cha mẹ qua đời thì cúng món ruột mà người thân thường ăn khi còn sống. Thực ra việc cúng như vậy không cần thiết chủ yếu là tưởng niệm thôi. Theo Phật giáo Nguyên thủy, sau khi chết mọi người đều tái sinh. Còn theo Phật giáo Đại thừa, quá trình tái sinh nhanh trong một tích tắc, chậm nhất là ngày 49 không có trường hợp ngoại lệ", Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ.
Khi cúng, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho hay, Phật tử thường mặc áo tràng, hay gọi áo lễ rồi thắp 1 hoặc 3 nén hương trước bàn thờ Phật, tổ tiên nguyện cầu những điều an lành như sức khỏe, mạng sống, an lành, mọi nỗ lực được thuận lợi cho gia đình, cho quốc gia, đất nước.
Trước khi mặc áo lễ cúng, Phật tử sẽ bày hết trái cây, nước, hoa, lau bàn thờ, vệ sinh thật sạch rồi mới mặc áo vào cúng. Do đó, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng, cúng Rằm tháng Chạp không liên quan đến việc cuối tháng có hay không có ngày 30.
Bình luận (0)