Cung thỉnh xá lợi Thiền sư Thích Nhất Hạnh về Tổ đình Từ Hiếu

30/01/2022 12:02 GMT+7

Sau hơn 18 tiếng thực hiện nghi lễ Trà tỳ, sáng nay 30.1.2022, xá lợi Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được cung thỉnh về Tổ đình Từ Hiếu, kết thúc viên mãn lễ tâm tang của bậc Giác ngộ, người thầy Chánh niệm.

Sáng nay 30.1.2022 (nhằm 28 tháng Chạp), sau hơn 18 tiếng thực hiện nghi lễ Trà tỳ, xá lợi (tro cốt) của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được cung thỉnh về đến Tổ đình Từ Hiếu trong không khí im lặng, kết thúc viên mãn tâm tang theo di huấn của ngài.

Xá lợi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh về đến Tổ đình Từ Hiếu

Lê Hoài Nhân

Nghi lễ Trà tỳ kết thúc khoảng 3 giờ sáng, Ban tang lễ và tứ chúng đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã tiến hành thu nhận xá lợi và cung thỉnh về Tổ đình Từ Hiếu.

Khi cánh cửa Đài hỏa táng được mở ra, đệ tử của Sư ông đã đảnh lễ trước xá lợi của ngài, rồi thu nhận xá lợi đưa vào các bình sứ.

Trong các Kinh điển Phật giáo như Kinh Trường A-hàm, quyển 4, Kinh Du hành; Kinh Trường A-hàm, quyển 3, phẩm Thường, Vô thường; Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Đề-bà-đạt-đa, có đề cập đến 2 loại xá lợi gồm xá lợi toàn thân và xá lợi toái thân.

Các đệ tử thu nhặt xá lợi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Lê Hoài Nhân

Xá lợi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sau lễ Trà tỳ thu được là xá lợi toái thân. Xá lợi này là kết quả của tiến trình hỏa thiêu trong vòng 8 - 24 giờ bằng lò thiêu củi gỗ hoặc lò thiêu điện tử. Tất cả những phần xương còn lại sau khi lễ hỏa thiêu kết thúc thì được gọi là xá lợi toái thân.

Di ảnh cùng xá lợi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh được cung thỉnh về an vị tại Tổ đình Từ Hiếu

Lê Hoài Nhân

Theo ba nhà vật lý Holden, Phakey và Clement thuộc Đại học Monash, Melbourne, Úc trên tạp chí Khoa học pháp y quốc tế số tháng 6.1995, trong quá trình tinh thể hóa xương do hỏa táng, các tinh thể hình dạng khác nhau sẽ được hình thành nếu quá trình hỏa táng ở nhiệt độ thích hợp. Họ đã theo dõi quá trình tinh thể hóa xương đùi của những người từ 1 tới 97 tuổi trong dải nhiệt độ 200 - 1.600oC trong khoảng thời gian 2, 12, 18 và 24 giờ. Kết quả là sự tinh thể hóa các khoáng trong xương (chiếm 2/3 trọng lượng xương) bắt đầu xuất hiện từ nhiệt độ 600oC với nhiều hình dạng khác nhau: hình cầu, lục giác, hạt nhỏ và hình dạng không đều.

Xá lợi của Thiền sư Thích Nhất Hạnh sau khi cung thỉnh về Tổ đình Từ Hiếu đã được an vị tại thiền đường Trăng Rằm. Theo di huấn của ngài, xá lợi này sau đó sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai trên thế giới mà không cần phải xây tháp.

Xá lợi Thiền sư Thích Nhất Hạnh an vị tại Tổ đình Từ Hiếu

Tiết lộ về chiếc Kim quan mộc mạc

Sau khi tang lễ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh kết thúc viên mãn, anh Phạm Phú Phong (cơ sở quan tài 207 Hùng Vương, TP.Huế) - nghệ nhân đóng chiếc Kim quan (quan tài) của Thiền sư đã cung cấp cho Thanh Niên một số thông tin về chiếc Kim quan này.

"Theo di huấn của Thiền sư, Kim quan của ngài phải dùng gỗ đơn sơ, mộc mạc nhất, không được dùng gỗ quý và chạm trổ gì cả", anh Phong cho biết.

Chiếc Kim quan mộc mạc không chạm trổ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Lê Hoài Nhân

"Cơ sở đóng quan tài của mình có rất nhiều loại áo quan được đóng bằng gỗ tốt và chạm trổ, đóng lọng sen rất cầu kỳ. Tuy nhiên, với di nguyện của Ngài, các đệ tử của Ngài khi đến đặt áo quan, chỉ chọn đặt chiếc áo quan bằng gỗ dạ hương và không có bất kỳ chạm khắc nào. Từ khi nhận đóng áo quan cho Ngài, mình đã chọn gỗ và bắt tay vào thực hiện từ khoảng 9 giờ cho đến 16 giờ cùng ngày 22.1 là hoàn tất và chở lên chùa giao cho quý thầy", anh Phong chia sẻ.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Sư ông xuất gia vào năm 16 tuổi ở chùa Từ Hiếu (nay P.Thủy Xuân, TP.Huế). Lúc 1 giờ 30 ngày 22.1.2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu), Thiền sư viên tịch tại Tổ đình Từ Hiếu, trụ thế 97 tuổi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.