'Cưng xạo dễ sợ!' - có đáng ghét không?

15/04/2018 10:05 GMT+7

'Anh ấy hiền và đáng mến, nhưng không hiểu sao cứ nói là tôi xạo dễ sợ. Tôi hiểu xạo là nói không thật, xạo quá trời xạo có nghĩa là nói mình không thật thà tí nào...'

“Anh ấy hiền và đáng mến, nhưng không hiểu sao cứ nói là tôi xạo dễ sợ. Tôi hiểu xạo là nói không thật, xạo quá trời xạo có nghĩa là nói mình không thật thà tí nào. Vì thế tôi thấy anh vô lý và không tiếp tục hẹn hò.
Sau này, có người nói như vậy cũng chẳng có ý gì trách móc cả thì chuyện cũng qua rồi”, Khánh Lan (Hà Nội) nhớ lại. Hóa ra ở miền Nam, “xạo dễ sợ” đế theo những câu chuyện phiếm lại là một cách nói yêu!
Một dạng bất đồng khác là người bắc vào nam tuy không khó chịu nhưng rất ngạc nhiên khi ra đường người nam mua bán cứ kêu khách hàng là "cưng". Ở miền Bắc, phải rất thân thiết mới gọi như vậy. “Tôi trố cả mắt ra, chị bán hàng nhiệt tình đến mức tôi thấy ngại quá. Phải sau vài chuyến công tác tôi mới quen được”, Hải Anh, một người hay đi công tác TP.HCM, nói.
Anh Nguyễn An, một người dân TP.HCM chính gốc, khi ra công tác Hà Nội lại chết khiếp khi vào quán và thấy người ta gọi phục vụ “thanh toán”. “Sao ở đây lại hay kêu “thanh toán”. Trong kia gọi tính tiền chứ ít ai gọi thanh toán. Thanh toán có thể bị hiểu lầm là chém nhau, xử nhau theo kiểu giang hồ...”, anh An cho biết.
Thư, bài cộng tác xin gửi về: [email protected]

Không chỉ có vậy, một bài viết trên mạng còn liệt kê những cách xưng hô có thể gây mất thiện cảm bắt nguồn từ khác biệt bắc - nam.
Chẳng hạn, không nên xưng ông mày, bố mày với bất cứ ai, kể cả với người miền Bắc ở miền Nam. Hoặc, khi gặp ai đó, nếu chưa chắc chắn họ nhỏ tuổi hơn, nên gọi họ bằng anh hoặc chị. Nếu đối phương cũng gọi lại bạn bằng anh/chị, đó là lịch sự, xã giao. Khi đó, nên xưng hô lại bằng anh/chị tiếp, đừng thấy người khác gọi mình bằng anh mà gọi ngay họ là em.
Một trường hợp khác được lưu ý là nếu bạn là nam, gặp nam giới nhỏ tuổi hơn, gọi là “em” sẽ tạo được thiện cảm hơn kêu bằng “chú mày”. Người trong nam không thích kiểu “anh nói cho chú mày biết nhé”.
Mặc dù vậy không phải ai cũng đồng ý với những liệt kê này. “Tôi nghĩ là cả với người bắc, họ cũng không thích bị ai xưng bố mày, ông mày. Hoặc việc xưng tôi và anh chị cũng là phép lịch sự thông thường ở cả ba miền”, chị Thúy Quỳnh, người ở Hà Nội lâu năm, cho biết.
Trong khi đó, chính nhiều người ở lâu năm tại Sài Gòn cũng nhận xét, người ta cũng không quá thường gọi nhau là cưng. “Tôi cũng thấy một số chỗ bán hàng vẫn hỏi khách cưng ăn gì. Nhưng ở môi trường quán cao hơn thì không có chuyện đó. Hoặc hỏi kiểu vậy chỉ hay xảy ra với các bạn trẻ, các bạn sinh viên”, anh Nguyễn An nói.
Về những khác biệt này, GS Hoàng Trọng Phiến, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt (ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: “Trước đây bất đồng ngôn ngữ còn nhiều hơn. Nhưng bây giờ các từ địa phương của Nam bộ cũng đã có xu hướng chung là hòa vào với toàn dân. Nên nhiều khi từ miền nam cũng ra bắc và ngược lại. Đó là xu hướng tốt đấy”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.