Đạp xe có gì tuyệt mà nhiều người mê
Thời gian qua, hình ảnh người trẻ đạp xe khắp các con đường không còn xa lạ với nhiều người. Vào cuối tuần, người ta còn thấy các đoàn đạp xe với đủ đồ bảo hộ hào hứng khám phá ngoại thành hay Long An, Vũng Tàu, Đồng Nai...
Trần Quốc Huy (34 tuổi, bán hàng trực tuyến, ngụ Q.10, TP.HCM) cũng là một người trong số ấy. Mê thể thao, từng chơi tennis, bóng đá, nhưng sau chấn thương đầu gối, Huy tìm tới xe đạp và yêu luôn. Sáng nào anh cũng thức dậy từ 5 giờ, đạp mấy vòng cầu Sài Gòn cho đủ 30 km rồi ăn sáng, uống cà phê, trước khi bắt đầu một ngày làm việc đầy năng lượng. Cuối tuần, anh thường cùng nhóm người yêu đạp xe có các chuyến ra Cần Giờ, Bình Chánh, Củ Chi hoặc đạp tới Vũng Tàu. “Khi đạp xe đi Vũng Tàu, chiều về TP, chúng tôi thường có xe tải chở cả người và xe đạp về để đảm bảo sức khỏe”, anh nói.
Khách chờ đợi ráp xe tại một cửa hàng xe đạp ở Q.1, TP.HCM |
Thúy Hằng |
Khi được hỏi đạp xe có gì tuyệt mà Huy và nhiều người bạn mê tới như vậy, anh cho biết đây là một cách rèn luyện thể lực toàn thân, vừa giảm cân, lại giúp săn chắc cơ. Không phải môn thể thao đối kháng, đạp xe là cách rèn luyện ý chí, khi đã chinh phục được những chặng đường mình nhắm tới thì cảm giác sung sướng vô cùng. Chưa kể, sau dịch Covid-19, tập luyện ngoài trời thoáng đãng luôn được ưu tiên hơn.
Bí quyết để ngày nào Huy cũng đạp xe, không bị cơn “lười” kéo ở nhà, đó là có cùng một hội nhóm, cùng hỗ trợ nhau suốt hành trình, đạp xe xong là có thể trao đổi nhiều câu chuyện về công việc, cuộc sống. “VN mình rất đẹp với núi non, sông biển, cánh đồng bất tận. Khi khám phá nó bằng xe đạp, sau những giờ căng sức đạp, chúng tôi thấy lồng ngực căng tràn sức sống, cảm giác tuyệt vời, hưng phấn vô cùng”, anh kể.
Đầu tiên Huy đi chiếc xe đạp giá mười mấy triệu đồng, và mới đây đã tậu được chiếc xe đạp địa hình giá hơn 150 triệu đồng. Đi uống cà phê, Huy thường chọn quán cóc để dựng xe được bên cạnh, người ở đâu thì xe ở đó. Anh nói vui mình “mê xe, cưng xe như cưng vợ”. Anh không dám để nhân viên bảo vệ dắt giùm hay trông xe. Tối nào chàng trai cũng ngồi rửa, lau xe sạch mới thôi.
Huy cho biết trước đây người ta nghĩ không có tiền mới đi xe đạp, còn bây giờ người chơi xe đạp là sành điệu và cần có kinh tế vững chắc. Khi đã vươn tới một tầm cao mới, người chơi sẵn sàng chi từ vài chục triệu đồng tới hơn 300 triệu đồng để có một chiếc xe ưng ý. Có người sở hữu một lúc 3 chiếc xe đạp để đi những địa hình khác nhau. “Nhiều người thấy chúng tôi mua xe đạp đắt như vậy thì ngăn cản rồi nói “hâm”, “dở”, vì “bằng tiền đó mua được cả cái xe hơi”. Nhưng khi mê xe đạp rồi sẽ hiểu, tiền nào của đó, đạp những chiếc xe này rất đã. Nhìn chiếc xe, những phụ kiện đi kèm, đồ bảo hộ, nón, áo, găng tay đi cùng cũng là cách khẳng định dấu ấn cá nhân của người sở hữu”, Huy chia sẻ.
Anh Trần Quốc Huy rèn luyện thể thao với chiếc xe của mình |
NVCC |
Số người mua xe tăng 25%
Chúng tôi có mặt tại một tiệm xe đạp ở đường Võ Văn Kiệt, Q.1, TP.HCM, rất đông người xếp hàng chờ ráp xe hoặc bảo dưỡng chiếc xe cưng của mình. Chúng tôi cũng gặp huấn luyện viên thể hình nổi tiếng Benjamin Pour Dell ghé mua găng tay. Ngoài thể hình, thì đạp xe cũng là môn ưa chuộng của người đàn ông này.
Anh Hoàng Nam (ngụ Q.6, TP.HCM, khách ghé cửa hàng chỉ để... gặp anh em yêu xe đạp) cho hay mình phải đợi 9 tháng mới được ráp xong và bàn giao chiếc xe đạp ưng ý, giá hơn 100 triệu đồng. Anh Nam nói vui: “Không dám kể cho vợ giá trị thật của cái xe, sợ vợ xót. Dù vợ khi thấy chồng yêu thể thao, không nhậu nhẹt thì đều ủng hộ”.
Nguyễn Diệp Tấn An (21 tuổi, nhân viên làm việc tại tiệm xe đạp nói trên) cho hay gần đây xu hướng đạp xe trở lại mạnh mẽ ở TP.HCM cũng như một số tỉnh thành. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, khách liên hệ đặt xe nhiều hơn. Mạng xã hội với hình ảnh những người mê đạp xe check-in với phong cách rất ngầu cũng “kích thích” nhiều người đến với xe đạp hơn. Tấn An cho biết cửa hàng kinh doanh xe đạp, linh kiện được nhập khẩu. Nhiều khi để có một chiếc xe ưng ý, ráp lại cho đúng với thể hình, sở thích, khách hàng phải đợi từ vài tháng tới một năm. Số xe cửa hàng bán được năm 2021 tăng khoảng 25% so với năm trước.
Theo Tấn An, bây giờ cũng có xu hướng khi đi du lịch gần TP.HCM, mọi người cho xe đạp lên xe hơi; tới khu nghỉ dưỡng, cả nhà sẽ cùng nhau đạp xe. “Xe đạp là môn thể thao gắn kết gia đình; trẻ em, người lớn đều có thể tham gia. Trẻ em nhìn thấy cha mẹ cùng chơi thể thao sẽ học theo lối sống lành mạnh”, Tấn An cho biết.
Cùng với đó, theo anh, mảng dịch vụ tổ chức tour du lịch đạp xe cũng phát triển mạnh. Ngày càng nhiều khách hàng mong muốn được khám phá các cung đường tới rừng Mã Đà, Trị An (Đồng Nai) bằng xe đạp, có nhân viên hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ y tế đi cùng đoàn, được thiết kế các địa điểm ăn uống, nghỉ ngơi, có ê kíp chụp hình, quay phim để lưu lại những hình ảnh đẹp.
“Đạp xe thân thiện với môi trường, rèn luyện sức khỏe, ý chí, kết nối mọi người cùng đoàn lại với nhau. Mỗi tối sau một ngày dài đạp xe, bên lửa trại, mỗi thành viên kể cho nhau nghe những câu chuyện về tình yêu với thể thao, những cách mình chiến thắng bản thân ra sao, đó là điều đặc biệt ở tour xe đạp”, Tấn An nói.
Bình luận (0)