Cuộc cách mạng bản quyền truyền hình V-League

26/10/2022 08:36 GMT+7

Suốt nhiều năm qua, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam ( VPF ) hỗ trợ cho các CLB từ tiền bán bản quyền truyền hình chỉ khoảng 16 - 20 tỉ đồng/mùa nhưng kể từ năm 2023, số tiền này có thể tăng gấp nhiều lần.

Năm 2017, VPF đã ký hợp đồng với một công ty truyền thông trong nước để khai thác bản quyền truyền hình của hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp gồm V-League, hạng nhất, Cúp quốc gia. Tuy 100% số lượng trận đấu được truyền hình trực tiếp, phát trên các kênh sóng khác nhau nhưng VPF lại không thu được tiền mặt, bởi theo lý giải của lãnh đạo VPF ở thời điểm cách đây 5 năm: “Giá trị bản quyền truyền hình của một giải đấu phụ thuộc vào rất nhiều thứ. Trong đó chất lượng giải đấu, công nghệ tổ chức và lượng người xem đóng vai trò cốt lõi.

V-League sắp có VAR, giá bản quyền truyền hình tăng cụ thể ra sao?

Hiện tại, V-League chưa thể so sánh với các giải đấu hàng đầu thế giới nên khó đòi hỏi bản quyền truyền hình đem lại giá trị cao về kinh tế. Do đó phương thức đổi bản quyền lấy các gói quảng cáo trước, trong và sau mỗi trận đấu là phù hợp, giảm áp lực tài chính cho các đài nhưng vẫn có được bản quyền các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam để phục vụ khán giả của mình”.

Bản quyền phát sóng V-League ngày càng có giá trị nhờ các trận đấu hấp dẫn

MINH TÚ

Giá trị lịch sử của bản hợp đồng nói trên sẽ chấm dứt khi mùa giải 2022 khép lại và để chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi, VPF đã tiến hành thương thảo, từ đó đạt được thỏa thuận với Tập đoàn FPT. Bản quyền truyền hình của các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam được VPF bán cho đơn vị này trong 5 mùa giải, kể từ mùa 2023 đến hết mùa 2027. Hai đối tác sẽ hướng đến mục tiêu thu lợi nhuận từ bản quyền truyền hình để có nguồn doanh thu ổn định phục vụ công tác quản lý, tổ chức và điều hành các giải. Được biết, thay vì đổi bằng quảng cáo, mỗi mùa, VPF thu về khoản tiền mặt ước tính ít nhất 60 tỉ đồng.

Chia sẻ với báo Thanh Niên ngày 25.10, một quan chức VPF cho biết: “Ngay lúc này, chúng tôi chưa thể khẳng định sẽ chia cho các CLB số tiền là bao nhiêu từ bán bản quyền truyền hình vì còn phụ thuộc kế hoạch tài chính năm. VPF sẽ dựa vào hiệu quả kinh doanh, báo cáo Ban Tổng giám đốc và đề xuất mức cụ thể lên Hội đồng quản trị VPF phê duyệt. Nhưng chắc chắn một điều là các CLB sẽ thu được nhiều tiền hơn những mùa đã qua. Trước đây, tổng số tiền VPF hỗ trợ các CLB chỉ khoảng từ 16 - 20 tỉ đồng”.

Có tiền để đầu tư mua VAR

Đại diện một CLB V-League bày tỏ quan điểm: “Bản quyền truyền hình một giải đấu như giải vô địch quốc gia, có thời gian kéo dài với số lượng trận lớn, thường là “con gà đẻ trứng vàng”, đem lại nguồn thu rất lớn cho ban tổ chức và các chủ thể (CLB) tham dự giải đó. Tuy nhiên tại Việt Nam, trước khi VPF ra đời năm 2011, mỗi năm, mỗi đội bóng chỉ thu được khoảng 100 triệu đồng từ tiền bản quyền. Khoảng 5 năm trở lại đây, số tiền được tăng lên khoảng vài trăm triệu đồng đến 1 tỉ đồng. Như vậy vẫn là quá ít so với tiềm năng của một giải đấu có độ hấp dẫn ngày càng cao. Tôi cho rằng V-League sẽ thực sự trở thành món hàng đắt giá nếu biết cách khai thác. Các CLB cũng chưa thể sống dựa vào tiền bản quyền được đâu nhưng rõ ràng, nếu có thêm khoản thu đáng giá thì CLB cũng trang trải được một số hoạt động. Đây có thể xem là cuộc cách mạng của bóng đá Việt Nam về vấn đề bản quyền các giải chuyên nghiệp trong nước”.

Cũng theo chia sẻ của một lãnh đạo khác thuộc Công ty VPF: “Mới đây, Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) đã cử các chuyên gia sang Việt Nam, đào tạo bước đầu về việc sử dụng công nghệ VAR. Việc VPF bán được bản quyền phát sóng các giải bóng đá trong nước sẽ có lợi ích vô cùng to lớn. Ngoài việc VPF tăng tiền hỗ trợ cho các CLB, chúng tôi sẽ có thêm khoản tài chính để đầu tư vào VAR. Có như vậy bản quyền truyền hình mới không bị mất giá và sẽ còn tăng giá trị kinh tế nhiều hơn trong tương lai”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.