'Cuộc chiến' anh chị em ở chung ở riêng: Vì cha mẹ già hay tự do cá nhân?

25/08/2020 20:36 GMT+7

Chị em tôi từ nhỏ rất hòa thuận và thương yêu nhau. Nhưng một vết gãy đang len lỏi đục phá tình cảm chị em tôi. Là bởi vì tôi muốn cùng nhau chăm sóc ba mẹ còn em chỉ thích ở riêng để tự do, thoải mái.

Khi tất cả con cái đều... ở riêng

Nhà ba mẹ tôi tuy ngay trung tâm thuận tiện việc đi lại nhưng hơi chật. Tôi vô cùng háo hức bỏ nhiều ngày thu dọn đồ đạc trong căn phòng mình đã ở trước khi lấy chồng để cho em trai và em dâu. Ngày cưới đến gần, em tôi thông báo sau khi cưới sẽ ở riêng trong căn hộ ba mẹ vợ sắm sửa... Căn phòng tôi nhường cho hai vợ chồng em từ đó đến nay chưa một lần em dâu tôi ngủ lại.
Ba mẹ tôi đành xởi lởi giải thích: "Nhà chật quá, để các cháu ra riêng cho thoải mái”. Ai gặp tôi cũng lo âu: “Vậy ba mẹ ở với ai?” và tôi lúc nào cũng rối rít bênh vực: "Em con chạy qua chạy lại, trưa nào cũng về ăn cơm với ba mẹ con”.
Tôi nhận ra đã là là người Việt, dù sống ở trong nước hay ngoài nước, ở nông thôn hay thành thị, dù là người Bắc hay người Nam, ai cũng nghĩ ba mẹ lớn tuổi nên sống cùng con cái, nhất là với đứa con trai và người lớn tuổi không nên sống một mình.
Ba mẹ tôi đã sống một mình hơn 10 năm qua. Không phải “trưa nào em con cũng về ăn cơm” như tôi thường nói. Trong 10 năm đó, đã 2 lần tôi nói chuyện với hai đứa em, lần nào nói xong cũng rơi nước mắt. Khi chưa có con, em tôi bảo hai vợ chồng cần ở riêng để tiện lo cho đứa cháu vợ ở quê lên Sài Gòn học, ba mẹ cháu đang có chuyện không vui. Khi có con rồi, đứa cháu cũng đã vào đại học, em tôi nói cần phải có không gian rộng rãi cho con cái chơi đùa, ở nhà ba mẹ chật chội, con cái không phát triển tốt được. Một lần nữa, em tôi đã tìm ra lý do chính đáng để ở riêng. Chính đáng mà lòng tôi buồn ngơ ngẩn.

Bữa cơm nào, ba mẹ già cũng trông có con có cháu, nhà cửa lúc nào cũng trông có tiếng người. Nhưng nhiều người trẻ có khi không thể thấu hiểu được

Cho đến khi được học về các đặc tính của văn hóa Đông - Tây tôi mới chấp nhận cái sự thật đang diễn ra trong gia đình mình. Một tình huống trớ trêu đã được đưa ra cho 1.000 nhà quản lý châu Âu, châu Á, châu Mỹ: "Bạn đang cùng mẹ, vợ và con trên một chiếc tàu đang chìm, bạn chỉ có thể cứu được một người, bạn sẽ cứu ai?".
Em tôi đã như phần lớn những người châu Âu, châu Mỹ và người châu Á dưới 40 tuổi chọn “tương lai”, tất cả đều cứu con, một số ít cứu vợ và không ai cứu mẹ… Năm đó em tôi mới 30 tuổi.

'Cuộc chiến' không có hồi kết

Nhân dịp ba mẹ tôi cho thuê lại mặt bằng tầng trệt, ông xã tôi bàn với cả nhà đã đến lúc phải tìm cho ba mẹ một căn nhà rộng, mát và yên tĩnh hơn. Căn nhà ở trung tâm nay đã trở nên quá bức bí cho người già sinh sống vì nóng và ồn ào.
Bé giúp việc mới từ quê vào nói: “Ở nhà ông bà cái đầu cháu không được nghỉ ngơi, tiếng xe cứ xẹt qua rồi xẹt lại, cháu đau hết cả đầu. Không biết sao mà ông bà giỏi chịu đựng như vậy”. Con bé quê làm tôi giật mình. Ba tôi gần đây thường xuyên bị choáng váng đầu, lúc nào cũng lừ đừ mệt mỏi mà bác sĩ không tìm ra nguyên nhân. Khi mệt mỏi thì lại hay cau có, khó chịu làm không khí trong nhà thường căng thẳng... Tôi đã hiểu vì sao người già ngày càng cần có những không gian tĩnh lặng để nghỉ ngơi.
Khi hiểu ra điều đó, quyết tâm tìm ngôi nhà yên tĩnh cho ba mẹ tôi. Và rồi cả nhà cũng tìm được một căn, ba tôi vô cùng ưng ý. Chỉ mỗi một trở ngại, căn nhà hơi rộng, ba mẹ tôi không thể ở một mình.
Người già cần yên tĩnh nhưng cũng rất cần những giao thiệp xã hội. Ba tôi đã về hưu nhưng mỗi ngày vẫn có bạn bè cùng tập thể dục, cùng uống cà phê chuyện trò thế sự; vẫn có những công việc cần liên lạc, giao tiếp với mọi người và cần có một địa điểm dễ dàng cho các cuộc gặp gỡ… Già không có nghĩa là dừng lại. Khi sức khỏe vẫn còn cho phép, người lớn tuổi lại càng muốn làm nhiều hơn những công việc mà trước đây lúc còn bận rộn họ không thể làm.  
Đã lâu rồi mới thấy ba tôi vui như vậy. Em trai tôi thấy, em dâu tôi cũng thấy mà khi cả nhà nói xa gần: mua căn nhà này, hai đứa về ở chung với ba mẹ thì hai đứa vẫn một mực muốn sống “chung mà riêng”.
Một ngày, tôi gửi tâm thư cho hai đứa em: Mình nên cùng nhau chăm sóc tuổi già cho ba mẹ. Hai em hy sinh một chút tự do cá nhân cho cả nhà sum vầy đầm ấm. Mua căn nhà mới, hai em không phải lo chuyện tiền vì ba mẹ có, anh chị có; không phải lo chuyện nhà vì đã có người giúp việc; cũng không phải lo giữ kẽ làm dâu vì ba mẹ rất thoáng và hiền lành... Chỉ cần ở cùng cho ba mẹ vui.
Em tôi nhận được tin thì hồi âm ngay lập tức, đưa ra những lý do phản đối việc sống   chung, trong đó có lý do căn nhà có một chi tiết không tốt lắm cho các cháu nhỏ. Em tôi hỏi: “Lẽ nào vì ông bà mà các cháu phải chịu thiệt thòi?”. Sau khi biết lỗi phong thủy đó có thể chữa xong trong chốc lát, em tôi xin lỗi vì đã ăn nói “hồ đồ”.
Em tôi khi đó đã trên 40 tuổi. Khi đó, tất cả đàn ông châu Á đã quay sang cứu mẹ trên chuyến tàu sắp chìm ấy. Em cũng là người châu Á và nay em đã đi qua tuổi 40!
Hai ngày sau em tôi xin gặp 45 phút để xin lỗi, tôi kiên quyết không. Tôi không cần em nói, tôi trông chờ em tôi hành động.
Vài tuần sau, trong một buổi họp mặt gia đình, em tôi trịnh trọng tuyên bố hai vợ chồng em đã tìm ra được một giải pháp: “Dù ba mẹ ở nhà nào, hai em và hai cháu cũng sẽ về ở với ba mẹ mỗi tuần 2 ngày! Cách này đáp ứng được cả mong muốn của ba mẹ lẫn của tụi em!”.
Tôi không nghe thêm gì được nữa. “Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng/Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”.
Ba mẹ tôi đã dặn: “Con đừng ép em. Nếu nó muốn ở chung thì hồi mới cưới đã không ra ở riêng mà không hề bàn bạc hay hỏi ý kiến ba mẹ. Rồi có lần ăn cơm xong, nó nói “con về đây”. Sao lại là “về”, phải là “đi” chứ. Chứng tỏ nó không còn coi nhà ba mẹ là nhà nữa. Thôi, nó muốn tự do thì để cho nó được tự do”.
Em tôi sẽ được tự do, như bao thanh niên khác trong thời đại mới đang được tự do. Nhưng không biết em có thật sự vui với sự tự do đó không khi biết bữa cơm nào ông bà cũng trông có con có cháu, nhà cửa lúc nào cũng trông có tiếng người.
Văn hóa phương Tây tính cá nhân cao, văn hóa phương Đông vốn trọng tính cộng đồng. Nhưng người phương Tây có hạnh phúc không khi tuổi già hiu quạnh, khi hai ông bà phải vào ở viện dưỡng lão? Người già có thật lòng thoải mái không hay buộc lòng phải tôn trọng tính cá nhân, cũng là tôn trọng sự tự do của con cái? Người trẻ có ích kỷ quá không khi một mình tận hưởng sự tự do? Tôi cho đó là một cuộc chiến văn hóa mà chỉ có thể giải quyết được bằng cái tình.  
Vạch áo đi kể chuyện nhà, tôi mong mình không làm gì sai khi chỉ mong ước nhiều gia đình khác được sum vầy ấm áp hơn, mong ước nhiều người già trong thời hiện đại được hạnh phúc hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.