Giảm 30 - 50% so với đầu tháng
Thông tin từ các thương nhân đầu mối và bán lẻ xăng dầu cho thấy, chiết khấu về cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu có xu hướng giảm mạnh trong 2 ngày qua. Sáng 8.3, thương nhân đầu mối P. khu vực phía bắc thông báo đến các doanh nghiệp (DN), đại lý bán lẻ chiết khấu dầu diesel tại kho Nam Vinh, Hoàng Huy (Hải Phòng) là 300 - 450 đồng/lít; tại kho Đình Vũ, Petec (Hải Phòng), Cái Lân (Quảng Ninh) chiết khấu dầu diesel 300 đồng/lít. Tương tự, chiết khấu cho xăng RON95 lấy tại kho Hoàng Huy và Petec khoảng 500 - 550 đồng/lít.
Thương nhân phân phối A. (Quảng Ninh) cũng thông báo chiết khấu ngày 8.3 về cửa hàng bán lẻ với dầu diesel 100 đồng/lít, xăng E5 RON92 100 đồng/lít và xăng RON95 là 150 đồng/lít. Tại Bắc Giang, chiều 8.3, một DN bán lẻ cho biết chiết khấu cho hàng dầu diesel từ 200 đồng/lít ngày 5.3, nay về 0 đồng; chiết khấu xăng từ 400 đồng, nay về 250 đồng. Một ngày trước đó (7.3), nhiều thương nhân phân phối thông báo hàng tại kho Đình Vũ, Petec, Cái Lân… đều hết hàng.
Bà Nguyễn Thị N., chủ DN kinh doanh xăng dầu tại tỉnh Quảng Ninh, cho hay chiết khấu cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu từ 3 - 4 ngày qua giảm sâu, DN bán lẻ tại vùng 1 hay vùng 2 đều lỗ trung bình mỗi lít từ 350 - 650 đồng. "Thường giá thế giới giảm mạnh, chiết khấu sẽ tăng để giải phóng kho đón lô hàng mới. Đằng này, giá thế giới đang giảm sâu gần 4 USD/thùng, nhưng chẳng hiểu sao "mấy ông" đầu mối lại chiết khấu 100 đồng mỗi lít như vậy. Chiết khấu giảm sâu mà lại khó lấy hàng", bà N. than.
Ông P.V.K, DN bán lẻ lớn tại phía nam, bức xúc: "Đầu mối cứ lấy lý do giá xăng dầu thế giới biến động phức tạp, khó khăn nguồn và tàu nhập về muộn nên cắt giảm chiết khấu, chờ qua kỳ điều chỉnh giá. Nói thẳng ra là đầu mối chờ tăng giá xong sẽ cấp nguồn hàng lại bình thường".
Theo ghi nhận, thù lao cho bán lẻ xăng dầu ở phía nam không giảm mạnh như khu vực phía bắc. Công ty SE chiều 8.3 thông báo hàng lấy tại kho Nhà Bè (TP.HCM) có mức chiết khấu cho dầu 1.200 đồng/lít, xăng 600 đồng/lít; tại kho Cần Thơ chiết khấu cho dầu 700 đồng/lít, xăng 600 đồng/lít. Công ty chất đốt Đồng Nai thông báo chiết khấu cho dầu 1.000 đồng/lít, xăng 550 đồng/lít.
Tổng giám đốc một thương nhân phân phối tại Đồng Nai (đề nghị không nêu tên - PV) cho hay: "Nguồn cung xăng dầu tại khu vực phía bắc đang giảm có thể do nguồn hàng về chưa kịp. Trong khi nguồn cung ở phía nam đang khá ổn định, cho đến nay, bán lẻ ở phía nam chưa bị áp lực chiết khấu giảm trong mấy ngày qua. Tuy nhiên, nếu thế giới giảm sâu nữa trong vài ngày tới, chiết khấu tại phía nam khó lạc quan".
Trước đó, ngày 28.2 (trước kỳ điều hành ngày 1.3 khoảng 3 ngày), cũng theo thông báo từ các thương nhân phân phối này, chiết khấu với mặt hàng dầu diesel tại kho Đình Vũ, Hoàng Huy lên đến 1.550 đồng/lít, cao hơn gấp 3 lần mức chiết khấu cho bán lẻ hiện nay. Ngày 24.2, chiết khấu dầu diesel tại kho Hải Linh, Petec, Cái Lân, Hoàng Huy lên đến 1.800 - 1.900 đồng/lít, xăng chiết khấu 1.300 - 1.400 đồng/lít. Nếu trừ đi chi phí vận tải từ 300 - 600 đồng/lít, thì mức chiết khấu về cửa hàng vẫn còn trên 1.000 đồng/lít.
Cần tạo điều kiện cho bán lẻ tiếp cận thị trường
Đến nay, chiết khấu cho DN bán lẻ xăng dầu vẫn là vấn đề nóng. Đại diện cho mấy trăm DN bán lẻ xăng dầu trên cả nước, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh), cho rằng hơn 1 năm qua, bán lẻ xăng dầu bỏ tiền túi ra bù lỗ liên tục do chiết khấu dưới điểm hòa vốn, dẫn đến tình hình tài chính suy kiệt. Không ít DN bán tài sản, ngưng hoạt động.
"Kinh doanh thua lỗ nhưng bị buộc phải bán, không bán sẽ bị phạt nặng thì không khác gì bị "bức tử". Điều lạ là sau khi có những phản ứng mạnh mẽ và liên tục của cộng đồng DN bán lẻ thì chiết khấu xăng dầu bắt đầu tăng lại từ 1.000 - 1.500 đồng/lít, tùy khu vực. Đây là hiện tượng không bình thường vì tại thời điểm chiết khấu tăng mạnh, giá thế giới không hề giảm. Chúng tôi có quyền nghi vấn và khẳng định luôn là việc phân chi phí trong lưu thông và lợi nhuận định mức ở các khâu không rõ ràng. Khi bị phản ứng quá, bán buôn mới trích lại cho bán lẻ. Chiết khấu là thỏa thuận giữa bán buôn và bán lẻ, nhưng những gì diễn ra hơn 1 năm qua chỉ là sự "ban phát" từ bán buôn về cho bán lẻ. Chúng tôi chấp nhận kinh doanh có lỗ, lãi, nhưng cần sự ổn định căn cơ. Ngày nào nhà nước còn quản lý giá xăng dầu, chi phí định mức và lợi nhuận định mức cho mỗi lít xăng vẫn còn được áp cho hơn 1.300 đồng thì ngày đó DN bán lẻ xăng dầu phải có mức thù lao cố định, như chúng tôi kiến nghị lâu nay là 5 - 6% trên giá cơ sở", ông Tây nói và dẫn chứng Thông tư 104 của Bộ Tài chính về chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức này có ghi rõ là bao gồm cho cả khâu bán buôn và khâu bán lẻ.
Phải tạo thế độc lập cho phân phối
TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, nhận định: Lâu nay không có sự cạnh tranh giá cả mà chỉ dựa vào giá trần cơ quan quản lý đưa ra. Tuy có công khai về công thức tính giá trần, nhưng vẫn đứng về phía DN đầu mối, chưa tính đến quyền nhà phân phối. Phải tạo thế độc lập cho phân phối, giảm phụ thuộc đầu mối và khi DN thua lỗ thì có quyền được ra khỏi thị trường.
Ông Hoàng Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), phản ánh: DN đầu mối nói lỗ nên không nhập được hàng hoặc phải hạ chiết khấu để cân đối, nhưng thương nhân phân phối và bán lẻ lỗ thì không biết làm sao. "Tình trạng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá là có. Mỗi lần xảy ra trục trặc nguồn cung, Bộ Công thương đều chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường đi kiểm tra tình trạng găm hàng, vậy kết quả kiểm tra có bao nhiêu DN bán lẻ, phân phối vi phạm, đề nghị quản lý thị trường công khai con số. Và nguyên nhân đứt gãy có phải do bán lẻ và phân phối không?", vị này đặt vấn đề.
Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh nhận xét cơ chế điều hành giá hiện nay là nhà nước xác định giá cơ sở, từ đó xác định giá bán lẻ, đầu mối nắm quyền quyết định, còn lại bao nhiêu phía dưới điều chỉnh. "Quy định này là mang tính độc quyền nhóm, chưa phù hợp với luật cạnh tranh", ông nói và cho rằng vấn đề lớn nhất của thị trường xăng dầu hiện nay là tạo ra sự "đối đầu" giữa đầu mối và phân phối - bán lẻ liên quan đến lợi ích. Vấn đề này phải khắc phục ngay chứ không cần phải chờ sửa Nghị định 83 và Nghị định 95.
Bên cạnh đó, thị trường xăng dầu đang đặt vấn đề về vai trò của 3 bộ phận là đầu mối - phân phối - bán lẻ, nhưng bỏ quên 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Dung Quất đang chiếm 70% hệ thống. Ngoài ra, trong kinh doanh xăng dầu, khi có quy định về chiết khấu, vô hình trung coi bán lẻ nằm trong chuỗi của đầu mối, phụ thuộc đầu mối, song thật ra bán lẻ là những DN hoàn toàn độc lập, có pháp nhân riêng, mua hàng từ nhà bán buôn về để bán lẻ. "Cần bảo đảm tính độc lập của bên phân phối, không nên bàn về chiết khấu mà cần tạo điều kiện cho họ tiếp cận thị trường, kinh doanh trên thị trường", chuyên gia Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.
Bình luận (0)