Những tranh cãi về chuyện Apple từ chối yêu cầu bẻ khóa điện thoại từ chính phủ Mỹ chưa chấm dứt, nhưng một thực tế rõ ràng là những đại gia công nghệ đang có quyền lực quá lớn.
Đang có rất nhiều tranh cãi về tính đúng - sai của Apple trong việc từ chối yêu cầu bẻ khóa iPhone do FBI đưa ra - Ảnh: Reuters |
“Cuộc chiến” giữa hãng công nghệ Apple và Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang chuẩn bị bước vào hồi quyết định. Trong động thái mới nhất, Apple tuyên bố vấn đề của họ chỉ Quốc hội Mỹ mới có thể giải quyết. Nếu phải lôi nhau ra Quốc hội, câu chuyện sẽ đi xa hơn một yêu cầu do cơ quan chức năng đưa ra cho một công ty.
Ai đúng, ai sai?
Tờ báo Anh Financial Times hôm 23.2 đăng bài phỏng vấn Bill Gates, ông trùm công nghệ, người sáng lập tập đoàn Microsoft với tựa đề nói rằng Bill Gates ủng hộ FBI. Tuy nhiên ngay sau đó, CNN đăng tải một bình luận khác của ông Bill Gates, nói rằng mình “thất vọng” với bài của Financial Times, vì “ủng hộ FBI” không phản ánh đúng quan điểm của ông.
Ông Bill Gates ủng hộ FBI trong vụ bẻ khóa iPhone, nhưng lưu ý chỉ ủng hộ trong trường hợp cụ thể là chiếc iPhone phục vụ công tác điều tra, không phải ý định xâm nhập thông tin cá nhân của người dùng - Ảnh: Reuters
|
Trên thực tế, Bill Gates lập luận rằng ông nghĩ Apple nên chấp nhận yêu cầu của FBI về việc bẻ khóa chiếc iPhone 5C của tên tội phạm đã nổ súng bắn chết 14 người ở San Bernardino ngày 2.12.2015. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc ông ủng hộ FBI!
Trường hợp của Bill Gates đã gần như giải thích được khúc mắc của toàn bộ câu chuyện này. Một số người đã nhầm lẫn giữa hai khái niệm: Bẻ khóa chiếc iPhone của tên tội phạm và chuyện cài đặt một ứng dụng cho phép xâm nhập những chiếc điện thoại iPhone của Apple.
Trong bức thư điện tử của Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, hôm 17.2 ông này giải thích rằng ông không chấp nhận yêu cầu của FBI vì việc tạo ra một phương thức xâm nhập iPhone là “một việc làm nguy hiểm”, có thể ảnh hưởng tới sự riêng tư của người tiêu dùng.
Nếu cho rằng chính phủ Mỹ muốn nắm quyền kiểm soát thông tin riêng tư của người tiêu dùng, rõ ràng tất cả ủng hộ Apple. Nhưng đứng trên góc độ hợp tác với cơ quan điều tra, bẻ khóa chiếc điện thoại của một tên tội phạm nguy hiểm có dấu hiệu liên kết với Nhà nước Hồi giáo (IS), Apple rõ ràng “cứng đầu” trong tình huống này.
Quyền lực của làng công nghệ quá lớn?
Sẽ không có gì sai khi một công ty đấu tranh vì quyền tự do của người dùng, và càng không sai khi doanh nghiệp có sự tự do về bảo mật thông tin của họ. Tuy nhiên, tạm gác lại những tranh cãi về vụ này, một điều thực tế là các đại gia công nghệ đã chứng tỏ sự lớn mạnh vượt giới hạn của họ.
CNN ngày 24.2 có bài viết mang tựa đề “Apple đấu FBI là một dấu hiệu nguy hiểm về sự chia rẽ”. Bài này nói về việc Washington và Thung lũng Sillicon tồn tại những bất đồng, qua đó không ai hưởng lợi.
Dù Apple của Tim Cook thắng hay thua ở vụ này, một điều không thể chối cãi là quyền lực của ngành công nghệ đang quá lớn - Ảnh: Reuters
|
Tỉ phú Donald Trump, một ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ đang nổi bật hiện nay, đã kêu gọi tẩy chay Apple vì hành động bất hợp tác với cơ quan an ninh quốc gia. Phát biểu tại South Carolina ngày 18.2, ông Trump đặt câu hỏi đầy cạnh khóe: “Apple nghĩ họ là ai cơ chứ?”.
Tuy nhiên, Apple và những đại gia công nghệ (người Mỹ gọi là Tech Giants) thực sự đang nắm vai trò quan trọng, có thể nói vượt khỏi những doanh nghiệp thông thường.
Dân công nghệ và Thung lũng Sillicon nói riêng là một nhóm người rất giàu. Một nghiên cứu do Business Insider đăng tải 26.1 năm nay cho thấy có 29/50 người giàu nhất thế giới đến từ nước Mỹ, và tới một phần tư trong đó kiếm tiền từ lĩnh vực công nghệ. Trong số 10 người giàu nhất thế giới, dân công nghệ cũng chiếm 4 vị trí: Bill Gates (Microsoft), Mark Zuckerberg (Facebook), Jeff Bezos (Amazon) và Larry Ellison (Oracle).
Tiền bạc sẽ sinh ra quyền lực, nhất là khi cách kiếm tiền của giới công nghệ lại đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Chính phủ Mỹ đã nhiều lần phải nhờ tới Thung lũng Sillicon trong việc trợ giúp đối phó IS cũng như các hiểm họa khủng bố.
Bài viết của CNN cho rằng đã đến lúc chính phủ Mỹ và Apple phải thỏa hiệp với nhau vì lợi ích chung. Ngành công nghệ đóng góp một khoản thu quá lớn trong xã hội Mỹ nói riêng, và cũng là công cụ an ninh không thể thiếu. Ngược lại, việc Apple cố gắng quá mức, Quốc hội Mỹ nhiều khả năng phải áp dụng luật All Writs Act (luật ban hành bất kỳ lệnh nào cần thiết, có từ năm 1789) để buộc hãng công nghệ này tuân lệnh, và đó sẽ là tiền đề nguy hiểm cho ngành công nghệ.
Để buộc chính quyền thỏa hiệp, rõ ràng đó là tín hiệu thể hiện sức mạnh quá lớn của ngành công nghệ trong xã hội hiện nay. Sự nguy hiểm của “quyền lực công nghệ” thực tế đã tạo ra mối lo từ lâu, đơn cử như Liên minh châu Âu vào năm 2014 đã kêu gọi chống lại quyền lực của những gã khổng lồ công nghệ Mỹ, theo The Guardian.
Năm 2015, nữ doanh nhân công nghệ nổi tiếng Martha Lane Fox (người Anh), đồng sáng lập trang lastminute.com, đã viết rằng: Quyền lực của những gã khổng lồ công nghệ quá lớn, hãy cùng đòi lại internet. Đại ý, bà Martha Lane Fox kêu gọi chính phủ đẩy mạnh dự án giáo dục internet rộng khắp mang tên Dot Everyone, nhằm đem lại sự bình đẳng cho tất cả.
Thế giới thuộc về những người viết code. Hãng tin Bloomberg đã đặt tên một chuyên mục của họ như thế. Và rõ ràng, trường hợp của Apple là minh chứng mạnh mẽ để thấy đó là một xu hướng, chứ không đơn thuần là một chuyên mục.
Bình luận (0)