Cuộc chiến của thiết bị VR: Ai sẽ thắng?

18/03/2016 09:30 GMT+7

Việc Sony vừa công bố giá và thời điểm bán ra của thiết bị chơi game thực tế ảo PlayStation VR đã làm rõ nét hơn sự cạnh tranh khốc liệt giữa các "gã khổng lồ" công nghệ trên thị trường thiết bị thực tế ảo.

Theo một nghiên cứu của SuperData, thị trường phần mềm, game và thiết bị chơi game thực tế ảo ước tính sẽ đạt đến mức 5,1 tỉ USD lợi nhuận trong năm 2016. Trong khi đó, vào đầu tuần này, Sony đã chính thức công bố giá bán của bộ thiết bị thực tế ảo PlayStation VR là 399USD, sẽ được bán ra vào tháng 10.2016.

PlayStation VR sẽ được bán vào tháng 10.2016, giá 399USD

Một so sánh: Oculus Rift (thuộc sở hữu của Facebook) có giá 599 USD, trong khi HTC Vive sẽ đến tay người dùng với giá 799 USD. Tuy nhiên, để khai thác hết sức mạnh của Oculus Rift lẫn HTC Vive, người dùng sẽ phải có thêm hệ thống máy tính cấu hình khá cao. Trong khi đó, PlayStation VR chỉ cần một máy console PS4.

Sự chênh lệch về mức giá đầu tư thiết bị này sẽ giúp Sony có được lợi thế trên thị trường. Thêm nữa, các loại máy PS4 hiện đã có mặt ở rất nhiều nơi trên thế giới, đã có khoảng 36 triệu máy được bán ra kể từ khi PS4 chính thức có mặt trên các kệ hàng từ năm 2013. Đó sẽ là một nền tảng cực lớn mang lại những lợi thế không nhỏ cho Sony trên thị trường thực tế ảo.

Việc đã có 36 triệu PS4 có mặt trên thị trường sẽ mang lại lợi thế lớn cho Sony

Nếu đem tổng mức giá đầu tư thiết bị (cả nguồn phát nội dung lẫn bộ headset thực tế ảo) thì Sony đang có lợi thế lớn nhất bởi tổng chi phí mà người dùng phải bỏ ra chỉ bằng 1/2 so với các đối thủ. Điều này sẽ giúp Sony nhanh chóng bứt phá trong thời gian đầu của công nghệ thực tế ảo.

Thêm vào đó Sony còn đang nắm giữ một lợi thế hiển nhiên: Đó chính là cảm tình thương hiệu của người dùng vào Sony, một cái tên quá lớn trong ngành công nghiệp game. Ngoài ra, uy tín về thương hiệu của Sony, lẫn những tiềm năng phát triển đến từ giá bán khá dễ chịu của PlayStation VR cũng sẽ thu hút hàng loạt các nhà phát triển game phát triển các tựa game VR dành riêng cho nền tảng này.

Tuy nhiên, Sony VR, Oculus Rift hay HTC Vive sẽ gặp phải một đối thủ cạnh tranh khác. Đó chính là những bộ VR tối giản sử dụng sức mạnh của smartphone làm nền tảng, như Google Cardboard hay Samsung Gear VR chẳng hạn. Tất cả đều được bán với giá khá rẻ, bởi sức mạnh cốt lõi để xử lý nội dung được tận dụng từ chính chiếc smartphone mà người dùng đang sử dụng. Theo dự đoán của SuperData, trong thời gian đầu mà công nghệ VR tiếp cận với thị trường đại chúng, thì các bộ headset kết hợp với smartphone sẽ chiếm đến 3/4 giá trị của thị trường.

"Kẻ thực sự sẽ làm thay đổi thị trường chính là Samsung với bộ Samsung Gear VR. Nó có giá chỉ khoảng 100 USD, đặt nền tảng di động lên hàng đầu, tạo điều kiện cho các tác vụ đa nhiệm và dễ dàng truyền tải nội dung hơn", theo Maks Fus Mickiewicz - Chuyên viên nghiên cứu cấp cao tại The Future Laboratory.

Samsung Gear VR là sản phẩm VR cho di động nổi bật nhất hiện nay

"Samsung đang phát triển một thế giới VR có thể giúp người dùng thực sự hòa nhập vào thế giới này. Ví dụ như người dùng có thể lướt web bằng cách ra lệnh bằng giọng nói, hoặc dùng hệ thống theo dõi ánh mắt để thực hiện các tác vụ với kính thực tế ảo VR".

Cũng theo Maks Fus Mickiewicz, thị trường game thực tế ảo sẽ bị chia cắt thành 2 nửa: Một nửa của những hardcore gamer và nửa còn lại của các game thủ thông thường. "Game thủ hardcore sẽ kiên nhẫn chờ đến khi có một bộ thiết bị nào đó mang lại đầy đủ các tính năng tương tác thực tế ảo. Trong khi đó, nửa còn lại sẽ muốn sử dụng sớm nhất có thể, và thường lựa chọn các giải pháp rẻ và dễ sử dụng nhất. Tuy nhiên, trong tương lai rất có thể sẽ có một giải pháp để hòa nhập chung cả 2 nhu cầu này của các gamer".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.