Buổi chiều “định mệnh”
TS Trịnh Ngọc Thành hiện là chuyên gia cho một tập đoàn tư vấn về xây dựng ở Lausanne, Thụy Sĩ. Hàng ngày anh đi làm và trở về nhà bằng xe riêng, tới công ty thì rửa tay nhiều lần theo cảnh báo của công ty, chiều về đến nhà chỉ ôm hôn con sau khi rửa tay. Cẩn thận vậy mà trong một thời khắc vô tình nào đó, anh Thành đã bị “em Covid-19” âm thầm xâm nhập vào cơ thể, rồi hành hạ anh trong khoảng 10 ngày.
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Thành suy đoán: chiều thứ sáu, ngày 13.3 có thể là “buổi chiều định mệnh”. Hôm ấy, trên đường đi làm về, anh ghé qua siêu thị và đã vào nhà vệ sinh rửa tay xà phòng.
Hai ngày sau, anh Thành bắt đầu có dấu hiệu "cơ thể bị tấn công”. Thoạt tiên (ngày 16.3), anh thấy mệt, sốt 37,9 độ C nên gọi cho công ty xin nghỉ. Riêng bác sĩ cho rằng anh bị cảm thường, nên chỉ cần làm việc ở nhà và sinh hoạt bình thường. Tối cùng ngày, khi sốt hơn 39°C, anh Thành chỉ uống thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.
Thời điểm đó, Thụy Sĩ có khoảng 2.200 người đã nhiễm Covid-19.
Một mình vật lộn với Covid-19
Ngày 18.3, khi thấy sốt không giảm, anh Thành đặt vấn đề test Covid-19 với bác sĩ và được đồng ý. Cũng từ khi đó, bác sĩ yêu cầu anh cách ly y tế tại nhà, như ở riêng một phòng, dùng nhà vệ sinh riêng, đeo khẩu trang y tế khi ra khỏi phòng riêng, khi trao đổi với vợ con thì dùng điện thoại, internet...
Lúc 22 giờ cùng ngày, bác sĩ báo tin anh dương tính với Covid-19, và hướng dẫn anh cách tự điều trị tại nhà như đo thân nhiệt ngày 4 lần, mỗi ngày uống 4 viên Dafalgan 1 g để giảm sốt và làm dịu lá phổi… Hàng ngày, bác sĩ gọi điện để cập nhật tình hình và hướng dẫn cách tự điều trị.
Suốt 7 ngày liền (từ 19 - 25.3), anh Thành sốt liên tục, nhẹ nhất là 38°C, cao nhất lên tới 39,7°C. Nhưng anh cố gắng uống nhiều nước và cố ăn với ý thức là cần có sức để vượt qua dịch bệnh. Anh Thành cho biết, ban đêm như có một tảng đá đang đè lên ngực, gác tay lên trán thì giống như có khúc gỗ đè lên đầu.
Anh mê man trên giường, có ngày không đứng nổi. Nhiều khi anh phải "bò và lết" ra cửa để lấy cơm vào trong phòng ăn. Nhiều lúc ho dữ dội, tức ngực và bị hụt hơi thở, anh tự nhủ mình phải cố gắng lên, để không phải gọi cấp cứu.
Nguồn động viên lớn nhất với anh những ngày ấy là những món quà của các con nhét qua khe cửa. Đó là các bức vẽ ngộ nghĩnh, đôi khi kèm theo dòng chữ động viên nguệch ngoạc để cổ vũ anh chống Covid-19. "Những món quà này giúp tôi đỡ cô đơn trong những ngày giam mình trong 4 bức tường", anh Thành nói.
Chiến thắng
Ngày 26.3, tức là ngày thứ 11, sức khỏe của anh Thành có chiều hướng tốt dần lên. Đến ngày 28.3, lần đầu tiên sau 13 ngày vật lộn với Covid-19, nhiệt độ cơ thể anh là 36,5°C. Ngày 29.3, anh Thành cảm thấy mình khỏe lại, được bác sĩ cho phép "ra trại”, tự do đi lại trong nhà.
“Cảm giác được ra khỏi phòng sau gần 2 tuần giam mình trong phòng, nó lạ lẫm làm sao! Tôi không thể tả nó bằng lời nói được. Chắc giống cảm giác của người đi tù được thả về”, anh Thành chia sẻ. Dù bác sĩ nói trong cơ thể anh không còn Covid-19, nên sẽ không lây cho người khác, nhưng anh vẫn cẩn thận mang khẩu trang khi đi lại trong nhà.
Anh Thành cho biết, do 2 ngày đầu, khi có những biểu hiện triệu chứng đầu tiên (người mệt, sốt), anh đã chủ quan nên không tự cách ly ngay, khiến các con anh cũng có dấu hiệu nhiễm Covid-19. May mắn là chỉ có anh phải chịu đựng triệu chứng nặng nhất. Còn con gái 6 tuổi và con trai 2 tuổi của anh chỉ sốt, mệt, khó thở và ho trong vài ngày.
Những “bí quyết” chống lại Covid-19
Ngay sau khi cảm thấy khỏe khoắn, anh Thành đã chia sẻ trải những trải nghiệm của mình về nửa tháng “vật lộn với em Covid-19” Trước hết là cảm ơn vợ, con và gia đình, đã chăm sóc những ngày bị cách ly, cũng như bác sĩ, đồng nghiệp, chính quyền, đặc biệt là cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ, trong đó có những người anh chưa bao giờ gặp ngoài đời.
“Những trái tim của người Việt xa xứ làm ấm lòng tôi. Đây cũng là động lực thôi thúc tôi viết một bài chia sẻ rất dài bằng tiếng Việt. Tôi nghĩ chia sẻ này sẽ có ích với những bạn du học sinh và những bạn người Việt Nam hiện đang sống một mình tại Thụy Sĩ trong lúc đại dịch khó khăn và nguy hiểm này”, anh Thành tâm sự.
Những chia sẻ kinh nghiệm “chiến đấu” với Covid-19 mà anh Thành rút ra từ chính trải nghiệm của mình rất tỉ mỉ, chi tiết, và thiết thực, trong đó anh Thành nhấn mạnh giá trị của việc uống nhiều nước cam, hoặc nước trái cây có vitamin C. Hoặc nếu không thì mua loại viên sủi bọt multivitamin, mỗi ngày chỉ cần uống 1 viên.
Ngoài ra, mỗi ngày anh Thành uống 1 ly khoảng 300 ml nước, trong đó có gừng, sả, chanh và mật ong. Gừng, sả thì cho vào ly nước nóng để ra tinh dầu, sau đó để nguội xuống khoảng 65°C mới cho mật ong vào và vắt một lát chanh là uống được.
Cố gắng hít chậm và thật sâu, để không bị "sặc" không khí qua miệng. Nếu bị ho thì sẽ dễ bị tức ngực, hụt hơi thở và mất sức rất nhanh. Do đó, bệnh nhân cố gắng hạn chế tối đa để không ho bằng cách uống nhiều nước ấm và không nên uống nước để nguội. “Nước ấm giúp tôi rất nhiều trong việc làm ấm phổi, giảm ho”, anh Thành cho biết.
Việc súc miệng bằng nước muối, đơn giản nhưng lại rất hiệu quả. Theo anh Thành, nếu súc miệng nước muối là đã loại được nhiều virus trong họng trước khi nó xâm nhập vào phổi.
Dù cách ly, nhưng người bệnh cũng nên mở hé của phòng cho thông thoáng. Đồng thời, phải mặt áo ấm để đảm bảo cho lưng, ngực luôn được ấm. Nếu lạnh quá thì có thể đóng cửa trong vài giờ.
“Quan trọng nhất khi ngủ, phải luôn đảm bảo lưng được ấm (nếu nằm nghiêng thì để một cái gối sau lưng), ngực cũng phải ấm. Khi phổi của ấm thì người bệnh giảm ho”, anh Thành chia sẻ.
Trên trang thông tin của Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ, hiện có khoảng hơn 340 sinh viên Việt Nam đang học ở các trường cao đẳng, đại học tại đây; khoảng 300 nghiên cứu sinh và cán bộ người Việt làm việc tại các cơ quan đại diện, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp ở Thụy Sĩ.
Cộng đồng người Việt ở Thụy Sĩ (trong đó nhiều người đã có quốc tịch Thụy Sĩ) khoảng 10.000 người. Đến ngày 31.3, trong cộng đồng mới chỉ có 1 trường hợp xác định nhiễm Covid-19 (là anh Thành) và đã được y tế sở tại hướng dẫn tự cách ly, điều trị khỏi bệnh ở nhà.
|
Bình luận (0)