'Cuộc chiến giáo nhọn - khiên dày' ở eo biển Đài Loan

30/10/2024 06:00 GMT+7

Trong khi Bắc Kinh tăng cường dùng chiến đấu cơ và tàu chiến răn đe quân sự thì Đài Loan đẩy mạnh năng lực phòng không lẫn chống tàu chiến.

Mới đây, Mỹ đã thông qua việc cung cấp gói vũ khí trị giá 2 tỉ USD cho Đài Loan. Nổi bật trong gói vũ khí này là các hệ thống tên lửa phòng không NASAMS tối tân và đã khẳng định năng lực tác chiến tại cuộc xung đột Ukraine từ vài năm qua. Vì thế, Trung Quốc đã chỉ trích kịch liệt việc Mỹ thông qua gói vũ khí trên.

'Cuộc chiến giáo nhọn - khiên dày' ở eo biển Đài Loan- Ảnh 1.

Tên lửa Harpoon ở căn cứ không quân tại TP.Hoa Liên (Đài Loan)

Ảnh: Reuters

Nhu cầu khẩn cấp của Đài Loan

Trả lời Thanh Niên vào hôm qua (29.10), TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích: "Gói vũ khí trị giá 2 tỉ USD mà Washington vừa phê duyệt cho Đài Bắc chỉ ra mức độ khẩn cấp về củng cố năng lực quân sự cho Đài Loan".

Phân tích về tính khẩn cấp, TS Nagao chỉ ra như sau: "Số vũ khí này bao gồm nhiều vũ khí phòng không hiện đại. Tuy nhiên Mỹ đang cung cấp nhiều hệ thống phòng không và đạn dược cho Ukraine. Do đó, Mỹ không có đủ số vũ khí trong kho dự trữ, nên đã phải đặt hàng Nhật cung cấp để lấp đầy kho dự trữ. Trong tình huống như vậy, Washington vẫn chấp thuận cung cấp các hệ thống phòng không cho Đài Bắc lần này. Do đó, động thái này chỉ ra rằng Đài Loan có nhu cầu mạnh mẽ về hệ thống phòng không".

"Gần đây, các hoạt động của Trung Quốc đại lục xung quanh Đài Loan đã leo thang. Địa điểm diễn ra 3 cuộc tập trận quân sự gần đây nhất của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đang cố gắng bao vây Đài Loan bằng cách tiến hành các cuộc tập trận quân sự để phong tỏa. Nếu xảy ra xung đột quân sự, Trung Quốc có thể dùng tên lửa để tấn công, nên Đài Loan cần có khả năng đánh chặn những tên lửa này", TS Nagao phân tích thêm.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng chỉ ra rằng gần đây, Trung Quốc cố gắng xoa dịu căng thẳng liên quan đến vấn đề biên giới với Ấn Độ. Đây có thể là cách để Bắc Kinh tập trung vào vấn đề Đài Loan. Tướng lĩnh quân đội Mỹ cũng từng đặt vấn đề từ nay đến năm 2027, Bắc Kinh có thể sử dụng vũ lực đối với Đài Bắc. Vì thế, Mỹ cần tăng cường năng lực phòng không cho Đài Loan.

So kè lẫn nhau

Suốt vài năm qua, Bắc Kinh không ngừng gia tăng áp lực quân sự lên Đài Bắc bằng cách huy động ngày càng nhiều chiến đấu cơ, tàu chiến hoạt động xung quanh eo biển Đài Loan. Trong bối cảnh đó, có sự giúp sức từ Mỹ, Đài Loan cũng nhanh chóng tăng cường sức mạnh phòng thủ.

Trước hết về tên lửa phòng thủ, từ năm 2022, Mỹ thông qua việc gói vũ khí gồm 100 tên lửa không đối không Sidewinder (trang bị cho máy bay), 60 tên lửa Harpoon chuyên dụng chống tàu chiến… để cung cấp cho Đài Loan. Một số nguồn tin từng tiết lộ đến năm 2029, Mỹ có thể cung cấp thêm đến 400 tên lửa Harpoon cho Đài Loan. Từ tháng 8.2020, Đài Loan đã bắt đầu lắp tên lửa Harpoon lên chiến đấu cơ F-16. Thực tế, đảo này có đủ hệ thống phóng Harpoon cả trên đất liền lẫn trên không và trên biển. Năm ngoái, Mỹ cũng đã thông qua việc bán hàng trăm tên lửa phòng không AMRAAM và AGM-88B HARM cho Đài Loan.

Đài Loan cũng nỗ lực tự chủ nền công nghiệp quốc phòng khi hiện đã có được 7 khinh hạm lớp Đà Giang do đảo này tự đóng. Được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay" có vận tốc tối đa có thể đạt 45 hải lý/giờ, khinh hạm lớp Đà Giang có thể mang theo tên lửa đối không Thiên Kiếm II có tốc độ Mach 6 (gấp 6 lần tốc độ âm thanh), tên lửa đối hạm Hùng Phong 2 có tầm bắn tối đa 250 km cùng tốc độ hơn

1.000 km/giờ. Đặc biệt, khinh hạm Đà Giang còn có thể mang theo tên lửa Hùng Phong 3 có tầm bắn tối đa hơn 400 km với tốc độ tối đa có thể đạt Mach 3,5 (gấp 3,5 lần vận tốc âm thanh, khoảng 4.300 km/giờ). Đây là những loại tên lửa nổi bật do Đài Loan tự phát triển.

Đài Loan cũng phát triển dùng chiến đấu cơ Kinh Quốc có thể mang theo nhiều loại tên lửa. Loại máy bay tiêm kích đa nhiệm này có vận tốc tối đa gấp 1,8 lần tốc độ âm thanh (Mach 1,8, khoảng 2.200 km/giờ), bán kính chiến đấu có thể lên đến 1.000 km, đồng thời được trang bị nhiều loại radar, cảm biến và công nghệ điện tử tối tân. Chiến đấu cơ Kinh Quốc có thể mang theo nhiều loại tên lửa đối không lẫn tên lửa Hùng Phong 2 (Hsiung Feng 2) dùng để tấn công tàu chiến...

Với năng lực tên lửa phòng thủ cùng tàu chiến và máy bay chiến đấu tối tân, Đài Loan đang hướng đến xây dựng lớp phòng vệ đa tầng trước sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Thông điệp răn đe

Việc bán vũ khí lần này cũng chỉ ra rằng Mỹ không từ bỏ Đài Loan ngay cả khi các nguồn lực của Mỹ đang phải hỗ trợ Ukraine, Israel. Một thông điệp như vậy là một phần của sự răn đe đối với Trung Quốc.TS Satoru Nagao

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.