Cuộc chiến GMO sẽ khốc liệt hơn trong năm 2015
Khởi động từ năm 2013, nở rộ và có sự phân chia "đẳng cấp" NPH từ năm 2014, thị trường GMO Việt hứa hẹn sẽ còn khốc liệt hơn trong năm 2015.
Tự động phát
GMO - Game Mobile Online - là cách gọi "Việt Nam" dành cho trò chơi điện tử trực tuyến trên thiết bị di động. Thông thường, một tựa game GMO muốn đạt được thành công sẽ phải có gameplay cồng kềnh, tính ganh đua giữa người chơi rất lớn, đi kèm với chi phí sản xuất và chi phí marketing gấp nhiều lần các thể loại game arcade hay casual. Tại Việt Nam hiện nay, đa số GMO có xuất xứ từ Trung Quốc, được các nhà phát hành mua bản quyền và triển khai tại thị trường trong nước.
GMO là tên gọi chung cho tất cả các game trực tuyến nhiều người chơi trên nền tảng di động
Thị trường GMO năm 2014 có nhiều biến chuyển mạnh mẽ và thay đổi thực sự về chất so với năm 2013. Nếu trong năm 2013, chỉ duy nhất Sohagame (VCCorp) tiên phong thử nghiệm thị trường GMO bằng sản phẩm Tình kiếm trên nền iOS, và chỉ những sản phẩm đã thực sự thành công với Java mới được làm tiếp phiên bản Android; thì đến 2014, gần như toàn bộ các NPH Việt đã tập trung toàn lực cho Android và iOS.
Xu hướng chuyển dịch từ feature phone (điện thoại cơ bản) nền Java sang smartphone một cách sâu sắc trong năm 2014 đã tạo ra nhiều thành tựu, bài học cũng như cơ hội để một loạt các sản phẩm phục vụ thị trường GMO ra đời. Chúng ta hãy cùng xem lại những câu chuyện chính trong năm qua.
Video chia sẻ về Sự dịch chuyển của ngành Game và ứng dụng trên Điện thoại di động tại hội thảo Eway X10
Thị trường "vào khuôn", các ông lớn chứng tỏ thực lực
Năm 2014 là thời điểm để các NPH lớn chứng tỏ năng lực và tham vọng, khi bốn "đại gia" Sohagame, Appota, VTC (Mobile, Intecom và Online) và VNG đều có các sản phẩm thành công. Sohagame làm "trùm" thể loại card-battle với Đại minh chủ, Appota thành công với Ải mỹ nhân, VTC có Kiếm hiệp và một loạt các sản phẩm đình đám. VNG dù bắt đầu hơi muộn nhưng đã có Anh hùng chiến hồn và Thẻ bài ma thuật (bản Việt hóa của Elves realm).
Đại minh chủ được xem là GMO thành công nhất của Sohagame
Ngoài nhóm các "đại gia" này, nhiều NPH khác lại có sự chệnh choạng và cũng hứng chịu nhiều thất bại liên tiếp. SSGroup đuối sức sau khi tung ra một loạt 4 game vào đầu năm và đã đóng cửa 3 game. SGame sau thử nghiệm thất bại với hai game clone của Hàn Quốc do Emobi phát triển là Bắn trâu và Đua xe cũng đã nản lòng. Minh Châu vẫn chưa có sản phẩm nào thành công sau Tào Tháo truyện của năm ngoái...
Bên cạnh đó, một loạt các NPH Trung Quốc đã bắt đầu triển khai trực tiếp sản phẩm của mình tại Việt Nam thay vì thăm dò hoặc phải thông qua đại diện Việt Nam như trước. Mộng hiệp khách của Koramgame hút người chơi dù phát hành chui và bị "đánh server" liên tục, Công thành xưng đế của Changic nhanh chóng cán mốc 10 tỷ VNĐ doanh thu cho cả hai phiên bản web và mobile trong những tháng gần đây.
(Cập nhật - 14 giờ ngày 20.10.2014: Qua xác minh sau khi bài viết được tăng tải, có 2 game Công thành xưng đế bản web và mobile hoàn toàn khác nhau. Trong đó, Công thành xưng đế phiên bản web được TTV Online ký hợp đồng phát hành trực tiếp với nhà phát triển Shanghai Ruizhan Network Technology. Công thành xưng đế phiên bản web không liên quan đến phiên bản mobile của Changic)
Phải đối mặt với các đại gia trong nước nhiều tiền và nguồn lực mạnh trong khi các ngoại binh vốn quá hiểu việc vận hành và am hiểu sản phẩm chứng tỏ Việt Nam là một thị trường cực kỳ tiềm năng, các NPH cỡ trung và nhỏ đang phải loay hoay khá vất vả.
Túi sâu, sức trâu... thì thắng
Khi lựa chọn sản phẩm GMO thì cách làm mới là yếu tố thành công. Sohagame dù không có bất cứ một nguồn traffic nào làm điểm tựa đã khôn ngoan khi sử dụng các nguồn lực có sẵn trên thị trường. Chiến lược dồn traffic vào Google Play bài bản, chiến lược trả giá quảng cáo cao để hội tụ đủ user mở server được Sohagame áp dụng triệt để. Không một sản phẩm nào của Sohagame phát hành trên Google Play đạt dưới 100.000 lượt tải sau 2 tháng ra mắt.
Appota được hỗ trợ traffic mạnh mẽ từ Appstore.vn (cổng ứng dụng do Appota quản lý, giờ đã đổi thành Appvn.com) và một hình ảnh đẹp với quốc tế nên nhanh chóng tiếp cận được nguồn game tốt và dễ hút được user mặc dù bắt đầu muộn hơn nhiều so với các đại gia còn lại.
Appstore.vn là "át chủ bài" của Appota
VNG và VTC dựa vào tên tuổi lâu năm và hàng loạt các sản phẩm đã thành công trước đó, dễ dàng chi mạnh tay cho quảng cáo và đạt được thành công.
Khác với các NPH Việt Nam, NPH Trung Quốc gặp một hạn chế lớn là sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước. Họ không thể danh chính ngôn thuận công bố các sản phẩm mới thông qua các kênh thông tin truyền thống. Nhưng không giống các đơn vị tại Việt Nam chịu mức phí bản quyền (cho khu vực Việt Nam) rất cao và chia sẻ doanh thu lại cho các bên sở hữu game ở Trung Quốc, Changic và Koramgame có bản quyền phát hành trên toàn Châu Á hoặc tại Đông Nam Á.
Khi đó phần doanh thu tại Việt Nam có thể được coi là "không mất phí bản quyền" khiến tỷ suất lợi nhuận trở nên cao hơn nhiều. Phần doanh thu này được tái đầu tư liên tục vào việc mua lượt cài đặt thông qua Google AdMob, Google AdWords, Facebook Ads và AdFlex.
Như một chuyên gia trong thị trường GMO nhận định: "NPH Trung Quốc có ba lợi thế: Hiểu sâu sắc sản phẩm, sẵn sàng dành toàn bộ doanh thu cho quảng cáo và kinh nghiệm chinh chiến tại Trung Quốc - một thị trường lớn hơn thị trường Việt Nam rất nhiều. Phương pháp của các NPH Trung Quốc khá đơn giản, đổ thật nhiều tiền cho quảng cáo ban đầu, tái đầu tư doanh thu liên tục cho quảng cáo và vận hành game ở một mức độ tốt hơn cả VNG (đơn vị được coi vận hành game tốt nhất tại Việt Nam)".
Cuộc chiến khốc liệt trong năm 2015
Đối với một NPH tại Việt Nam, nếu 1 tựa game GMO "sống" trên 4 GMO đưa ra thị trường, thì đó được coi là ổn. Nếu tỷ lệ là 1/3 sẽ được xem là thành công. Nhưng tỷ lệ này sẽ còn giảm xuống khi số lượng game mỗi tháng được đưa ra thị trường vẫn tiếp tục gia tăng.
Điều này đến từ hai yếu tố. Thứ nhất, nội dung số trên mobile đang trên đà bùng nổ mạnh mẽ, ai chậm chân sẽ mất cơ hội. Thứ hai, các đơn vị có nguồn lực tài chính mạnh bị hấp dẫn bởi lợi nhuận của các game GMO đã thành công. Đối với một GMO thành công, lợi nhuận tháng thứ hai dành riêng cho NPH có thể bù được toàn bộ chi phí bản quyền và chi phí marketing trước đó, những tháng còn lại sẽ là "ngồi mát ăn bát vàng". Khi nhìn vào GMO, các nhà đầu tư thường nhìn vào sự thành công mà ít khi nhìn vào sự thất bại, điều đó dẫn đến nguồn đầu tư để nhập thêm GMO mới tiếp tục được rót vào và các đơn vị phát hành mới mọc lên liên tiếp.
Đối với các đơn vị nước ngoài, CEO của Changic đã từng nhận định: "Thị trường Việt Nam chưa trưởng thành, cơ hội còn rất nhiều cho các bên tham gia, không chỉ Changic mà còn nhiều NPH Trung Quốc có khát vọng mở rộng ra quốc tế sẽ tiếp tục tham gia vào đây. Chúng tôi chưa chú trọng về lợi nhuận ở thời điểm này, cái chúng tôi cần là người chơi".
Changic đang rải tiền ổn định và đều đặn qua Google AdMob và AdFlex (một đơn vị cung cấp lượt cài đặt tại Việt Nam) và hợp tác chia sẻ doanh thu cùng SOMO (cổng webgame của Trí Tuệ Việt) để có thể thu được người dùng liên tục cho Công thành xưng đế, tựa game được phát hành chui nhưng thành công nhất của họ tại Việt Nam hiện tại.
(Cập nhật - 14 giờ ngày 20.10: Về đoạn này, do sự nhầm lẫn của đơn vị cung cấp thông tin về 2 phiên bản Công thành xưng đế bản web và mobile nên thông tin việc hợp tác giữa TTV Online và Changic là không chính xác. Theo thông tin phản hồi của TTV Online, tính đến thời điểm này giữa hai bên chưa có bất kỳ một hợp tác nào)
Khi nguồn cung vượt quá so với nhu cầu thực của người dùng thì thị trường tất yếu nảy sinh hiện tượng GMO nào được đầu tư quảng cáo bài bản và lâu dài sẽ thu hút hết những người dùng còn sót lại. Một hệ quả tất yếu là các đơn vị không có nguồn cung ứng traffic "trong nhà" như Appota với Appvn, VNG với hệ thống Zing và Zalo sẽ phải tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đơn vị thứ ba.
Zalo sẽ là một trong những nguồn cung cấp user về GMO cho VNG
Đơn vị thứ 3 này trước đây là Google Play, Apple Store và Appvn nhưng khi Appota cũng trở thành một NPH, chắc chắn Appvn sẽ được ưu ái cho gà nhà. Google Play và Apple Store trong cùng một thời điểm chỉ có thể giới thiệu tối đa 50 sản phẩm tới người dùng cuối, trong đó có 3 sản phẩm là GMO, những đơn vị còn lại sẽ phải làm gì?
Có hai kịch bản sẽ xảy ra. Kịch bản đầu tiên là các NPH Việt Nam sẽ học các NPH Trung Quốc, họ sẽ mua quảng cáo theo cài đặt để có thể đảm bảo được chắc chắn về số lượng người dùng cuối. Nhưng khi tất cả các NPH đều sẵn sàng mua quảng cáo theo cài đặt, giá mỗi cài đặt sẽ tăng lên. Câu chuyện giữa những người có tiền khi đó là ai chi tiền nhiều hơn, mạnh mẽ hơn thì sẽ có người dùng. Điều này là hết sức mạo hiểm đối với các NPH cỡ trung và cỡ nhỏ bởi trả tiền cho quảng cáo là một chiến lược rủi ro khi một đơn vị có tiềm lực tài chính không mạnh.
Lúc này sẽ diễn ra kịch bản thứ hai, các đơn vị cỡ trung và cỡ nhỏ sẽ tìm kiếm các đơn vị có thể phân phối chia sẻ doanh thu với họ. Nhu cầu này sẽ dẫn đến sự hình thành một mô hình phân phối hiệu quả hơn, đáp ứng được cho các đơn vị không mạnh tay chi tiền.
Tóm lại, thị trường GMO trong năm 2015 sẽ khốc liệt và tàn nhẫn đối với các NPH game nhưng lại mở ra cơ hội cho các đơn vị quảng cáo lượt cài đặt. Thị trường sẽ khó xác định người thắng thua tại thời điểm này, nhưng ít nhất với những người đang chơi GMO hàng ngày, đó sẽ là một trải nghiệm mới khi các sản phẩm sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ về chất lượng khi đến tay người dùng.
(Các số liệu thống kê, nhận định thị trường do AdFlex cung cấp)
Bình luận (0)