‘Cuộc chiến’ khoáng sản đất hiếm Mỹ - Trung nóng lên

06/06/2019 09:31 GMT+7

Cả Mỹ và Trung Quốc đều vừa phát tín hiệu đáng chú ý về loại khoáng sản quan trọng với ngành công nghệ, quân sự này.

Theo Bloomberg, hôm 4.6, Bộ Thương mại Mỹ hứa thực hiện “động thái chưa từng có” để đảm bảo rằng Mỹ không bị cắt khỏi nguồn cung đất hiếm. Đất hiếm là nhóm gồm 17 nguyên tố rất quan trọng để sản xuất hàng điện tử, ô tô, vũ khí và Trung Quốc là nước thống trị từ 70% nguồn cung cùng hoạt động chế biến đất hiếm toàn cầu.
Bộ Thương mại Mỹ cũng phát hành báo cáo, phác thảo các bước nhằm đảm bảo nguồn cung đất hiếm cho Mỹ, chỉ vài giờ sau khi cơ quan hoạch định kinh tế Trung Quốc cho hay nước này đang nghiên cứu đề xuất về việc thiết lập kiểm soát xuất khẩu đất hiếm. Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh giá trị của kim loại đất hiếm với tư cách “vũ khí” thương mại tiềm năng. Bất cứ nỗ lực nào nhằm hạn chế xuất khẩu đất hiếm cũng làm rạn nứt thêm quan hệ thương mại, công nghệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Những loại khoáng sản này thường bị bỏ qua, song cuộc sống hiện đại ngày nay không thể khả thi nếu không có chúng”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross nói. Theo báo cáo mà Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu thực hiện vào tháng 12.2017, việc đảm bảo cung ứng khoáng sản quan trọng và khả năng trụ vững của chuỗi cung ứng là hai yếu tố rất cần cho sự thịnh vượng kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ.
Báo cáo viết: “Nếu Trung Quốc và Nga ngừng xuất khẩu sang Mỹ và các đồng minh trong thời gian dài, tương tự như lệnh cấm vận khoáng sản đất hiếm mà Trung Quốc đưa ra năm 2010, sự gián đoạn nguồn cung dài hạn có thể gây ra nhiều cú sốc đáng kể trên toàn chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của Mỹ lẫn nước ngoài”.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đang xem xét đề xuất từ giới chuyên gia trong ngành để thiết lập biện pháp kiểm soát xuất khẩu đất hiếm. Giới hoạch định chính sách sẽ thực hiện biện pháp hợp lý ngay lập tức. Ngoài ra, họ cũng cố kiềm chế hoạt động khai thác, sản xuất và buôn lậu đất hiếm. Bắc Kinh hiện sẵn sàng kế hoạch hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ nếu cần.
Cổ phiếu các hãng liên quan đến kim loại đất hiếm như China Rare Earth Holdings, China Northern Rare Earth Group High-Tech và JL Mag Rare-Earth ở Trung Quốc tăng mạnh từ 1,5% đến 6,8% hôm 5.6. Ở Úc, hãng sản xuất đất hiếm lớn nhất bên ngoài Trung Quốc là Lynas cũng có cổ phiếu tăng 4,2%.
Hãng tin Bloomberg xác định 1/4 lượng đất hiếm tiêu thụ là để làm nam châm. Nhà phân tích Oliver Nugent của Citigroup cho hay: “Với các ngành công nghiệp Mỹ ngoài mảng quốc phòng, không có biện pháp tức thì để ngừng phụ thuộc vào nguyên tố đất hiếm của Trung Quốc trong ngắn hạn”. Trung Quốc giỏi mảng tinh luyện và sản xuất các sản phẩm như nam châm. Khai thác và xử lý vật liệu dạng này ở bên ngoài Trung Quốc “đối mặt thách thức về môi trường, kỹ thuật, tài trợ và vốn”.
Hạn chế xuất khẩu có thể xoay quanh nhóm gọi là đất hiếm nặng, vốn được sử dụng cho nam châm của nhiều loại động cơ thu nhỏ có trong hầu hết các loại ô tô và hàng tiêu dùng. Sự gián đoạn nguồn cung nam châm vĩnh cửu đất hiếm sẽ là đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Mỹ, theo chuyên gia công nghiệp Jack Lifton. Nhà sản xuất đất hiếm duy nhất của Mỹ là MP Materials đã chuyển toàn bộ sản lượng từ mỏ Mountain Pass ở California sang Trung Quốc vì hiện thời, trên thế giới không có nơi nào đủ khả năng tinh chế như Trung Quốc, cổ đông lớn nhất của MP Materials cho biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.