Nỗi ám ảnh
Cuộc so tài ở vòng bảng Asian Cup 2023 lúc 21 giờ 30 hôm nay (19.1) sẽ là lần thứ 5, ông Shin Tae-yong cùng Indonesia đối đầu đội tuyển Việt Nam. Dưới thời HLV người Hàn Quốc, Việt Nam là đối thủ ông chạm mặt nhiều nhất (hơn Thái Lan và Malaysia) tính ở các giải đấu chính thức.
Tuy nhiên, các trận gặp đội tuyển Việt Nam để lại cho ông Shin Tae-yong kỷ niệm buồn nhiều hơn vui. Trong lần đầu giáp mặt Việt Nam (vòng loại thứ hai World Cup 2022), Indonesia thua 4 bàn không gỡ. 6 tháng sau đó ở AFF Cup, đội bóng của ông Shin chơi tiến bộ hơn với trận hòa 0-0.
Highlight Indonesia 1 - 3 Iraq | Asian Cup 2023
Tại bán kết AFF Cup 2022, khoảng cách hai đội được rút ngắn. Indonesia có 3 năm được ông Shin Tae-yong huấn luyện, còn đội tuyển Việt Nam dường như đã chững. Song, HLV người Hàn Quốc vẫn nếm chén đắng khi thua 0-2 ở lượt về sau khi hòa 0-0 ở lượt đi.
Không chỉ thua, mà HLV Shin Tae-yong còn bị "dằn mặt". Sau khi ông tuyên bố muốn đưa đội tuyển Indonesia sánh ngang Việt Nam và Thái Lan, người tiền bối Park Hang-seo cảnh báo ông Shin: đừng chỉ nói, mà hãy chứng minh bằng kết quả.
HLV Shin Tae-yong đã bước sang năm thứ 5 huấn luyện đội tuyển Indonesia, nhưng ông vẫn chưa có danh hiệu nào. Chiến công lớn nhất của bóng đá Indonesia trong khoảng thời gian ông Shin nắm quyền là tấm HCV SEA Games 32, nhưng mỉa mai thay, dẫn dắt Indonesia lúc đó là ông Indra Sjafri. 3 tháng sau, HLV Shin Tae-yong trở lại dẫn dắt U.23 Indonesia, để rồi đội thua ở trận chung kết trước... U.23 Việt Nam.
Theo báo giới Indonesia, niềm tin của Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) dành cho HLV Shin Tae-yong đang gần điểm giới hạn.
Dù vẫn ủng hộ ông Shin, nhưng Chủ tịch Erick Thohir không quên cảnh báo: "Đừng mắc kẹt trong suy nghĩ rằng bạn không thể giành chiến thắng trước Việt Nam, có điểm trước Nhật Bản. Nếu các cầu thủ nghĩ mình yếu đuối, không làm được thì về nhà đi".
Khao khát thắng đội tuyển Việt Nam dù ở cấp độ nào, cũng ám ảnh Indonesia trong nhiều năm. Đầu năm 2020, cựu Chủ tịch PSSI Mochamad Iriawan từng tập hợp đội U.19 Indonesia thành một vòng tròn rồi hỏi: "Có muốn thắng Việt Nam không?", sau đó bắt nhịp cho cầu thủ hô "Có".
Thất bại trước một đối thủ nhiều lần rất dễ để lại nỗi ám ảnh. Hoặc HLV Shin Tae-yong thắng để giải tỏa nỗi lo, hoặc nhận thêm một thất bại và "công trình" của ông với bóng đá Indonesia sụp đổ.
Xem 2 bàn thắng của Đình Bắc và Tuấn Hải vào lưới đội tuyển Nhật Bản, khán đài vỡ òa cảm xúc
'Chiêu cuối' của HLV Shin Tae-yong
HLV Shin Tae-yong đã làm tất cả những gì có thể để vực dậy đội tuyển Indonesia. Thời gian đầu, ông loại phần lớn cựu binh để đôn lứa U.22 và U.20 lên thi đấu. Marselino Ferdinan, cầu thủ mới 19 tuổi, hay Witan Sulaeman, Egy Maulana Vikri, Pratama Arhan, Alfeandra Dewangga đều là "sản phẩm" của quá trình trẻ hóa.
Khi nhận ra nhóm tài năng trẻ của Indonesia gặp bất lợi về thể hình và kinh nghiệm, còn áp lực phải thành công đã đè nặng, HLV Shin Tae-yong chuyển hướng nhập tịch cầu thủ. Nhóm sao nhập tịch với Ivan Jenner, Justin Huber, Elkan Baggot hay Jordi Amat đã xuất hiện. Ở trận gặp Iraq, ông Shin dùng 5 cầu thủ nhập tịch. Trước Việt Nam, con số còn có thể nhiều hơn.
Việc xoay sang ưu ái cầu thủ nhập tịch của ông Shin là một canh bạc. Ông đánh đổi sự gắn kết tập thể để đổi lấy phẩm chất cá nhân. Indonesia đã chơi rời rạc trước Iraq, nhưng đây là tập thể khó lường, có tính đột biến cao và giàu sức chiến đấu.
Những cầu thủ còn rất trẻ, mới ở độ tuổi đôi mươi của Indonesia tiềm ẩn nguồn năng lượng bùng nổ nếu được kích hoạt đúng cách. Tạo ra một thế trận càng hỗn loạn càng tốt để các cầu thủ tạo đột biến. Có lẽ, đó là điều HLV Shin Tae-yong chờ đợi. Nhà cầm quân người Hàn Quốc sẽ đánh một "canh bạc" sau cuối, cho tương lai đội tuyển Indonesia ở Asian Cup, và cho chính bản thân ông.
Xem Trực tiếp & Trọn vẹn Asian Cup 2023 trên FPT Play, tại: https://fptplay.vn/
Bình luận (0)