Cuộc chiến taxi chưa hạ nhiệt

10/07/2018 07:47 GMT+7

Việc chậm trễ đưa ra khung pháp lý rõ ràng khiến cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ vẫn tiếp tục dai dẳng, chưa tìm ra lời đáp.

Grab “bóp nghẹt” taxi truyền thống?
Sau nhiều lần nộp đơn “kêu cứu”, mới đây Hiệp hội Taxi 3 miền (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng) vừa tiếp tục có văn bản đề nghị Bộ GTVT nhanh chóng chấm dứt ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh của Grab với các đơn vị kinh doanh vận tải taxi truyền thống. Nguyên nhân do Quyết định 24 của Bộ GTVT nêu khái niệm Grab và Uber là 2 loại hình vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử. Hiệp hội Taxi 3 miền cho rằng một xe được cấp phù hiệu taxi thì không thể đồng thời có phù hiệu xe hợp đồng, như vậy sẽ gây bất ổn lớn trong kinh doanh vận tải nói chung và kinh doanh taxi nói riêng.
Mô hình Grab và các ứng dụng khác là một loại hình kinh doanh vận tải hành khách có điều kiện. Vì vậy, cần quy định về các điều kiện hoạt động để bảo đảm thực hiện đúng quy định của nhà nước
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico

Động thái này xảy ra ngay sau khi có thông tin Grab muốn mở rộng hoạt động của dịch vụ GrabTaxi ra các tỉnh Ninh Thuận, Đồng Tháp, Gia Lai… Có thể thấy, cuộc chiến giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ chưa bao giờ hết “nóng” và bất cứ bước đi nào của Grab cũng khiến các hãng taxi truyền thống phải dè chừng.
Không chỉ đề nghị ngăn chặn việc Grab bành trướng thị trường, đại diện các hiệp hội taxi còn “tố” Grab đã và đang hoạt động thiếu kiểm soát, tràn lan ở những nơi chưa được hoạt động, có dấu hiệu vi phạm tập trung kinh tế trong phi vụ “thâu tóm” Uber gây rối loạn thị trường kinh doanh, phá vỡ quy hoạch tại các thành phố lớn, bóp nghẹt các hãng taxi truyền thống.
Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM, nhận định việc Bộ GTVT định nghĩa Grab là đơn vị kinh doanh vận tải dưới hình thức hợp đồng điện tử khiến Grab có nhiều thuận lợi hơn đối với hoạt động kinh doanh vận tải bằng taxi, tạo ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng khiến các hãng taxi truyền thống rơi vào tình trạng khó khăn nhất trong lịch sử. “Việc không có khung pháp lý điều chỉnh phù hợp sẽ là cơ hội cho Grab tiếp tục thao túng thị trường vận tải, gây nhiều hệ quả xấu cho kinh tế, chính trị, xã hội”, ông Hỷ lo ngại.
Quản lý quá lúng túng
Giá cước rẻ, khuyến mãi nhiều, hành trình đặt xe minh bạch, khách hàng trở thành chủ thể chủ động nắm bắt mọi thông tin, nhu cầu di chuyển bằng phương tiện công cộng cũng ngày càng tăng lên, không thể phủ nhận sau 2 năm hoạt động thí điểm tại VN, Grab đã chứng minh mô hình hoạt động mới mẻ này mang đến nhiều sự thay đổi tích cực. Chưa kể sự xuất hiện của Grab đã phá vỡ thế độc quyền cố hữu của các hãng taxi truyền thống, buộc họ phải thay đổi, nâng cao chất lượng... Tuy nhiên cũng chính vì quá mới mẻ, những lỗ hổng từ quản lý nhà nước khiến loại hình vận tải này đang gây nhiều hệ lụy. Số lượng phương tiện tăng không kiểm soát, khi có sự cố xảy đến với khách hàng trách nhiệm không biết thuộc về ai; ngay cả việc xác định Grab có độc quyền, có chiếm lĩnh thị trường sau khi sáp nhập với Uber hay không cũng khó vì cả 2 loại hình kinh doanh này ở VN đều chưa được định danh cụ thể.
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật Basico, cho rằng nguyên nhân gốc rễ là do Bộ GTVT chậm trễ đưa ra định danh, quy định quản lý rõ ràng với Grab. Bộ đang quá lúng túng, thụ động, vẫn loay hoay cố gắng phân loại Grab theo hai hướng: một là quy về taxi truyền thống, hai là taxi công nghệ. Tuy nhiên, theo ông Đức, phải xác định Grab không thuộc một trong hai loại hình vận tải trên, cũng không đơn thuần chỉ là sự kết hợp của cả hai mà là mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.
Luật sư Đức cho rằng cần nhanh chóng có khung pháp lý mới, đồng thời giảm bớt điều kiện kinh doanh của cái cũ để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, cởi mở cho hoạt động vận tải taxi nói chung.
“Phải quản lý đơn vị cung cấp phần mềm như một doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Người lái xe đăng ký sử dụng phần mềm sẽ thuộc quản lý của doanh nghiệp, phải đăng ký với cơ quan thuế và đóng bảo hiểm xã hội. Mô hình Grab và các ứng dụng khác là một loại hình kinh doanh vận tải hành khách có điều kiện. Vì vậy, cần quy định về các điều kiện hoạt động để bảo đảm thực hiện đúng quy định của nhà nước”, ông Đức đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.