Hai vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ - Lê Hoàng Diệp Thảo là những doanh nhân nổi tiếng tại VN, tạo nên thương hiệu cà phê Trung Nguyên với Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên (gọi tắt là Tập đoàn Trung Nguyên) và nhiều công ty trực thuộc.
Theo đơn khởi kiện xin ly hôn ban đầu vào năm 2015, bà Thảo yêu cầu TAND TP.HCM giải quyết 3 vấn đề, gồm: chấm dứt mối quan hệ hôn nhân; được trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng 4 con chung và ông Vũ có nghĩa vụ, trách nhiệm trợ cấp; chia đôi số cổ phần cả hai bên đang sở hữu tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên (được bà Thảo cho là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân).
Thuận tình ly hôn
Quá trình TAND TP.HCM tổ chức hòa giải, bà Thảo cho biết bản thân nhiều lần nỗ lực hàn gắn hạnh phúc gia đình nhưng ông Vũ bày tỏ quan điểm muốn thoát ly suy nghĩ bình thường, thường xuyên vắng nhà và thiếu sự quán xuyến điều hành Tập đoàn Trung Nguyên cũng như chăm sóc vợ con nên bà quyết định nộp đơn ly hôn.
tin liên quan
Tòa phúc thẩm bác kháng cáo của vợ ông Đặng Lê Nguyên VũTrong các buổi làm việc và hòa giải tại tòa, hai bên thống nhất thuận tình ly hôn nhưng không đạt được tiếng nói chung về con chung và tài sản.
Cụ thể, về con chung, khi đòi quyền trực tiếp nuôi con, bà Thảo đề nghị ông Vũ phải cấp dưỡng cho mỗi người con 5% trong tổng số cổ phần mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ sở hữu tại Tập đoàn Trung Nguyên. Ngược lại, ông Vũ đề nghị được nuôi 4 người con chung và cam kết không yêu cầu bà Thảo trợ cấp hằng tháng. Ngoài ra, nếu tòa tuyên cho bà Thảo được quyền nuôi con, ông Vũ chỉ đồng ý chia 5% cổ tức của ông cho mỗi người con - thay vì chia 5% cổ phần như bà Thảo yêu cầu.
Tranh cãi về tài sản chung, quyền quản lý
Có thể nói, với cặp vợ chồng nổi tiếng này, tài sản chung có lẽ là nội dung gây nhiều tranh cãi và chưa thể đạt một thỏa thuận cụ thể nào.
Trong đơn khởi kiện ban đầu, bà Thảo nêu trong thời kỳ hôn nhân, hai bên đã tạo lập được khối tài sản chung, bao gồm cổ phần sở hữu và quyền tài sản tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Theo bà Thảo, vốn điều lệ của Tập đoàn Trung Nguyên hiện là 2.500 tỉ đồng; tài sản chung của cả hai là 75 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, chiếm 30% vốn điều lệ. Trong đó, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đứng tên số cổ phần trị giá 500 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 20% vốn điều lệ; bà Thảo đứng tên số cổ phần trị giá 250 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ 10% vốn điều lệ.
Với số liệu thống kê tài sản chung là 750 tỉ đồng, từ đó, bà Thảo đề nghị được chia đôi; mỗi người sẽ sở hữu 37,5 triệu cổ phần, tương đương 375 tỉ đồng, cùng chiếm 15% vốn điều lệ tại Tập đoàn Trung Nguyên.
Tuy nhiên, trong đơn khởi kiện bổ sung, bà Thảo yêu cầu phân chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân bao gồm: số cổ phần sở hữu và quyền tài sản tại Tập đoàn Trung Nguyên và Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên (G7) với tổng giá trị phân chia bổ sung là 52,5 tỉ đồng. Như vậy, theo bà Thảo, tổng giá trị tài sản chung của hai vợ chồng là khoảng 802,5 tỉ đồng và bà yêu cầu được chia đôi bằng cổ phần sở hữu tại 2 công ty.
Ngoài ra, theo bà Thảo, việc bà tự định giá và đưa ra tổng số tiền với mục đích để tòa có cơ sở tính án phí, chứ bà không dựa vào đó với mong muốn nhận một nửa số tiền trong tổng tài sản chung và không đồng nghĩa việc ông Vũ được toàn quyền quản lý trực tiếp Tập đoàn Trung Nguyên và các công ty con trực thuộc (nhóm Trung Nguyên), G7 và những công ty con trực thuộc (nhóm G7).
Do vậy, ở lần hòa giải cuối cùng, bà Thảo đưa ra phương án, đề nghị tổng số tài sản chung của hai vợ chồng hiện nay sẽ chia thành 2 nhóm: Trung Nguyên và G7. Theo đó, bà Thảo sẽ “nhường” quyền lựa chọn đầu tiên cho ông Vũ. Nếu ông Vũ chọn nhóm tài sản Trung Nguyên thì bà Thảo sẽ nhận nhóm tài sản G7 và ngược lại.
Về phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ, ông cho rằng hiện nay đã có một Hội đồng định giá do tòa trưng cầu giám định, để xác định giá trị tài sản chung của hai vợ chồng tại nhóm Trung Nguyên và G7. Thông qua kết quả giám định này, bà Thảo sẽ nhận tương ứng với số vốn góp ban đầu của các cổ đông.
Vì cả hai bên không thống nhất được quyền quản lý nhóm Trung Nguyên và nhóm G7, nên phiên tòa sắp tới sẽ phán quyết về những vấn đề này.
Ngoài việc “tranh chấp ly hôn” giữa hai vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, từ năm 2015 đến nay, giữa ông Vũ và bà Thảo cũng phát sinh nhiều vụ kiện liên quan đến kinh doanh, thương mại.
Cụ thể, bà Thảo khởi kiện “đòi” lại chức danh phó tổng giám đốc thường trực tại Tập đoàn Trung Nguyên; ông Vũ khởi kiện yêu cầu bà Thảo trả con dấu và giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP đầu tư Trung Nguyên; tranh chấp cổ phần tại Trung Nguyên International (Singapore) do ông Vũ đứng đơn kiện; tranh chấp người đại diện Công ty CP cà phê hòa tan Trung Nguyên (G7).
|
Bình luận (0)