Cuộc chiến vàng ở Ghana

23/10/2012 03:20 GMT+7

Giữa lúc giá vàng thế giới tăng cao, Ghana phải đối phó với cuộc “đổ bộ” của thợ mỏ đến từ Trung Quốc chuyên khai thác lậu.

Hồi tuần trước, tờ China Daily dẫn nguồn Đại sứ quán Trung Quốc ở Ghana xác nhận cảnh sát nước sở tại bắn chết một thiếu niên 16 tuổi và bắt hơn 100 người khác, tất cả là người Trung Quốc. Đây là một phần trong chiến dịch truy quét khai thác vàng trái phép trên toàn quốc mà chính quyền Ghana đang thực hiện.

 Một vụ bắt giữ thợ mỏ lậu Trung Quốc ở Ghana
Một vụ bắt giữ thợ mỏ lậu Trung Quốc ở Ghana - Ảnh: Ghana News Agency

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Đài RNW (Hà Lan) hồi tháng 7, ông Frank Agyekum, phát ngôn viên của cựu Tổng thống Ghana John Kufuor, từng tiết lộ: “Trong chuyến bay từ Thượng Hải trở về Ghana mới đây, tôi đi chung với không ít người Trung Quốc. Khi được hỏi đến Ghana để làm gì, họ trả lời là đến thị trấn Obuasi”. Vốn dĩ, thị trấn này tọa lạc tại huyện Adansi ở vùng Ashanti, phía tây nam Ghana. Huyện Adansi tiếp giáp với vùng Amansie, nơi có mỏ vàng lớn nhất của Ghana do Tập đoàn AngloGold Ashanti (AGA) điều hành.

Sự xuất hiện của các thợ mỏ Trung Quốc ở Obuasi tương hợp với một sự gia tăng đột ngột các hoạt động bất hợp pháp trong khu vực. Đài RNW dẫn lời đại diện Tập đoàn AGA cho biết: “Những người Trung Quốc đã bắt tay với dân bản địa và dùng máy móc tinh vi để khai thác trái phép trên các khu vực mà chúng tôi được trao quyền kiểm soát. Thậm chí, họ còn có lực lượng bảo vệ để chống lại những nhân viên an ninh của AGA thi hành công vụ”.

Hậu quả nghiêm trọng

Không chỉ gây bất ổn mà việc khai thác của người Trung Quốc còn hủy hoại môi trường sở tại. Theo Bloomberg, con sông Ankroba chảy qua khu vực miền tây Ghana, nơi thợ mỏ lậu Trung Quốc hoạt động rầm rộ, bị ô nhiễm nặng nề. “Những người Trung Quốc đã phá hoại đất đai và sông suối của chúng tôi. Họ đang ngồi đó với xe tải và súng, rất nhiều súng. Cách khai thác của họ khiến việc cải tạo đất canh tác trở nên cực kỳ khó khăn”, theo ông Maxwell Owusu, quyền Trưởng làng Nwenseso ở ven sông Ankroba.

Ngoài ra, làn sóng thợ khai thác vàng Trung Quốc cũng hiện diện ở thị trấn Manso Nkwanta thuộc huyện Amansie West. “Sự xâm chiếm của người Trung Quốc ở đây thực sự đáng lo ngại”, RNW dẫn lời lãnh đạo huyện, ông Charles Oti-Prempeh, cho biết. Sự âu lo của giới chức Ghana chẳng phải không có cơ sở bởi quan hệ giữa những người Trung Quốc và cư dân bản địa dần căng thẳng trong thời gian qua. Thậm chí, nhiều cuộc xung đột đã xảy ra. Gần đây nhất, vào ngày 19.7, cảnh sát Manso Nkwanta phải can thiệp để ngăn chặn một cuộc đụng độ giữa người Trung Quốc và cư dân bản địa. Tiếng súng chát chúa đã vang lên khắp thị trấn này. Trong khi đó, không ít dân chúng địa phương tháo chạy bị thợ khai thác Trung Quốc tấn công. Theo lời kể của cảnh sát địa phương, các thợ mỏ Trung Quốc dùng súng chống lại khi bị nhóm thanh niên bản địa ngăn chặn các hành động phi pháp của họ. Sau đó, cảnh sát tịch thu một khẩu súng và bắt giữ một số thợ mỏ Trung Quốc.

Sau vụ việc trên, Tổng thanh tra cảnh sát Ghana hồi tháng 8 đã cùng Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Ủy ban Khoáng sản nước này thành lập một ủy ban để điều tra hoạt động khai khoáng bất hợp pháp. Ngay lập tức, theo Bloomberg, khoảng 20 thợ mỏ Trung Quốc bị bắt giữ không có giấy phép cư trú và làm việc sẽ bị xét xử sớm. Đến tháng trước, 38 người Trung Quốc bị trục xuất. Mới nhất là vụ bắt giữ 100 người như đã kể trên.

Trong khi đó, chính quyền bị chỉ trích đã làm lơ cho các thợ mỏ Trung Quốc, vốn được tiếp tay bởi một số người dân địa phương hám lợi. Theo các chỉ trích, chính phủ Ghana có thể không dám mạnh tay vì nước này gần đây được vay ưu đãi 3 tỉ USD từ Trung Quốc.

Trùng Quang

>> Ghana bắt hơn 100 người Trung Quốc
>> Ghana bắt 90 người Trung Quốc khai thác vàng lậu
>> Ghana giữ tàu chiến Argentina để xiết nợ
>> 38 người Trung Quốc bị đuổi khỏi Ghana
>> Ghana bắt người nước ngoài đào vàng lậu
>> Ghana bắt 37 người Trung Quốc khai thác vàng lậu
>> Xe bồn cán chết 27 người ở Ghana

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.