'Cuộc chơi' đĩa than của nghệ sĩ Việt

07/04/2019 08:00 GMT+7

Tin vui từ những chiếc đĩa than của nghệ sĩ Việt được tái bản, cũng như nhiều dự án sắp phát hành cho thấy thị trường này đang sôi động và hứa hẹn ngày càng nhộn nhịp như một số nhà sản xuất, phân phối dự đoán.


Tháng 4 này, cùng với đĩa than Giang Trang hát nhạc Trịnh Công Sơn - Lênh đênh nhớ phố ra mắt, thông tin về đĩa than Đồng Lan hát Trịnh Công Sơn - Này em có nhớ giới thiệu vào tháng 6 tới cũng vừa được nữ ca sĩ chia sẻ, song song với kế hoạch thực hiện đĩa than cho 2 album khác của cô là Đừng yêu một mình (với các sáng tác của Đồng Lan) và Bolero jazz. Ca sĩ Quang Dũng cũng cho biết, đĩa than thứ 2 của anh, với những nhạc phẩm Trịnh Công Sơn (sau Tình ca Phạm Duy) sắp hoàn thiện và dự kiến phát hành trong năm nay. Được biết, sắp tới còn có đĩa than của Bằng Kiều, Tuấn Hiệp, Đức Tuấn, Hồ Trung Dũng...
Anh Nguyễn Ngọc Thiện, Giám đốc Công ty sản xuất - phát hành băng đĩa Audio Space (TP.HCM), cho biết: “Thị trường đĩa than hiện nay sôi động gấp nhiều lần so với 5 - 7 năm trước. Sự sôi động này chính là kết quả từ sau một sản phẩm đĩa than nhạc Việt đầu tiên xuất hiện sau nhiều năm vắng bóng: Mỹ Linh Acoustic - Một ngày, phát hành cuối năm 2011. Đây có thể coi như sản phẩm đặt dấu mốc cho sự quay trở lại của đĩa than nhạc Việt”.

Thời gian, tâm sức, tiền bạc gấp 2, 3 lần vẫn không ngại

Đĩa than là một kiểu đồng bộ tín hiệu âm thanh vào lưu trữ dạng đĩa được ghi theo từng rãnh với độ dập nổi khác nhau. Các đường rãnh được đọc từ vòng lớn nhất cho tới tâm của chiếc đĩa. Cho tới thập niên 1980, lưu trữ kỹ thuật số, đặc biệt với sự ra đời của CD, chiếm ưu thế trên thị trường nên đĩa than bớt xuất hiện. Tuy nhiên, nó vẫn được sản xuất đều đặn trong thế kỷ 21
Anh Thiện cho biết, sau đĩa than của Mỹ Linh, một số nhà sản xuất chương trình âm nhạc trong nước bắt đầu quan tâm và nhanh chóng đưa ra thị trường hàng loạt các đĩa than: Vinh quang Việt Nam, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Lệ Quyên Acoustic, Tiếng hát Lê Dung (Hãng Giao hưởng xanh kết hợp với Hãng phim Trẻ); Nguyễn Ánh 9 - Lặng lẽ tiếng dương cầm, Ngàn thu áo tím, Một thời đã xa, Hương Lan & Thái Châu - Chuyện hẹn hò (Gia Định Audio kết hợp với nhạc sĩ Đức Trí); Kiếp nào có yêu nhau (Audio Space kết hợp với nhạc sĩ Duy Cường)... Song song đó, các đĩa than nhạc Việt khác cũng được nhập khẩu về VN, phong phú hơn về tựa đề, ca sĩ, tác giả - tác phẩm nên đã giúp cho thị trường đĩa than Việt vượt qua cơn khát ban đầu là “không có cái gì để nghe”.
“Từ đó, nhiều ca sĩ, nghệ sĩ VN bắt đầu quan tâm và có khái niệm về đĩa than. Vài người trong số họ cũng nghe đĩa than và sản xuất, phát hành đĩa than cho riêng mình, như Quang Dũng - Tình ca Phạm Duy, Đức Tuấn - Requiem, Lệ Quyên - Khúc tình xưa, Phạm Thu Hà - Đường em đi, Mỹ Tâm - Giai điệu thời gian, Tâm 9...”, anh Thiện nhìn nhận.
Theo các ca sĩ, vì VN chưa sản xuất được đĩa than nên công đoạn này phải gửi ra nước ngoài, chủ yếu là Mỹ, để thực hiện. Trong các sản phẩm dự định làm đĩa than của Đồng Lan, album Trịnh vì muốn màu sắc jazz mang tinh thần Pháp, cô sang tận Paris để làm nhạc, thu âm và master (thực hiện bản gốc của đĩa than); 2 album còn lại cô thực hiện mọi khâu tại Mỹ. Các đĩa than khác của nghệ sĩ Việt chủ yếu thực hiện ở Mỹ.
Theo Đồng Lan, việc kết nối, vận chuyển… không quá khó khăn, nhưng vấn đề “đầu tiên” vẫn là kinh tế. Vì thế dù muốn làm đĩa than từ lâu nhưng cô phải đi hát miệt mài để “gom tiền hòm hòm mới làm”. Không chỉ vậy, ca sĩ Quang Dũng cho rằng, nếu làm album thông thường mất khoảng 6 tháng đến 1 năm thì thời gian cho chiếc đĩa than gấp 2, 3 lần. Chưa kể, không hẳn ca sĩ nào có điều kiện cũng có thể thực hiện đĩa than, bởi đòi hỏi nhiều yếu tố ngoài chất giọng, như hòa âm phối khí ra sao, không gian âm nhạc thế nào… Ca sĩ Phạm Thu Hà chia sẻ, một ca sĩ phải có nền tảng kỹ thuật tốt, hát live ổn mới dám làm đĩa than.

Đĩa than - đĩa nhạc để đời

Chia sẻ về những lý do khiến các ca sĩ dù mất nhiều tâm sức vẫn mong muốn thực hiện một sản phẩm đĩa than cho mình, Đồng Lan bày tỏ: Xã hội càng công nghệ, càng hiện đại, người ta lại càng thèm những cảm giác rất đời thường và vốn dĩ rất con người như đọc một bức thư tay gạch xóa, nhoen mực, nghe những âm thanh ấm và tình từ đĩa than. “Tôi làm trước hết để thỏa mãn đam mê của bản thân và cũng muốn biết cảm giác của khán giả khác nhau thế nào khi nghe nhạc từ CD, nhạc số và nhạc từ đĩa than. Những ai thích chơi đĩa than hay thích tìm kiếm chút tinh tế, chút cầu kỳ, chút yên ắng... sau một ngày làm việc ồn ào của nhịp sống mới, ngồi bên ly rượu vang thả người theo từng vòng quay và âm thanh sâu, tinh tế của đĩa than cũng là một cách để sống chậm lại một chút, thanh lọc những bụi bặm, bực bội buổi ngày”, cô thổ lộ.
Với Phạm Thu Hà thì đĩa than được xem như một sản phẩm có tính trường tồn về thời gian, là "album để đời". Theo Phạm Thu Hà, cộng đồng chơi đĩa than ngày càng nhiều, bởi sau thời kỳ nghe nhạc từ công nghệ kỹ thuật số, nhiều tín đồ âm nhạc bắt đầu cảm thấy chán với cách thưởng thức tiện lợi, dễ dàng của công nghệ này, họ quay về tìm kiếm các giá trị truyền thống.
Nhà sản xuất Trần Đức (Trần Đức Store CD - LP - Master Tape, Hà Nội) cũng nhìn nhận: “Với tín hiệu vui từ thị trường đĩa than vài năm gần đây, như đĩa Nguyễn Ánh 9 đã hết sau khi tái bản, Một thời đã xa bán rất tốt..., đĩa Giang Trang chúng tôi vừa phát hành cũng rất khả thi... Chúng tôi sẽ cố gắng phát hành 1 - 2 sản phẩm mỗi năm”.
“Đến nay, số lượng đĩa than nhạc Việt đã lên tới con số xấp xỉ 50 tựa. Những đĩa than nhạc Việt tiêu thụ tốt là những đĩa nhạc xưa, trữ tình và bolero”, anh Nguyễn Ngọc Thiện nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.