Cuộc chơi điên rồ của quyền lực đen Ý

07/12/2015 07:04 GMT+7

Mafia đã biến nhiều đội bóng Ý thành công cụ biểu dương quyền lực, trò tiêu khiển cũng như kiếm lợi nhuận “khủng”.

Mafia đã biến nhiều đội bóng Ý thành công cụ biểu dương quyền lực, trò tiêu khiển cũng như kiếm lợi nhuận “khủng”. 

Ông trùm Giuseppe Polverino khi bị bắt - Ảnh: CampaniasuwebÔng trùm Giuseppe Polverino khi bị bắt - Ảnh: Campaniasuweb
Quyền lực ở bóng đá
Thị trấn Quarto nằm phía tây bắc Naples, một thành phố miền nam Ý được mệnh danh là “quê hương của các băng đảng mafia khét tiếng”.
Thị trấn nhỏ bé có dân số chưa đến 40.000 người này luôn sống trong cảnh bị kiểm soát bởi mafia. Từ tháng 3.2013, văn phòng thị trưởng bị giải thể và một ủy viên đặc biệt có liên quan băng đảng mafia được đưa lên nắm quyền.
Không những chính trị bị xâm nhập, bóng đá cũng trở thành nạn nhân khi trước đó đội bóng địa phương La Nuova Quarto Calcio đã rơi vào tay của Giuseppe Polverino, ông trùm của băng mafia khét tiếng Camorra ở Napoli (Ý). Băng đảng tội phạm này chuyên buôn bán ma túy, đánh cướp tác phẩm nghệ thuật, cưỡng đoạt, cho vay nặng lãi, cá cược bất hợp pháp...
Polverino sử dụng La Nuova Quarto Calcio như một linh vật của băng đảng để rửa tiền, đạt được sự tôn trọng của người dân địa phương và trở thành phương tiện làm việc với xã hội “sạch”. Thế nhưng, sau cuộc trấn áp từ chính phủ Ý, “ông trùm” Polverino cùng 39 người khác bị bắt, tài sản bị tịch thu, trong đó có CLB La Nuova Quarto Calcio. Đội bóng phải làm lại từ đầu, trong đó những người có liên quan tới Polverino vẫn duy trì hoạt động để tỏ lòng trung thành với ông trùm.
Cũng như La Nuova Quarto Calcio, nhưng đội bóng đồng hương Rosarno đã phải xóa sổ trong cuộc chiến chống lại gia tộc mafia Pesce. Đội bóng đã giải thể khi các doanh nhân và người dân địa phương quá sợ hãi trước thế lực của Pesce, băng đảng tội phạm cũng từng sở hữu CLB Cittanova Calcio. Năm 2012, cuộc chơi quyền lực trong bóng đá của các băng mafia còn dữ dội hơn khi các công tố viên ở Lecce tiết lộ có đến 7 CLB thuộc Eccellenza (giải hạng 5 ở Ý) dưới quyền kiểm soát của băng mafia Sacra Corona Unita. Tuy nhiên, khi đào sâu vào nội bộ giải đấu thì có đến 16/18 CLB có sự kết nối với mafia.
Sự thao túng của mafia đối với bóng đá Ý mạnh mẽ đến mức không ít cổ động viên, cầu thủ, trọng tài... còn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với các ông trùm. Năm 2009, Chủ tịch CLB Akragas công khai tặng một chiến thắng của đội bóng cho người bạn thân Nicola Ribisi. Sự thân thiết này có lẽ chẳng có gì sai nếu như cảnh sát không tiết lộ Ribisi là kẻ đứng đầu một băng đảng mafia.
Sự thao túng của mafia không những bao trùm các đội bóng địa phương hạng thấp của Ý mà còn vươn ra các giải đấu nghiệp dư. Thậm chí, thời gian trước đây, hằng năm ở Naples các gia tộc mafia đều tổ chức một giải đấu được lấy tên của một ông trùm trong quá khứ là Fortunato Maurizio Audino. Giải đấu thường thu hút từ 500 - 800 thiếu niên 6 - 14 tuổi và đội chiến thắng không đoạt cúp mà thay vào đó các ông trùm sẽ được số ma túy đặt cược với các băng đảng mafia khác.
Dìm bóng đá xuống vũng bùn bán độ
Không những sử dụng các đội bóng làm linh vật để biểu dương quyền lực, các băng đảng mafia còn “bôi đen” hình ảnh bóng đá Ý bởi hàng loạt bê bối bán độ. Mới đây, vào tháng 5, nỗi ám ảnh bán độ ở bóng đá Ý lại được khơi dậy sau khi cảnh sát tiến hành bắt giữ 50 cầu thủ, HLV, giám đốc điều hành... và hơn 70 người khác đang bị điều tra liên quan đến dàn xếp tỷ số hơn 30 trận đấu ở các giải Lega Pro và Serie D.
Theo điều tra, bê bối bán độ này được dàn dựng bởi Cosa Nostra và Ndrangheta, 2 băng đảng mafia được xem là hùng mạnh nhất ở đất nước hình chiếc ủng. AFP dẫn lời một số nhân chứng cho biết mafia đã dàn xếp kết quả các trận đấu để thu lợi nhuận kếch xù từ cá cược.
Trở lại năm 2011, các chân rết của mafia ở Bari và Naples cũng đã làm rung chuyển bóng đá Ý khi dàn xếp tỷ số nhiều trận đấu tại Serie A và Serie B. Bê bối này khiến hàng loạt danh thủ như Giuseppe Signori, Cristiano Doni... bị bắt giữ và nhận án treo giò dài hạn.
Năm 2006, bê bối bán độ “Calciopoli” khiến Juventus bị tước 2 chức vô địch Serie A 2005 và 2006, giáng xuống chơi ở Serie B, trong khi các “ông lớn” khác như AC Milan, Fiorentina, Lazio bị trừ điểm...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.