Cuộc chơi opera

05/01/2022 06:24 GMT+7

Không thể tìm đâu giọng bass (nam trầm), Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM nhiều lần phải nhờ NSND Quốc Hưng bay từ Hà Nội vào TP.HCM để tham gia vở diễn.

“Thực ra, không chỉ ở Việt Nam, mà ở hầu hết những quốc gia châu Á, để tìm một giọng bass rất hiếm. Trong khi giọng tenor (nam cao) hay baritone (nam trung) thì dễ dàng hơn”, NSND Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, cũng là tác giả cuốn sách Đào tạo ca sĩ opera tại Việt Nam vừa ra mắt, bày tỏ.

Hình ảnh trong vở opera Người tạc tượng của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận được phục dựng

TTXVN

Không dễ với người Việt

Theo NSND Quốc Hưng, chất giọng chiếm 80%, còn việc khổ luyện chiếm 20% cho việc tạo nên giọng hát của nghệ sĩ opera. “Có bột mới gột nên hồ. Trước hết phải có năng khiếu rồi sau đó mới có thể gọt giũa thành tài năng”, NSND Quốc Hưng nói. Có chất giọng phù hợp với opera đã là không dễ. Thêm nữa, cái khó với người Việt (cũng như với người châu Á nói chung) khi đi theo loại hình nghệ thuật opera còn nằm ở yếu tố khách quan là cấu trúc vòm họng.

“Cấu trúc vòm họng của người châu Á nhỏ hơn và không cong như người phương Tây. Chính bởi vậy, âm thanh mà chúng ta phát ra đi thẳng ra ngoài, không tạo được độ vang như người phương Tây. Người châu Á học kỹ thuật thanh nhạc vất vả hơn là vì thế”, NSND Quốc Hưng lý giải.

Bên cạnh việc đào tạo kỹ thuật thanh nhạc, theo nghệ sĩ opera Huyền Nga, một nghệ sĩ opera còn cần được đào tạo nhiều kỹ thuật khác, trong đó có kỹ năng diễn xuất và nghệ thuật trình diễn. Trong khi đó, trên thực tế, những cơ sở đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp tại Việt Nam hiện nay mà ngay như tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam cũng chưa đáp ứng được yêu cầu trong việc đào tạo opera chuyên sâu theo đúng chuẩn.

“Việc đào tạo giọng ca opera cần nhiều thứ phải làm, chẳng hạn như có studio để tập cho học sinh, hay phải có những bộ môn hỗ trợ như vũ đạo, kỹ thuật biểu diễn, và nhiều môn khác. Nhưng đó vẫn là những thứ chúng tôi còn thiếu”, NSND Quốc Hưng thẳng thắn nhìn nhận.

Hiện nhà nước đã có dự án nhằm tạo điều kiện cho việc đào tạo những tài năng của nghệ thuật opera được tuyển chọn từ nhiều cơ sở đào tạo thanh nhạc chuyên nghiệp như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nhạc viện TP.HCM, Học viện Âm nhạc Huế.

“Chúng tôi phải tuyển chọn kỹ càng những em thực sự có giọng hát tốt, sức khỏe phù hợp với nghệ thuật opera”, NSND Quốc Hưng nói và cho biết, một số sinh viên xuất sắc đã được cử đi đào tạo tại Bulgaria, Hungary, Nga, Mỹ… Từ đây, có thể chờ đợi vào thế hệ giọng ca opera được đào tạo bài bản ở những quốc gia có nền nghệ thuật opera phát triển. Nhưng cần phải nhìn vào thực tế làm sao để tạo môi trường cho nghệ thuật opera trong nước phát triển. Đây cũng là môi trường để những tài năng sau khi được đào tạo tại nước ngoài trở về có đất dụng võ.

Ca sĩ Phan Trung Kiên, học trò của NSND Quốc Hưng, thể hiện trích đoạn opera trên sân khấu của Học viện Âm nhạc quốc gia VN

NSCC

Cần nhiều sân chơi

Việc đào tạo một giọng ca opera là quá trình không thể rút ngắn thời gian. “Nghệ thuật opera đòi hỏi người đi theo phải có tài năng thực sự. Mà tài năng không phải bỗng dưng mà có được. Có giọng hát rồi, nhưng phải qua đào tạo bài bản và kiên trì. Không chỉ học tập tới chục năm trong nhà trường, mà sau đó vẫn phải tiếp tục trau dồi trong những năm hoạt động nghệ thuật”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long bày tỏ và cho rằng: “Loại hình nghệ thuật này có nhiều cái khó, trong đó khó nhất là môi trường hoạt động. Môi trường này còn nhỏ và chưa có nhiều đất dụng võ”.

NSND Quốc Hưng cho hay, cách đây 3 - 4 năm ông đã đưa ra ý tưởng thực hiện vở opera Trà hoa nữ tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, do học viện không đủ kinh phí để thực hiện tác phẩm này nên khoa Thanh nhạc đã chuyển sang thực hiện vở Cây sáo thần. Các vai trong vở đã được chuẩn bị hết, nhưng do dịch bệnh nên kế hoạch đành phải tạm hoãn. Theo NSND Quốc Hưng, việc thực hiện những vở opera kinh điển tại trường nhạc như Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam không chỉ để tạo sân khấu cho các nghệ sĩ của khoa Thanh nhạc mà còn để khán giả được tiếp cận với nghệ thuật đỉnh cao.

Sân chơi cho opera còn được chờ đợi ở những cuộc thi. Tuy thực tế đã có một số cuộc thi thính phòng được tổ chức, nhưng theo NSND Quốc Hưng, vẫn chưa có nhiều hiệu quả. “Không có nhiều nhà tài trợ đầu tư vào những cuộc thi thính phòng, bởi vậy, giá trị giải thưởng không cao, ít thu hút người tham dự. Bên cạnh đó, tổ chức những cuộc thi này cũng chả có lãi là mấy nên rất ít nơi đứng ra làm”, NSND Quốc Hưng bày tỏ.

Dù vậy, theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, đã có những tín hiệu tích cực từ sân khấu opera trong nước. Cách đây 3 năm, vở opera kinh điển Người tạc tượng của cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (Việt NamOB) phục dựng sau gần nửa thế kỷ. Cùng năm đó, vở opera Lá đỏ của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cũng được công diễn lại. Nếu không xảy ra dịch Covid-19, Việt NamOB đã có kế hoạch đưa Người tạc tượng và Lá đỏ đi lưu diễn.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long vẫn chờ đợi sẽ có thêm những vở diễn opera được đưa đến với khán giả. “Nhà nước cần quan tâm đến đời sống, thu nhập, lương của nghệ sĩ opera, cũng như những hoạt động hỗ trợ để opera tồn tại và phát triển ở Việt Nam. Opera là loại hình nghệ thuật thuộc nhóm phân khúc dành cho khán giả có trình độ thưởng thức cao, cần được nhà nước hỗ trợ. Nếu môi trường hoạt động phát triển thì mới kích thích được sự gia tăng số lượng nghệ sĩ đeo đuổi opera, cũng như việc đào tạo opera chuyên sâu được chuyên nghiệp hơn”, ông Long bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.