Cuộc chuyển đổi lớn trong lĩnh vực năng lượng toàn cầu

14/09/2018 08:00 GMT+7

Các chuyên gia nhận định việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thoái trào và gây xáo trộn lớn.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về hành động chống biến đổi khí hậu (GCAS) đang diễn ra ở thành phố San Francisco (bang California, Mỹ), các đại biểu cho rằng thế giới đang ở giai đoạn đỉnh điểm của việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trước khi chuyển sang các nguồn năng lượng sạch trong thập niên tới. Theo đó, việc chuyển đổi này là một xu hướng tất yếu và đem lại nhiều cơ hội cũng như rủi ro được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội trên toàn cầu.
Trả lời PV Thanh Niên đang đưa tin từ hội nghị, chiến lược gia Kingsmill Bond của Tổ chức Carbon Tracker (Anh) cho biết nhiên liệu hóa thạch như than đá, xăng dầu đang bị đánh bại dần bởi sự trỗi dậy của năng lượng tái tạo. “Điều này tất yếu dẫn đến việc hàng ngàn tỉ USD tài sản sẽ bị ứ đọng và những quốc gia lệ thuộc vào dầu mỏ sẽ thiệt hại nặng nếu không tái đầu tư sớm”, ông chia sẻ.
Theo báo cáo “Tầm nhìn 2020” đưa ra tại hội nghị, nhu cầu về than và dầu khí đang chững lại do các nguồn năng lượng tái tạo ngày càng ít tốn kém nhờ sự phát triển của công nghệ. Đây cũng là động lực tích cực giúp chính phủ các nước ban hành nhiều chính sách về cắt giảm khí thải nhà kính, giảm ô nhiễm không khí và ngăn chặn biến đổi khí hậu. Báo cáo ước tính nhu cầu năng lượng thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 1 - 1,5%, còn điện mặt trời và điện gió sẽ tăng 15 - 20% hằng năm. Trong khi đó, nhu cầu năng lượng hóa thạch đạt đỉnh điểm vào năm 2023 trước khi bắt đầu sụt giảm.
Dự kiến việc chuyển đổi sẽ gây tác động lớn trên toàn cầu vì lĩnh vực năng lượng hóa thạch đã đầu tư khoảng 25.000 tỉ USD vào hạ tầng. Bên cạnh đó, thị trường tài chính sẽ chịu nhiều rủi ro khi tìm cách xử lý khối tài sản khổng lồ này, còn thị trường xe hơi cũng phải thay đổi nhanh chóng. Cơ quan Năng lượng tái tạo quốc tế (IREA) dự báo năng lượng tái tạo sẽ rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch tại nhiều nơi trên thế giới vào năm 2020. Theo ông Bond, nhiên liệu hóa thạch đã phát triển 200 năm và quá trình chuyển đổi buộc giá xăng dầu giảm dần để gắng gượng cạnh tranh. “Nhân loại từng chứng kiến nhiều lần chuyển đổi năng lượng, chẳng hạn như từ việc di chuyển bằng ngựa và thắp sáng bằng dầu sang sử dụng xe hơi và điện”, ông Bond đưa ra ví dụ, đồng thời nhấn mạnh các thị trường mới nổi đều ưu tiên dùng năng lượng sạch.
Các chuyên gia cho rằng bên cạnh châu Âu, nhiều nơi trên thế giới đã bắt đầu chứng kiến tác động từ quá trình chuyển đổi trên. Nhiều nhà máy nhiệt điện tại Mỹ và Trung Quốc đã đóng cửa trong năm qua do không đem lại hiệu quả kinh tế. Công ty than tư nhân lớn nhất thế giới tại Mỹ là Peabody Energy đã phá sản trong thời gian gần đây sau khi nhu cầu than bước vào giai đoạn sụt giảm. Trong khi đó, thế giới tiêu thụ 3 triệu xe hơi chạy điện vào năm ngoái với mức tăng trưởng 22%. Dự kiến xu hướng đó sẽ còn tăng đột biến trong vài năm tới. Điều này khiến nhiều công ty thay đổi chiến lược và đã cam kết đầu tư tổng cộng khoảng 90 tỉ USD vào thị trường xe điện trong năm nay.
Quá trình chuyển đổi nguồn năng lượng được dự báo sẽ còn chịu sự thúc đẩy của các tổ chức vì môi trường và chống biến đổi khí hậu. Tại hội nghị, tổ chức 350.org đưa ra lời kêu gọi thế giới tiến tới hoàn toàn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Trước mắt, tổ chức này vận động các nhà đầu tư chuyển đổi trên 10.000 tỉ USD trước năm 2020. “Nếu các vị vẫn cấp vốn cho nhiên liệu hóa thạch thì các vị sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhiều công ty đã nhận ra rằng đây là ngõ cụt. Chuyển đổi là cách duy nhất để phát triển một cách có trách nhiệm”, chuyên gia Brett Fleishman của 350.org khuyến cáo.
Tại hội nghị hôm qua, Thống đốc bang California Jerry Brown và đặc phái viên của Tổng thư ký LHQ Michael Bloomberg đưa ra báo cáo cho thấy nhiều bang và doanh nghiệp ở Mỹ đang rút ngắn khoảng cách, tiến tới mục tiêu giảm khí thải, dù không được chính quyền liên bang hậu thuẫn. Theo đó, vào năm 2025 nhiều nơi sẽ cắt giảm được 17% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2005 và tỷ lệ này có thể lên đến 25% nếu hành động chống biến đổi khí hậu tiếp tục được đẩy mạnh. Động thái đáng ghi nhận bao gồm việc ban hành và thực thi các chính sách về năng lượng tái tạo, đẩy mạnh giảm chất làm lạnh gây ô nhiễm và tập trung ngăn chặn rò rỉ khí thiên nhiên từ hệ thống đường ống. “Những nơi này đang giúp Mỹ hướng tới mục tiêu của Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, bất chấp những gì đang diễn ra tại Washington”, ông Bloomberg nói, ám chỉ việc Tổng thống Donald Trump đã quyết định rút khỏi thỏa thuận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.