Thế hệ thứ tư
Phó thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài (Lawrence Wong) sẽ nhậm chức thủ tướng trong hôm nay, tiếp nối vai trò lãnh đạo của ông Lý Hiển Long (72 tuổi), người sau đó sẽ đảm nhiệm chức vụ bộ trưởng cấp cao. Ông Hoàng (52 tuổi) sẽ là thủ tướng thứ tư trong lịch sử 59 năm của đảo quốc, sau các ông Lý Quang Diệu, Ngô Tác Đống (Goh Chok Tong) và Lý Hiển Long.
Khác với người tiền nhiệm và những đồng nghiệp khác trong đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền, ông Hoàng xuất thân từ một gia đình "bình dân" với cha là nhân viên kinh doanh gốc Hoa, còn mẹ là giáo viên tiểu học.
Theo báo The Straits Times, từ nhỏ, ông là một học sinh cá tính khi bỏ qua cơ hội học ở những trường tinh hoa để được học gần nhà và bạn bè. Ông giành học bổng chính phủ và lấy bằng cử nhân rồi thạc sĩ về kinh tế tại Mỹ. Sau đó, ông còn lấy bằng thạc sĩ hành chính công tại ĐH Harvard danh giá. Ông Hoàng bắt đầu sự nghiệp là một nhà kinh tế trong Bộ Công thương Singapore trước khi tham gia chính trị từ năm 2011 và kinh qua nhiều bộ ngành quan trọng.
Singapore sắp chuyển giao quyền lực, thế hệ lãnh đạo thứ 4 sẽ chèo lái đất nước
Ông Hoàng là một trong 15 hạt giống của PAP được chọn vào thế hệ lãnh đạo thứ tư (4G). Năm 2022, cơ hội bất ngờ đến với ông Hoàng sau khi Phó thủ tướng Vương Thụy Kiệt (Heng Swee Keat), người hồi năm 2018 được chọn để kế nhiệm ông Lý Hiển Long, xin rút vì lý do tuổi tác. Với vai trò nổi bật trên cương vị đồng chủ nhiệm tổ chuyên trách chống dịch của chính phủ trong đại dịch Covid-19, ông Hoàng được PAP nhất trí ủng hộ làm người thay thế ông Vương.
Trong thư gửi ông Hoàng ngày 13.5, Tổng thống Tharman Shanmugaratnam bày tỏ tin tưởng rằng ông Hoàng sẽ dẫn dắt Singapore với niềm vinh dự và đảm bảo tiếp tục sự ổn định cũng như sức sống của đất nước.
Ưu tiên tính ổn định
Hôm 13.5, ông Hoàng công bố nội các mới nhưng không có nhiều sự thay đổi do ưu tiên tính tiếp nối và ổn định cho phần còn lại của nhiệm kỳ đến tháng 11.2025. Theo đó, ông sẽ tiếp tục kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Tài chính, trong khi ông Vương Thụy Kiệt (63 tuổi) tiếp tục vị trí phó thủ tướng. Bộ trưởng Công thương Nhan Kim Dũng (Gan Kim Yong) sẽ là phó thủ tướng nhưng vẫn kiêm nhiệm chức vụ cũ. Ông Hoàng thừa nhận ông Nhan "không hẳn" thuộc nhóm 4G nhưng trong giai đoạn ban đầu của cuộc chuyển giao, "việc có hai bộ trưởng với nhiều kinh nghiệm làm cấp phó là điều hữu ích".
Các nhà bình luận của The Straits Times cho rằng đây là sự lựa chọn an toàn cho Singapore và cả đảng cầm quyền PAP trong thời điểm bất ổn về địa chính trị và kinh tế, khi nước này phải tổ chức tổng tuyển cử trong vòng 18 tháng tới. Đài CNA dẫn lời các nhà quan sát nhận định việc chọn ông Nhan làm phó thủ tướng gợi ý rằng trong ngắn hạn tân lãnh đạo Singapore ưu tiên kinh nghiệm hơn là sự mới mẻ. Việc ông Hoàng tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Tài chính cho thấy ông muốn duy trì sự kiểm soát tổng thể đối với các ưu tiên chi tiêu của chính phủ trong tương lai gần. Năm 2004, nội các đầu tiên của Thủ tướng Lý Hiển Long cũng gồm hai phó thủ tướng từ nhiệm kỳ trước là ông Trần Khánh Viêm (Tony Tan) và ông Shunmugam Jayakumar.
Về phần mình, ông Lý nói trên cương vị bộ trưởng cấp cao, ông sẽ tận dụng mối quan hệ, kinh nghiệm và góc nhìn của mình để giúp người kế nhiệm thành công nhưng lưu ý ông Hoàng phải là người ra quyết định và "dẫn dắt theo cách riêng". "Chính sách cụ thể, nhạy cảm phải do thủ tướng quyết định", ông Lý nói.
Thách thức của tân thủ tướng
Tân thủ tướng Singapore sẽ tiếp quản một đất nước thịnh vượng nhưng cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức trước mắt. Gần 60 năm từ ngày độc lập, Singapore đã trở thành biểu tượng của sự thịnh vượng trong khu vực có nhiều nước chỉ thuộc nhóm thu nhập trung bình. GDP đầu người của Singapore thuộc nhóm cao nhất thế giới, đa số người dân sở hữu nhà, hạ tầng được nâng cấp với hàng tỉ USD.
Tuy nhiên, theo cây bút bình luận Daniel Moss của Bloomberg, tốc độ tăng trưởng của Singapore không còn như trước và đảo quốc này cũng trở thành nơi sinh sống đắt đỏ nhất thế giới. Dân số Singapore cũng đang già hóa nhanh chóng trong khi tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục. Theo dự báo, đến năm 2030, gần 1/4 dân số sẽ ở độ tuổi từ 65 trở lên, đặt ra thách thức lớn về thuế, chăm sóc y tế và nhà ở. Các vấn đề như tính bền vững về môi trường, biến đổi khí hậu, căng thẳng địa chính trị toàn cầu và khu vực cũng được dự báo sẽ là thách thức cho vị tân lãnh đạo.
20 năm ông Lý Hiển Long lãnh đạo Singapore
Ông Lý Hiển Long tham gia chính trị năm 32 tuổi và trở thành thủ tướng thứ ba của Singapore vào năm 2004 ở tuổi 52. Trong 20 năm sau đó, ông duy trì vị thế đặc biệt của Singapore và lèo lái đất nước trong một thế giới ngày càng phức tạp, theo tờ The Straits Times. Nhà lãnh đạo từng nhiều lần nói rằng muốn giao lại Singapore cho người kế nhiệm trong trật tự tốt. Trên thực tế, Singapore lúc ông rời chức thủ tướng được đánh giá là tốt hơn, thịnh vượng, phát triển và công bằng hơn so với lúc ông nhậm chức.
Các nhà phân tích cho rằng Thủ tướng Lý đã để lại dấu ấn về chính trị và xã hội, dẫn dắt đất nước Singapore qua nhiều giai đoạn khủng hoảng và phục hồi. Nhà lãnh đạo đã thực hiện nhiều quyết định khó khăn và cũng có những chính sách gây tranh cãi. Trong 20 năm qua, GDP của Singapore đã tăng gấp đôi lên 392 tỉ USD, thu nhập bình quân hằng tháng của người dân tăng 2,2 lần lên hơn 3.800 USD, theo CNA. Trong cuộc phỏng vấn cuối cùng trước khi chuyển giao, ông Lý từ chối đánh giá về thời gian lãnh đạo của mình và cho rằng điều đó sẽ do người khác nhận xét. "Tôi đã cố chạy nhanh hơn tất cả những người khác. Tôi đã cố đưa mọi người chạy cùng mình và tôi nghĩ chúng tôi đã có một vài thành công", ông Lý Hiển Long nói.
Bình luận (0)