Cuộc đấu gián điệp Cuba - Mỹ

20/12/2014 09:14 GMT+7

Cuba và Mỹ đã cùng lật sang một chương mới sau hơn nửa thế kỷ thù địch với thông báo tiến tới bình thường hóa quan hệ và những điệp viên lợi hại nhất trong cuộc chiến tình báo Cuba - Mỹ đã được trao trả trong ngày lịch sử 17.12.

Cuba và Mỹ đã cùng lật sang một chương mới sau hơn nửa thế kỷ thù địch với thông báo tiến tới bình thường hóa quan hệ và những điệp viên lợi hại nhất trong cuộc chiến tình báo Cuba - Mỹ đã được trao trả trong ngày lịch sử 17.12.

Cuộc đấu gián điệp Cuba - Mỹ 1Chủ tịch Raul Castro trò chuyện cùng Hernández, Guerrero và Labañino - Ảnh: Reuters
Cuba và Mỹ đã cùng lật sang một chương mới sau hơn nửa thế kỷ thù địch với thông báo tiến tới bình thường hóa quan hệ do nguyên thủ 2 nước đưa ra ngày 17.12. Biểu tượng đầu tiên của bước đột phá này là cuộc trao đổi tù nhân với trung tâm là các thành viên còn lại thuộc nhóm Bộ ngũ Cuba nổi tiếng và một điệp viên bí ẩn của Mỹ.
Điệp viên hoàn hảo
Đến nay, chưa có bất kỳ thông tin chính thức nào về nhân thân và quá trình hoạt động của điệp viên bí ẩn vừa được Cuba phóng thích. Dư luận chỉ biết rằng người này đã bị giam giữ gần 20 năm và lặng lẽ được đưa tới Mỹ hôm 17.12. Tuy nhiên, trong bài diễn văn cùng ngày, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi đây là “một trong những điệp viên quan trọng nhất mà Mỹ từng triển khai ở nước ngoài” và rằng “rất ít người biết đến sự hy sinh của ông ấy”.
Cuộc đấu gián điệp Cuba - Mỹ 2Rolando Sarraff Trujillo được cho là điệp viên bí ẩn của Mỹ tại Cuba - Ảnh: Daily Mail
Trong khi đó, tờ Newsweek dẫn lời cựu quan chức của Cơ quan Tình báo quốc phòng (DIA) Chris Simmons nói ông “chắc chắn đến 99,9%” điệp viên bí ẩn là công dân Cuba tên Rolando Sarraff Trujillo.
Theo một số nguồn tin không chính thức, Trujillo từng giữ vai trò chuyên viên mật mã cấp cao thuộc Cục Tình báo Cuba dưới trướng Bộ Nội vụ. Ở cương vị này, Trujillo có quyền tiếp cận hệ thống mật mã mà các điệp viên Cuba ở nước ngoài dùng để liên lạc.
Đến nay, vẫn chưa rõ Trujillo bắt đầu làm gián điệp cho Mỹ từ khi nào cũng như quá trình bị lộ và bị bắt. Tuy nhiên, tờ The Washington Post nhận định nhân vật này là một “điệp viên hoàn hảo” và đóng góp rất lớn vào các chiến dịch bắt giữ nhiều điệp viên cấp cao của Cuba trên đất Mỹ.
Nổi bật trong số này có chuyên viên phân tích Ana Belen Montes của DIA, vợ chồng cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ Walter Kendall Myers và Gwendolyn Myers cũng như nhóm Bộ ngũ Cuba tại bang Florida. Bà Montes bị xem là một trong những gián điệp gây thiệt hại nhất cho Mỹ do tiếp cận được thông tin mật các hoạt động tình báo của Washington tại Cuba. Bà bị bắt hồi tháng 9.2001 sau 17 năm hoạt động ngầm và lãnh án chung thân.
Trả lời phỏng vấn của CNN hôm qua, nghị sĩ Cuba Mariela Castro Espin, con gái Chủ tịch Raul Castro, nói những diễn biến đột phá đầy lạc quan trong quan hệ Mỹ - Cuba lẫn sự trở về của Bộ ngũ là “tin vui cực kỳ quan trọng đối với chúng tôi”. Nối lời cha mình trước đó, bà Catro Espin cũng kêu gọi Mỹ nhanh chóng dẹp bỏ chính sách bao vây cấm vận nhằm vào Cuba nửa thế kỷ qua. “Tôi hy vọng ông Obama sẽ đi vào lịch sử với tư cách người chấm dứt chính sách phong tỏa”, bà nói. Ngoài ra, nữ nghị sĩ này tin rằng tuy chưa có phát biểu công khai nào nhưng chắc chắn bác của bà, lãnh tụ Fidel Castro, có tham gia vào quá trình đàm phán và quyết định tiến tới bình thường hóa giữa 2 nước.
Trang tin Infobae của Argentina dẫn một số nguồn cấp cao cho biết Trujillo bị bắt vào ngày 2.11.1995 và lãnh án 25 năm tù giam tại nhà tù an ninh nhất của Cuba tại Guanajay, ngoại ô thủ đô Havana.
Theo cựu quan chức Chris Simmons, lý do giúp Trujillo không bị tử hình là nhờ cha mẹ ông từng giữ các vị trí quan trọng trong chính quyền Cuba và họ không biết gì về hoạt động gián điệp của con trai.
Một bằng chứng khác cho thấy Trujillo chính là điệp viên bí ẩn theo The Washington Post, là gia đình người này ở Havana đã không thể liên lạc với ông kể từ ngày 16.12.
Mặt khác, cha mẹ Trujillo cũng tỏ ra bất bình vì không nhận được thông tin gì về con trai. “Người ta đồn nó được thả nhưng chúng tôi không biết gì về số phận của nó cả, cũng chẳng biết nó đang ở đâu”, mẹ Trujillo than thở.
Bộ ngũ Cuba
Cũng trong ngày 17.12, Cuba chào đón sự trở về của 3 thành viên trong Bộ ngũ Cuba, một huyền thoại sống tồn tại gần 20 năm qua tại nước này. Theo AP, các ông Gerardo Hernández, Antonio Guerrero, Ramón Labanino, Fernando González và Rene González bị bắt tại Florida vào năm 1998.
Đến năm 2001, Cuba thừa nhận họ là nhân viên tình báo nhưng khẳng định họ không nhằm vào chính phủ Mỹ mà nhận nhiệm vụ theo dõi các nhóm người Cuba lưu vong sau một số vụ đánh bom khủng bố tại Havana.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro - Ảnh: Reuters
Theo hồ sơ từ phía Mỹ, Bộ ngũ Cuba đã trà trộn thành công vào các tổ chức người Cuba lưu vong và chuyển thông tin về nước này bằng điện đàm vô tuyến tần số cao, phần mềm mã hóa và các thông điệp điện thoại gắn mã.
Họ còn bị cáo buộc thâm nhập một số căn cứ quân sự Mỹ ở Florida dưới vỏ bọc lao công và từng chuyển về nước thông tin liên quan tới việc triển khai máy bay quân sự cũng như sơ đồ kết cấu của căn cứ không quân Key West Naval Air Station.
Năm 2001, cả 5 người bị tòa án kết án từ 15 năm tù giam đến chung thân. René González và Fernando González lần lượt mãn hạn tù vào năm 2011 và đầu năm 2014, trong khi các ông Gerardo Hernández, Antonio Guerrero và Ramón Labañino được Mỹ trao trả vừa qua.
Họ về nước với tư cách của những người hùng khi hàng ngàn sinh viên Cuba xuống đường tuần hành và chào đón đoàn xe từ sân bay về tới trung tâm Havana. Sau đó, Hernández, Guerrero và Labañino còn được Chủ tịch Raul Castro tiếp thân mật cùng 2 thành viên còn lại của nhóm, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.