Chiều 28.2, Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền nội dung cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến kết nối tới 521 điểm cầu với sự tham dự của 28.458 đại biểu. Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan T.Ư Nguyễn Văn Thể chủ trì tại điểm cầu chính.
Chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến dài
Giới thiệu về lý do biên soạn cuốn sách, ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng ban Nội chính T.Ư (cơ quan chủ trì biên soạn cuốn sách), cho biết có 4 lý do chính để Ban Nội chính T.Ư đề xuất biên soạn cuốn sách.
Đầu tiên là kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong khoảng thời gian 10 năm tính từ năm 2013 - thời điểm Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thành lập, trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban.
Theo ông Học, trong 10 năm, công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có những bước tiến dài. Nghị quyết Đại hội XIII khẳng định tham nhũng, tiêu cực từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi và có chiều hướng thuyên giảm.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược, như Tổng Bí thư nhiều lần khẳng định.
"Dù có ý kiến không đồng tình với nhận định nói trên, song với những gì đạt được, chúng ta có đầy đủ cơ sở thực tiễn, lý luận để khẳng định điều này", ông Học nhấn mạnh, cho biết, với những kết quả đạt được, cần phải đánh giá lại, hệ thống lại các kết quả này trong một cuốn sách của người đứng đầu Đảng ta.
Lý do thứ 2, ông Học thông tin, nhiều vấn đề lý luận, thực tiễn, bài học kinh nghiệm quý giá được rút ra từ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong 10 năm qua. Đặc biệt là bốn hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo và có bài phát biểu kết luận.
Cùng đó là các phát biểu kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại 36 phiên họp của Ban chỉ đạo trong 10 năm qua. "Các nội dung này cần được biên tập, hệ thống lại trong một cuốn sách", ông Học nhấn mạnh.
Nhiều người gọi Tổng Bí thư là "người đốt lò vĩ đại"
Một lý do nữa, theo ông Học, việc biên soạn cuốn sách cũng nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay cũng như băn khoăn, lo lắng của cán bộ, đảng viên, nhân dân.
Ông Học phân tích, các vụ án tham nhũng thời gian gần đây cho thấy tình hình tham nhũng, tiêu cực đang có diễn biến phức tạp và khác so với 10 năm trước. Điều này đòi hỏi công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay phải khác so với trước đây.
"Tình hình hiện nay có biện pháp, giải pháp để chỉ đạo, lãnh đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sát hơn với tình hình", ông Học nêu.
Bên cạnh đó, cùng với niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng thì cũng có không ít băn khoăn, lo lắng, trăn trở của cán bộ đảng viên.
"Nhiều người dân cũng băn khoăn lo lắng rằng liệu tinh thần phòng, chống tham nhũng như hiện nay có duy trì mãi được hay không? Nhiều người còn đặt thẳng câu hỏi: nếu như mai này, sau này Tổng Bí thư không làm Tổng Bí thư nữa thì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, có duy trì như hiện nay không? Đây là suy nghĩ rất thực tế", ông Học nói, cho biết, việc biên soạn cuốn sách, hệ thống lại các quan điểm, bài học phòng chống tham nhũng cũng để trả lời câu hỏi: có dừng, có nghỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hay không?
Lý do thứ 4, ông Học cho hay, là vai trò không thể phủ nhận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong 10 năm qua.
Theo ông Học, trong cuốn sách đã thu thập nhiều bài viết của cán bộ, đảng viên, trong đó có nhiều người gọi Tổng Bí thư là "người đốt lò vĩ đại", "người gióng lên hồi lệnh chống tham nhũng" liên tục trong 10 năm qua.
"Có thể nói vai trò của Tổng Bí thư có tính quyết định nên việc có một cuốn sách của Tổng Bí thư về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là hết sức cần thiết", ông Học nói.
Tổng Bí thư không muốn đứng tên cuốn sách
Ông Học cũng chia sẻ, khi cuốn sách đã biên soạn, bản thảo hoàn thành rồi, Tổng Bí thư vẫn băn khoăn việc có đứng tên cuốn sách hay không?
"Tổng Bí thư trao đổi với anh em chúng tôi, kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công sức toàn đảng, toàn quân, toàn dân chứ không phải cá nhân một ai và càng không phải công sức của Tổng Bí thư. Tổng Bí thư không muốn có một cuốn sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mang tên mình", ông Học chia sẻ.
"Chúng tôi báo cáo toàn bộ cuốn sách đều là bài viết, phát biểu của Tổng Bí thư nên việc đứng tên là đương nhiên, song Tổng Bí thư vẫn không chịu", ông Học nói, cho biết, sau đó, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Nội chính T.Ư Phan Đình Trạc phải trực tiếp báo cáo Tổng Bí thư về việc biên soạn cuốn sách.
"Cho đến khi nhà xuất bản hoàn thành lời tựa cuốn sách, Tổng Bí thư đọc toàn bộ lời tựa trong đó có câu Ban Nội chính T.Ư chủ trì phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật biên soạn cuốn sách thì Tổng Bí thư mới đồng ý", ông Học nói.
Bình luận (0)