Cuộc đấu tranh với Formosa còn lâu dài

30/06/2016 19:13 GMT+7

Theo ông Nguyễn Trần Bạt, trong vụ việc Formosa có sự phức tạp về mặt khoa học, pháp lý và hậu quả chính trị, nên sự thận trọng của Chính phủ là bắt buộc, người dân cần chia sẻ.

Thanh Niên trao đổi với luật sư, chuyên gia kinh tế chính trị Nguyễn Trần Bạt sau khi Chính phủ công bố nguyên nhân vụ cá chết tại các tỉnh miền Trung.
Cuộc đấu tranh còn lâu dài
Nhìn lại các phản ứng của chính quyền trong vụ việc này, ông có nhận xét gì?
Ở đây có ba mặt cần phân tích. Về khoa học thì đây là một bài toán rất phức tạp về khoa học kinh tế. Nếu giải quyết triệt để vấn đề về môi trường thì đầu tư cho công nghệ xử lý chất thải sẽ rất đắt, không có lợi cho nhà đầu tư. Nói cách khác, nếu xét dự án này là thuần túy kinh tế thì rất khó. Nó là áo khoác của một vấn đề gì đó thì không ai muốn nói và có quyền nói đến một cách rõ ràng.
Ông Nguyễn Trần Bạt
Thứ hai, về pháp lý, nơi xảy ra vụ việc là một môi trường mở. Có nhiều yếu tố có thể tham gia vào quá trình gây ra các hậu quả mà chúng ta đã thấy. Chất độc làm chết cá có thể đến từ nhiều nguồn, thậm chí có thể được chủ động gây ra bởi nhiều nguồn, làm rối loạn năng lực nhận định về mặt pháp lý đối với thủ phạm của sự cố này. Việc làm một đường ống ngầm để xả thải là một sự tự tố giác mình của Formosa. Liên quan đến chuyện này còn có cả mặt yếu kém của quản lý nhà nước. Mặt yếu kém này cũng đáng lên án, đáng phân tích không hề kém gì các mặt tiêu cực hay mặt độc ác của nhà đầu tư. Những nhà quản lý VN hoàn toàn không có đủ kinh nghiệm để thấy trước tất cả các hậu quả pháp lý như thế này.
Khía cạnh thứ ba là chính trị. Đây là một bài toán vô cùng khó, tất cả tác hại trên thực tế của dự án đã chạm đến sát sườn của đời sống xã hội, Nhà nước phải chịu trách nhiệm chính trị về hiện tượng Formosa. Trong các yếu tố cấu tạo ra đời sống của xã hội VN, môi trường sống là quan trọng số một. 
Hệ thống ống xả thải khổng lồ nối từ các nhà máy thuộc dự án Formosa Hà Tĩnh ra biển Vũng Áng ẢNH NGUYÊN DŨNG
Vậy ông cảm nhận thế nào về cuộc đấu tranh tới đây để Formosa phải khắc phục sự cố?
Về mặt thủ tục thì phải có Bộ Công an. Tôi nghĩ rằng Bộ Công an sẽ không chủ quan, họ sẽ huy động các lực lượng khoa học và công nghệ của đất nước tham gia như một lực lượng cộng tác. Bộ Công an là một lực lượng chuyên nghiệp, họ có ngôn ngữ thể hiện dưới khả năng xét hỏi, khả năng áp đặt nếu muốn, có kỹ năng khẳng định nếu cần. Bằng các biện pháp nghiệp vụ họ có thể làm tốt chuyện này.
Tuy nhiên, đây là một cuộc khủng hoảng môi trường, hậu quả của nó sẽ lâu dài, cho nên quá trình để giải quyết sự cố này là một quá trình đấu tranh lâu dài để cải tạo lại môi trường. Chúng ta phải đề phòng ngay cả sự phá sản của Formosa. Nếu điều đó xảy ra chúng ta có thể mất đối tượng chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả. 
Tập đoàn Formosa bé hơn so với tập đoàn dầu khí BP, mà BP thì thiếu một chút nữa là phá sản do sự cố tràn dầu ở vịnh Mexico, làm ảnh hưởng đến 5 bang của nước Mỹ. Đến bây giờ 6 năm trôi qua rồi, những hoạt động khắc phục hậu quả vẫn còn đang diễn ra và họ đã phải chấp nhận mức đền bù thiệt hại là hơn 20 tỉ USD. Hollywood đã xây dựng những bộ phim nói về việc khắc phục hậu quả của hiện tượng tràn dầu của BP. Formosa cũng là một đề tài phim ảnh có thể khai thác. Cần phải có những tư liệu, những phân tích dân sự như thế để nhân loại, để nhân dân chúng ta thấy rằng Chính phủ chúng ta vất vả thế nào trong việc bảo vệ quyền lợi. 
Đây là một cuộc đấu tranh có thật, rất có thể là giữa những người trung thực khi xử lý hậu quả và phải khôn ngoan mới xử lý được.
Không kiểm điểm, dân sẽ không tin
Ở trên ông có nói về trách nhiệm chính trị, phải chăng ý của ông là cùng với cuộc đấu tranh để buộc Formosa nhận lỗi và khắc phục, thì cũng cần xử lý trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước?
Trong chuyện này, chúng ta buộc phải kiểm điểm trách nhiệm những người quản lý nhà nước một cách sâu sắc. Việc này sẽ đem lại giải pháp chính trị, làm cho nhân dân thấy rằng chúng ta có sai nhưng đã rút kinh nghiệm một cách trung thực. Nếu không tự kiểm điểm về chuyện này một cách sâu sắc, nhân dân sẽ không tin vào thông báo của Chính phủ, dù thông báo ấy là thật. 
Chính phủ đã phê bình địa phương phản ứng chậm, các bộ xử lý còn lúng túng đấy thôi?
Chính vì sự phức tạp về mặt khoa học, pháp lý và cả phức tạp về hậu quả chính trị nên Chính phủ có sự lúng túng, do dự và cả sự cẩn thận trong việc chuẩn bị công bố thông tin. Cả ba mặt chính trị, khoa học và pháp lý đều tác động một cách không tích cực đến độ tự do của Chính phủ trong việc công bố. 
Xã hội phải hiểu như thế, để không chỉ biết đòi hỏi mà thiếu sự cảm thông với Chính phủ. Không cảm thông và không hiểu Chính phủ nhiều khi dẫn đến những thiệt hại. Chính điều đó đã làm cho nước Anh trượt chân trong một dự án chính trị quan trọng, đó là rời khỏi EU. 
Đừng coi thường những dự án kiểu Formosa, nó rất dễ dàng đẩy đến những cú trượt chân chính trị quan trọng, nếu chúng ta vụng về trong ứng xử. Nên nhớ rằng đi từ Formosa đến Brexit không xa lắm. Nếu nghiên cứu về các tình huống khủng hoảng thì Formosa là một tình huống khủng hoảng. 
Sự do dự ấy là bắt buộc. Đấy là sự thận trọng của những người quản lý trên cơ sở thiếu hụt những kinh nghiệm trên cả ba khía cạnh. 
Thế còn sự vụng về mà ông nói trong những xử lý vừa qua là gì?
Sự vụng về thể hiện ở nhiều cấp khác nhau. Những tuyên bố khác nhau của các Bộ là một thể hiện vụng về. Việc đưa ra nguyên nhân thủy triều đỏ cũng là vụng về. Sự thông báo khác nhau của các tỉnh là một sự vụng về và thiếu hiểu biết. Khi thấy việc minh bạch thông tin trước dư luận là một thái độ chính trị được hoan nghênh thì các tỉnh đua nhau minh bạch nhưng lại có một mối quan hệ phối hợp không rõ ràng, nên biến tất cả những hành động của các chính quyền địa phương thành vụng về. Anh nọ vô tình tố giác các nhược điểm của anh kia, thiếu hiểu biết khoa học, thiếu hiểu biết pháp lý, thiếu hiểu biết về chính trị và thiếu phối hợp chính trị, tất cả những yếu tố đó tạo ra sự vụng về.
Sau sự kiện cá chết hàng loạt, ngày 18.5, Sở TN-MT Hà Tĩnh mới cho lắp đặt Trung tâm quan trắc tự động nhằm giám sát việc xả thải của Formosa Ảnh Nguyên Dũng
Không ai mang nhà máy thép, điện ra biển
Ông có cho rằng, câu chuyện Formosa là một bài học đắt giá giữa phát triển và môi trường?
Càng phát triển bao nhiêu vấn đề môi trường sống càng quan trọng bấy nhiêu. Theo nhận định của tôi, vấn đề môi trường sống đã trở thành vấn đề chính trị toàn cầu. Suy nghĩ mơ hồ về vấn đề môi trường sống chính là thiếu trách nhiệm chính trị chứ không phải đơn thuần là thiếu hiểu biết. Chúng ta chậm phát triển so với nhiều quốc gia, có thể kinh nghiệm về môi trường là chưa sâu sắc vì chưa có thực tế, chúng ta có thể thông cảm với Chính phủ về chuyện này, nhưng ý thức tổng thể về giá trị chính trị của môi trường sống thì không thể thiếu. Bởi vì nó động chạm ngay lập tức đến đời sống của người dân, Đây là một sự cố môi trường có ảnh hưởng tiêu cực nhất, nguy hiểm nhất và rộng lớn nhất đến đời sống của nhân dân từ trước đến nay. Cho nên đối với các lực lượng lãnh đạo thì đây là trách nhiệm chính trị. 
Khi Trung Quốc tăng trưởng đến 12%/năm, có nhà báo quốc tế đến hỏi tôi. Tôi nói, nếu cộng cả chi phí để giải quyết hậu quả môi trường thì tăng trưởng của Trung Quốc chỉ khoảng 3%/năm là cùng. Tức là số tiền phải bỏ để khắc phục hậu quả môi trường tương đương với 9% tăng trưởng GDP, chưa nói đến việc khắc phục hậu quả về mặt sức khỏe của người dân. Cho nên nếu không cảnh giác và không nhìn nhận một cách khoa học thì phát triển sẽ là một công cụ, một phương pháp tự sát. Chúng ta đang tự sát khi để môi trường sống của mình bị hủy hoại. 
Chúng ta có một nơi đã từng làm thép rồi, đó là nhà máy thép Thái Nguyên. Đầu tư ban đầu của chúng ta ở đấy rất lớn, nhưng người ta khai thác ở Hà Tĩnh mà không khai thác cái đã có sẵn ở Thái Nguyên. Những người lãnh đạo hay những người quản lý ngành nghề này chắc chắn phải thấy ngay như vậy là có vấn đề. Tôi không hiểu sao người ta từ chối làm thép ở đó, nơi có đất mênh mông để có thể làm các hồ chứa chất thải và xử lý một cách từ tốn theo các kinh nghiệm thế giới. 
Trên thế giới này không ai đem nhà máy thép ra ven biển để làm. Ở đất nước chúng ta người ta mang những nhà máy luyện thép và làm nhiệt điện ra bờ biển, tức là mang ra bãi tắm chung của nhân loại 7 tỉ người, tôi không thấy ở đâu mà người ta lại liều đến thế.
Thế còn có bài học nào cần rút ra trong phân cấp, phân quyền cấp phép dự án đầu tư hay không?
Tôi cho rằng quy mô dự án thì cấp dưới có thể làm được nhưng quy mô tai họa các dự án mang lại thì không thể phó thác cho cấp dưới được. Khi xem xét để dự án được cấp phép, các nhà lãnh đạo quên mất rằng dưới chân Đèo ngang có một dòng hải lưu làm trôi dạt tất cả các cặn bã của vùng Kỳ Anh vào Quảng Bình và các tỉnh miền trung khác. Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh không đủ điều kiện để cân nhắc về dòng hải lưu ấy và vô tình cấp phép cho dự án, mang lại tai họa cho tỉnh mình và cả các tỉnh bạn. Hậu quả chính trị của dự án Formosa không nằm trong phạm vi tỉnh Hà Tĩnh nữa.
Nói như thế để thấy rằng chúng ta không nhìn nhận vấn đề này đến đầu đến đũa. Chúng ta thả cho các dự án có ưu thế thải ra nhiều chất thải công nghiệp độc hại được xây dựng ven biển, tức là chúng ta có kế hoạch đầu độc biển mà không biết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.