Cuộc đầu tư mạo hiểm

27/07/2014 03:40 GMT+7

Để hiện thực ý tưởng đêm nhạc của Richard Clayderman tại Hà Nội ngày 23.8, một công ty tư nhân đã phải mất đến hai năm thương thảo và số tiền “khủng” để tổ chức chương trình.

Cuộc đầu tư mạo hiểm

Sarah Chang biểu diễn tại Hà Nội  - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Kinh phí để mời được Richard Clayderman biểu diễn tại VN - nơi mà thói quen nghe nhạc hòa tấu chưa phổ biến - cũng không được “đặc cách” so với những nơi khác nằm trong tour lưu diễn của ông. “Nếu không có nhà tài trợ thì chương trình không thể làm được”, đại diện cho đơn vị tổ chức chia sẻ. Lâu nay, nhà nước thường không hỗ trợ cho các chương trình âm nhạc hàn lâm đỉnh cao có nghệ sĩ lớn của thế giới tham dự.

 Cách đây hai năm, dàn nhạc Berliner Symphoniker (Đức) tới Hà Nội. Nhiều người không dám tin được mắt thấy tai nghe một trong những dàn nhạc đẳng cấp nhất thế giới. Đây là ước mơ từ rất lâu của nghệ sĩ violin Bùi Công Duy. Anh đã chia sẻ như vậy với Lê Ngọc Anh Kiệt, một nghệ sĩ gốc Việt hiện là thành viên trong dàn nhạc. Và sau một thời gian, sự nhiệt tâm của hai nghệ sĩ đã thuyết phục được nhạc trưởng Lior Shambadal. Nhưng đã có lúc mọi kế hoạch tưởng như tan thành mây khói khi vướng phải vấn đề kinh phí. Bùi Công Duy đã rất vất vả đi tìm nhà đầu tư. “Cuối cùng may mắn là tôi đã có những người bạn yêu nhạc cổ điển là những doanh nghiệp giúp đỡ”, Bùi Công Duy nói. Đó là cuộc “đầu tư” mạo hiểm, khó tính toán. “Nghệ thuật hàn lâm tại VN khó kiếm lời lắm, chúng tôi không nhìn vào đó làm mục đích hướng đến mà chỉ đơn giản là đưa được dàn nhạc về”, anh tâm sự.

Câu chuyện này còn được nhìn thấy ở chương trình của một trong những nghệ sĩ vĩ cầm xuất sắc thế giới Sarah Chang. Khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội chật cứng khán giả, bên ngoài rất đông người đứng lại để nghe Sarah Chang chơi nhạc. Không nhiều người biết, nếu nhà tổ chức (cũng là mạnh thường quân) không có uy tín lớn thuyết phục thì chưa biết đến khi nào VN được đón Sarah Chang.

Bùi Công Duy đang ấp ủ một chương trình âm nhạc hàn lâm mới vào cuối năm nay. “Tôi hy vọng trong lương lai, các doanh nghiệp được khuyến khích tài trợ cho văn hóa nhiều hơn. Chẳng hạn, họ sẽ chỉ phải đóng thuế ít hơn nếu như có sự tài trợ cho văn hóa, như cách một số nước đang làm. Nếu huy động được nguồn kinh phí như vậy thì đời sống âm nhạc đỉnh cao mới cải thiện, ngay cả cơ hội tiếp cận với thế giới cũng sẽ dễ dàng hơn”, anh thổ lộ.

Minh Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.