Cách đây đúng 20 năm, từ Hà Nội, các nhà thơ, nhà văn Hoàng Cầm, Hòa Vang, Nguyễn Lương Ngọc và nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán đã lên đường đi bộ xuyên Việt.
Có thể nói đây là cuộc đi bộ xuyên Việt “độc nhất vô nhị” của các nhà văn Hà Nội. Sau 20 năm, ba người đã về cõi vĩnh hằng: nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc mất năm 2001, nhà văn Hòa Vang mất năm 2006 và nhà thơ Hoàng Cầm mất năm 2010.
Khởi hành vào ngày cá tháng tư
Nhắc lại kỷ niệm, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán xúc động: “Khi biết Hòa Vang, Nguyễn Lương Ngọc sẽ đi bộ xuyên Việt, tôi nói với nhà thơ Hoàng Cầm: Anh ơi! Chúng mình cùng đi với hội này nhé. Hoàng Cầm lúc ấy đã 71 tuổi, gật đầu: Ừ, đi thôi! Hôm khởi hành ở Báo Văn Nghệ, nhà văn Hòa Vang nói: Hôm nay là ngày “cá tháng tư” (ngày 1.4.1993), nhưng chúng tôi không nói gì hết, chúng tôi đi! Nhà thơ Hoàng Cầm nói: Hôm nay đi có bốn con chó: con chó nhớn là Hòa Vang, tuổi Tuất, sinh năm 1946; con chó con là Nguyễn Lương Ngọc, cũng tuổi Tuất, sinh năm 1958; và tôi đây là con chó già; còn Nguyễn Đình Toán là con chó săn (chuyên săn ảnh)”. Ông Toán kể tiếp: “Các bạn hữu văn chương tiễn chúng tôi đi bộ qua công viên Thống Nhất, dọc đường Giải Phóng đến ga Giáp Bát thì chia tay”.
|
Lúc ấy, Toán dắt xe máy theo Hoàng Cầm, chỗ nào ông già mỏi chân quá thì Toán mời bác lên xe, đi tiếp. Còn Hòa Vang và Nguyễn Lương Ngọc thủng thẳng đi bộ một mạch 18 cây số đến đền thờ danh nhân Nguyễn Trãi ở Nhị Khê, Thường Tín mới chịu dừng chân, ngủ qua đêm. Hôm sau, đi đến Phú Xuyên thì nhà thơ Hoàng Cầm và Nguyễn Đình Toán phải lộn về Hà Nội để dự đám tang vợ họa sĩ Hoàng Lập Ngôn. Cách một ngày sau, ông Toán tiếp tục đèo nhà thơ Hoàng Cầm bằng xe máy, đuổi theo hai người kia, đến Ninh Bình thì trời sẩm tối, phải vào một khách sạn ngủ qua đêm. Người chủ khách sạn nhận ra nhà thơ Hoàng Cầm là người ông lâu nay vẫn mến mộ, nên dứt khoát không lấy tiền ăn nghỉ và mời ông Cầm uống rượu, đọc thơ suốt đêm.
Hôm sau, hai ông tiếp tục xe máy lên đường. Đến cầu Đò Lèn phải dừng lại để chờ xe lửa đi qua. Chờ hơi lâu, ông Cầm sốt ruột bảo ông Toán: “Cứ phóng vọt qua cầu đường sắt đi, tàu chưa đến đâu!”. Ông Toán rồ ga định vượt lên cầu, không ngờ bác gác cầu nghiêm sắc mặt, chặn lại: “Không được vượt ẩu, nhà thơ Hoàng Cầm là tài sản quốc gia, mọi người phải có ý thức bảo vệ nghiêm cẩn, sao anh lại liều như thế?”. Mọi người vui vẻ cười trừ.
Nhiều đoạn đi nhanh hơn... ô tô
Vào đến Thanh Hóa, gặp lại Hòa Vang, Nguyễn Lương Ngọc, cả hội lại rong chơi hai ngày với anh em văn nghệ xứ Thanh. Rồi mọi người chia tay, nhà thơ Hoàng Cầm và Nguyễn Đình Toán tiếp tục... lộn về Hà Nội vì sức khỏe ông Cầm không tốt. Về nhà được mấy ngày, vì nhớ bạn và vẫn thèm một chuyến đi xuyên Việt, ông Cầm và ông Toán lại đáp xe lửa vào Huế chờ hai bạn văn đi bộ. Tới nơi, họ được các nhà văn ở Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên-Huế là Tô Nhuận Vỹ và Võ Quê ra đón. Hỏi thăm mới biết, Hòa Vang và Nguyễn Lương Ngọc mới bộ hành gần tới Quảng Trị. Hai ông Hoàng Cầm và Nguyễn Đình Toán lại ngược ra Quảng Trị đón bạn và gặp nhà văn Nguyễn Quang Lập ở đó.
Sau này, ông Lập kể lại: “Vừa gặp nhau, chưa kịp chào hỏi gì, anh Cầm đã kéo tay mình, bảo mượn giúp cái điếu cày vì thèm thuốc lào quá. Mình huy động 8 ông bạn rải khắp thị xã truy lùng điếu cày, một giờ sau thì kiếm được. Anh Cầm rước điếu rít một hơi dài, ngửa cổ phả khói, nói đã! Hỏi ra mới biết, anh Cầm về nhà mình để đón hai ông đi bộ Hòa Vang và Nguyễn Lương Ngọc đang trên đường vào Quảng Trị. Mình có đọc cho anh Cầm nghe bài thơ nhại Lá diêu bông của nhà thơ Thanh Thảo viết tặng anh đã đăng trên tạp chí Cửa Việt hồi ấy: “Chết mẹ đây rồi cái lá Diêu bông/Cái lá mu mơ cái lá mòng mòng/Một thủa hào hùng anh đâm lút cán/Cái lá phập phồng lành rách như không...”. Anh Cầm nghe xong cười cái hì, rít liền mấy điếu thuốc lào, rồi nói nhiều người hỏi mình lá diêu bông là lá gì, mình chẳng biết nói sao!”.
Ông Lập nhắc lại một kỷ niệm vui: “Chả biết hai ông Hòa Vang - Lương Ngọc đi bộ kiểu gì mà nhiều đoạn nhanh hơn cả ô tô. Hôm ở thị xã Hà Tĩnh, Hòa Vang gửi điện tín cho học trò anh là vợ nhà báo Nguyễn Thế Thịnh (Báo Thanh Niên), nói là ngày nọ ngày kia thầy về Đồng Hới. Ai dè thầy về Đồng Hới hôm trước hôm sau điện tín mới tới tay trò. Tối hôm đón Hòa Vang - Nguyễn Lương Ngọc ở Quảng Trị, ngồi nhậu với nhau trước sân nhà mình, Hoàng Cầm hỏi đi hỏi lại chuyện đi bộ của hai người từ Hà Nội vào Quảng Trị, nói các ông có nhảy cóc đoạn nào không đấy. Mình cười khì khì, nói mấy ông này đi mà không đi, không đi mà đi, ấy là đi vậy!”.
Sau khi gặp nhau ở Quảng Trị, rong chơi hai ngày, bốn ông Cầm, Vang, Ngọc, Toán lại hành quân vào Huế gặp các bạn văn cố đô, dự đêm thơ giao lưu với sinh viên sư phạm Huế. Ông Toán cho biết, cả hội chơi ở Huế khoảng hai tuần, nhà thơ Hoàng Cầm đau bệnh, phải pha thuốc phiện vào rượu cho ông uống mới đỡ đau. Không đi tiếp được, ông Cầm và ông Toán đành lên tàu ngược về Hà Nội. Còn Hòa Vang và Nguyễn Lương Ngọc đi tiếp vào Nam... Vậy mà đã 20 năm, sau chuyến đi xuyên Việt, nhà văn Hòa Vang in liền 3 cuốn: Tai quỷ (tiểu thuyết - 1993), Sự tích ngày đẹp trời (tập truyện ngắn - 1996), Hiện tượng Hevya (tiểu thuyết - 1998; Nguyễn Lương Ngọc in được tập thơ Lời trong lời (có nhiều bài thơ viết trên đường xuyên Việt); còn nhà thơ Hoàng Cầm in liền 3 tập thơ: Về Kinh Bắc (1994), 99 tình khúc (1995) và Kiều Loan (kịch thơ 1995).
Nguyễn Việt Chiến
>> 4 chàng trai đi bộ xuyên Việt đã đến cảng Nhà Rồng
>> Chàng trai đi xuyên Việt với ví rỗng
>> Đi bộ xuyên Việt vì môi trường
Bình luận (0)