Bà Đỗ Duy Liên sinh năm 1927, trong một gia đình công chức khá giả. Thay vì chọn cuộc sống an nhàn, sung sướng của một tiểu thư, bà đã chọn con đường tranh đấu vì độc lập, tự do của dân tộc, dẫu biết đầy gian lao, nguy hiểm, trốn nhà đi làm cách mạng. Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi động của bà trải dài ở nhiều tỉnh thành phương Nam, song chủ yếu tập trung trên địa bàn Sài Gòn - TP.HCM, từ giao liên đến hoạt động tình báo, từ tuyên truyền dân vận đến công tác Hội Phụ nữ...
Bà là người lãnh đạo Hội Phụ nữ Sài Gòn giải phóng, là Giám đốc đầu tiên của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM. Sau đó bà nhận trọng trách Phó chủ tịch UBND TP.HCM phụ trách văn hóa - xã hội trong khoảng thời gian từ 1980 - 1989. Bà cũng là người chủ trương sáng lập tờ báo Phụ nữ Sài Gòn, tiền thân của Báo Phụ nữ TP.HCM. Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cũng ghi danh bà là người góp phần khai sinh cơ quan này. Khi đã về hưu, bà vẫn hăng say, nhiệt tình với các công tác xã hội, từ thiện.
Cuộc đời bà ghi dấu bởi những công việc, hành động "đầu tiên" và tác phẩm Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ đã khắc họa được không chỉ những thành tựu hay niềm vui, mà còn nói đến những mất mát, đau thương của một phụ nữ đi qua chiến tranh với 4 lần bị bắt, 2 lần bị tù đày, tra tấn, nỗi đau đớn của người vợ khi nghe tin chồng hy sinh năm 1968... Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người bạn thân của bà Đỗ Duy Liên, cũng là người viết Lời giới thiệu cho cuốn sách, khẳng định: "Trong sự nghiệp của mình, Duy Liên đã cống hiến gần như toàn bộ thời gian, sức lực và tâm trí cho người dân Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh...".
Cuốn sách tập hợp những hồi ức, bài viết không chỉ của bà Đỗ Duy Liên mà còn của nhiều tác giả khác. Những người con trong gia đình bà Đỗ Duy Liên là Liên Hoan, Thái Hỷ, Duy Hiệp đã dựa vào những lời kể của bà và những thông tin tham khảo từ bạn bè, đồng chí của bà cùng những tư liệu trên báo chí, sách vở để hoàn tất cuốn sách này.
Cuốn sách Hồi ức Đỗ Duy Liên - Cuộc đời của mẹ không chỉ đơn thuần là câu chuyện kể về cuộc đời sôi động của một người phụ nữ miền Nam đã tham dự vào dòng chảy lịch sử của đất nước trong gần trọn một thế kỷ, đi qua những bão táp chiến tranh cũng như dựng xây hòa bình. Hơn thế nữa, qua những dòng tự sự được kể với những cảm xúc chân thành, lắng đọng, độc giả thấy được những vẻ đẹp của tình cảm gia đình, đồng chí, đồng đội, đồng bào, đã biến thành sức mạnh để một phụ nữ "chân yếu tay mềm" làm được những công việc hữu ích cho đất nước nói chung và cho mảnh đất Sài Gòn - TP.HCM nói riêng.
Bình luận (0)