AFP liệt kê cuộc đối đầu của 11 đời Tổng thống Mỹ với Cuba và chủ tịch Fidel Castro, kể từ khi ông Castro lãnh đạo thành công cuộc cách mạng ở Cuba, lật đổ chế độ độc tài Batista năm 1959.
Dwight Eisenhower (đảng Cộng hòa, 1953-1961): Ra lệnh cho Cục tình báo trung ương (CIA) cung cấp vũ khí và huấn luyện những người Cuba lưu vong, chuẩn bị cho cuộc xâm lược vào Vịnh Con Lợn và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba vào tháng 1.1961.
|
John F. Kennedy (đảng Dân chủ, 1961-1963) bật đèn xanh cho cuộc xâm lược Vịnh Con Lợn vào tháng 4.1961; áp đặt các lệnh cấm vận Cuba vào tháng 2.1962 trước khi cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba bùng nổ vào tháng 10.1962. Ông Kennedy bị ám sát vào tháng 11.1963, giữa lúc xúc tiến nối lại quan hệ với Cuba.
Lyndon Johnson (đảng Dân chủ, 1963-1969): Tăng cường lệnh cấm vận Cuba, ngăn chặn Cuba bán nickel cho các nước Liên Xô cũ; phê chuẩn các âm mưu của CIA nhằm ám sát ông Fidel Castro và viện trợ cho những nhóm du kích chống ông Fidel.
Richard Nixon (đảng Cộng hòa, 1969-1974): Tăng cường các hoạt động chống ông Fidel, bao gồm những vụ bắt giữ các ngư dân Cuba, đẩy mạnh cấm vận.
Gerald Ford (đảng Cộng hòa, 1974-1977): Nhậm chức giữa lúc những vụ tấn công nhắm vào các đại sứ quán Cuba ở nước ngoài gia tăng và vụ đánh bom khủng bố máy bay hãng hàng không Cubana (chuyến bay 455) vào ngày 6.10.1976, được cho là do những phần tử lưu vong Cuba được CIA hậu thuẫn tiến hành; lần đầu tiên cho phép các doanh nhân Mỹ đến Cuba và nới lỏng lệnh cấm vận.
Jimmy Carter (đảng Dân chủ, 1977-1981): Tiếp tục nới lỏng lệnh cấm vận Cuba; cho phép những người Cuba lưu vong trở về Mỹ và đợt di tản bằng thuyền từ cảng Mariel đưa người tị nạn Cuba đến Mỹ, mở Phòng quyền lợi Mỹ tại thủ đô Havana và cho phép mở Phòng quyền lợi Cuba tại thủ đô Washington; từng đến thăm Cuba với tư cách cựu tổng thống Mỹ vào năm 2002 và 2011.
|
Ronald Reagan (đảng Cộng hòa, 1981-1989): Tăng cường cấm vận Cuba, khiến mối quan hệ hai nước trở nên tồi tệ hơn; lập ra Tổ chức Quốc gia Cuba - Mỹ là tổ chức chính của những người Cuba lưu vong, cùng đài phát thanh và truyền hình tuyên truyền chống ông Fidel; lần đầu tiên ký một thỏa thuận về nhập cư với Cuba vào năm 1984.
George H. W. Bush (Bush cha, đảng Cộng hòa, 1989-1993): Tăng cường cấm vận Cuba với đạo luật Torricelli; cấm các chi nhánh của doanh nghiệp Mỹ ở nước thứ ba hợp tác kinh doanh với Cuba.
Bill Clinton (đảng Dân chủ, 1993-2001): Thi hành đạo luật Torricelli, tiếp tục tăng cường cấm vận Cuba. Vào năm 1994, 36.000 người Cuba dùng tàu và thuyền vượt biên sang Mỹ. Một thỏa thuận về nhập cư mới được ký với Cuba và ông Clinton hậu thuẫn những nhà hoạt động chính trị chống ông Fidel.
George W. Bush (Bush con, đảng Cộng hòa, 2001-2009): Tăng cường viện trợ tài chính cho những tổ chức người Cuba lưu vong chống ông Fidel, tăng cường cấm vận; ban hành luật cấm người Cuba lưu vong trở về nước và cấm họ chuyển tiền về cho người thân ở Cuba.
Ông Raul Castro, em trai của ông Fidel Castro chính thức nhậm chức Chủ tịch Cuba vào năm 2008.
|
Barack Obama (đảng Dân chủ, 2009 đến nay): Gỡ bỏ lệnh cấm người Cuba lưu vong trở về nước (Cuba) và hủy bỏ lệnh cấm họ gửi tiền về cho người thân ở Cuba, đồng thời tuyên bố sẽ gỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba.
Vào tháng 12.2014, ông Obama và ông Raul Castro tuyên bố bình thường thường hóa quan hệ Mỹ-Cuba. Mỹ và Cuba tái lập quan hệ ngoại giao, mở cửa đại sứ quán tại thủ đô hai nước hồi tháng 7.2015. Ông Obama có chuyến thăm lịch sử đến Cuba vào tháng 3.2016, là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến Cuba kể từ năm 1928, nhưng ông không gặp ông Fidel.
Ông Fidel cũng đã hai lần viết xã luận chỉ trích những tuyên bố của ông Obama về việc bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba.
Ông Fidel từng tiết lộ ông sống sót sau 634 nỗ lực hoặc âm mưu ám sát mình, đa phần do những tổ chức người Cuba lưu vong ở Mỹ và Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) lên kế hoạch. Trong khi đó, cơ quan nghiên cứu an ninh nhà nước Cuba cho hay có 637 âm mưu và 164 lần ám sát hụt ông Fidel trong giai đoạn 1958-2000, bao gồm âm mưu dùng xì gà tẩm thuốc độc và gài thuốc nổ. Cựu chủ tịch Cuba từng nói rằng ông là người nắm giữ kỷ lục thế giới về số lần bị ám sát trong thế kỷ 20, theo Reuters.
“Lực lượng an ninh Mỹ lúc bấy giờ có lẽ tập trung vào việc ám sát ông Fidel hơn là bảo vệ Tổng thống của họ: vào ngày ông Kennedy bị ám sát vào năm 1963, một điệp viên được trao ống thuốc độc ở thủ đô Paris (Pháp) để thực hiện sứ mạng ám sát ông Fidel”, theo tờ The Guardian (Anh).
|
Bình luận (0)