Cuộc đời đâu phải chốn rong chơi

19/07/2023 09:00 GMT+7

Nhân Ngày của cha 18.6 vừa qua, tôi xin chia sẻ về tấm gương sáng và đức hy sinh của một người con gái thôn quê. Đó là em gái tôi, người đã một nắng hai sương tần tảo vừa làm cha vừa làm mẹ, nuôi dạy hai con nên người…

Anh chị em chúng tôi sinh ra ở vùng rừng cọ đồi chè trung du Bắc bộ. Bố mẹ tôi tất cả có 9 người con và cũng chừng ấy tính cách, đến nay đã trưởng thành, có cuộc sống ổn định. Trong số đó người em gái kế tôi có tính cách khá khác biệt và đáng quý: từ nhỏ lành hiền, lớn lên rộng rãi, ít bon chen. Thế nhưng trong cuộc sống em lại gặp rất nhiều thử thách mà nếu không vững vàng sẽ rất dễ buông xuôi. Có thể nói, hình như em sinh ra là để đối mặt với thách thức và chiến thắng, mà cụ thể qua những câu chuyện vụn vặt dưới đây…

Cuộc đời đâu phải chốn rong chơi - Ảnh 1.

Em tôi và cháu nội, hiện ở tại thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ

NVCC

Hai anh em chỉ chênh lệch nhau khoảng hơn một tuổi, quê tôi gọi là đẻ năm một, hoặc ba năm đôi, để nói việc con cái lít nhít. Mẹ tôi cho biết, em tôi lành lắm, chỉ cần đặt ngồi giữa cái nong hay cái chiếu chơi một mình là mẹ thoải mái làm việc khác, trong khi tôi thì lao ngay ra ngoài mà hậu quả đến nay vẫn còn cái sẹo trên trán. Và cũng nhờ có trí nhớ khá tốt, tôi vẫn có thể kể lại được tương đối chính xác từng chi tiết nhỏ những câu chuyện ở thời điểm cách đây mấy chục năm mà tôi là người trong cuộc.

Chuyện đầu tiên, lúc 4, 5 tuổi gì đó, có lần ra sân cào đống cát, không hiểu cào thế nào sứt cả móng tay, nhưng em không khóc hay nói gì. Khi thấy đầu ngón tay chảy máu, mẹ hỏi sao lúc đó không nói, em trả lời tỉnh queo: nói ra sợ không cho chơi cùng. Một lần bị đánh, về cũng chẳng mách ai, mẹ thấy xây xát trên đầu hỏi sao đánh em, tôi cũng hồn nhiên trả lời: tại làm hỏng đống cát. Và nữa, là đến bữa cơm chúng tôi thường được chia mỗi đứa một con cá, trong khi em ăn hết bát cơm mà chưa hết con cá, ngược lại tôi ăn hết con cá mà chưa hết bát cơm, để rồi sau đó tôi đã "cướp" con cá trên bát của em, nhưng em vẫn lặng thinh không nói không rằng cũng chẳng khóc lóc phân bua với người lớn…

Chuyện khác, là sau khi hết chương trình phổ thông, em tiếp tục theo học nghề trồng người, một nghề rất cao quý nhưng cũng đầy gian nan vất vả, nhất là quá trình học không hề dễ dàng đối một người đang ở độ tuổi ăn tuổi lớn. Để diễn tả những gì khó khăn, tôi chỉ có thể nói đây là giai đoạn "ăn đói mặc rách", đúng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng lúc bấy giờ. Song với lòng yêu nghề, em đã chịu đựng và vượt qua tất cả. Sau khi học xong, em được phân công dạy ở một trường vùng sâu vùng xa. Nơi đây phần lớn là dân tộc Mường, kinh tế chưa phát triển, trình độ dân trí chưa cao, quan niệm về học hành còn hạn chế, cha mẹ học sinh chủ yếu lo cái ăn cái mặc. Cơ sở vật chất trường lớp cũng đơn giản, nhiều học sinh cá tính, tiếp thu kiến thức chậm, các em đi học muộn nên tuổi tác chênh lệch nhau nhiều dẫn đến tâm sinh lý cũng rất khác biệt. Em tôi kể rằng, có em cao lớn dám bắt nạt cả cô giáo, có em rất ngoan, song vài buổi lại nghỉ do nhà xa, có em rất thích học nhưng nhà quá khó khăn phải nghỉ, cô phải đến tận nhà vận động đi học... và rất nhiều lý do khác khiến phải động não để tìm ra cách xử lý công việc hiệu quả nhất, mà nếu thiếu lương tâm của một nhà giáo chân chính thì không bao giờ làm được.

Đây quả là một thách thức không nhỏ với một cô gái mới 21 tuổi, chân ướt chân ráo bước vào nghề, chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống lẫn nghề nghiệp. Song nhờ có bản lĩnh và lòng yêu nghề, em đã vượt qua tất cả, kết quả giảng dạy luôn đạt danh hiệu giáo viên giỏi ngay từ những năm đầu tiên, được biểu dương khen thưởng, báo cáo điển hình...

Do bối cảnh công việc, ở tuổi "băm" em mới xây dựng gia đình, rồi lần lượt hai cháu trai rất kháu khỉnh ra đời trong niềm vui của một cô giáo, đây là những ngày tháng gia đình tràn đầy hạnh phúc. Nhưng cũng từ đây, một biến cố và mất mát rất lớn ập đến. Năm 1998, người chồng thân yêu vĩnh viễn ra đi, sau khi qua hết bệnh viện này bệnh viện khác từ Việt Trì cho đến Hà Nội, chỉ vì không xác định được vết thương ở đâu để đưa ra phương án điều trị hữu hiệu nhất. Ở thời điểm đó tiền bạc, xe cộ thông tin liên lạc… hết sức khó khăn thiếu thốn, ngay cả tôi ở TP.HCM cũng chỉ biết sau khi mọi việc đã xong xuôi, nên cũng chẳng giúp được gì.

Sau khi chồng mất, một mẹ với đồng lương giáo viên, để nuôi được hai con: đứa 2 tuổi, đứa gần 4 tuổi là vấn đề không nhỏ. Sau đó, nhờ được lãnh đạo các ngành các cấp quan tâm tạo điều kiện, em chuyển công tác về nơi thuận lợi hơn. Nhưng cũng chưa yên, khi đứa thứ hai vào học lớp 5 thì phát hiện trên đầu cháu có một cái u, thế là người mẹ lại bỏ cả công ăn việc làm chạy ngược chạy xuôi nay Việt Trì, mai Hà Nội để thăm khám cho con, cuối cùng may mắn u lành.

Rồi cách đây khoảng hơn 3 năm, cháu nội do sinh thiếu tháng, nên mắt có vấn đề, bác sĩ cho biết cháu cần được điều trị tích cực (có mũi tiêm cả triệu đồng), nếu không sẽ mù vĩnh viễn. Và lần này, với vai trò là bà nội, em cũng không quản ngược xuôi, vẫn Việt Trì - Hà Nội quen thuộc như ngày nào, để rồi hạnh phúc vỡ òa khi cứu được đôi mắt của cháu.

Trên đây chỉ là một phần những gì mà tôi biết, chắc chắn sẽ còn nhiều hơn, song với khoảng cách gần 2.000 cây số, tôi không thể nào biết hết được, vì em cũng ngại kể về những hy sinh chịu đựng và nhất là viết bài về em. Với phận sự là anh, tôi muốn từ nay về sau cuộc đời em phải là những nốt thăng đẹp đẽ nhất, bởi em tôi rất xứng đáng được hưởng, còn những nốt trầm và sự chịu đựng như vậy là quá đủ rồi, đừng thử thách thêm nữa. Chồng mất, ở vậy, thờ chồng, nuôi con, không đi bước nữa, một mình đóng hai vai, trong khi không phải không có người đặt vấn đề... là cả một quyết định hiếm có. Phật giáo có câu: đời là bể khổ, thì đúng là em tôi đã bơi qua biển lớn rất sâu rất rộng, đầy bão tố mưa giông mà không phải người phụ nữ nào cũng qua được, và đến bây giờ có thể nói em đã hoàn thành sự nghiệp trồng người, và chính em là người đã chiến thắng.

Cũng cần nói thêm là với đồng lương lương giáo viên, một mình nuôi hai con hoàn thành chương trình đại học để bước vào đời là cả vấn đề lớn, hay đúng hơn là những ngày phải cật lực gồng mình lo toan. Để trang trải thêm cho cuộc sống, em cũng mở lớp dạy thêm, nhờ có tâm và uy tín, nên dù đã nghỉ hưu nhưng công việc rất thuận lợi, đến nay phụ huynh vẫn tin tưởng gửi gắm con em tới theo học.

Để kết thúc bài viết này, xin đưa ra nhận định mang tính chất cá nhân: cuộc đời không phải chốn rong chơi, cuộc sống là không dễ dàng mà luôn phải đối mặt với cam go, thử thách, áp lực. Thực tế cho thấy không phải chặng đường nào cũng đầy nhung lụa hay toàn chông gai, quan trọng là con người phải có bản lĩnh vững vàng, không lùi bước nản lòng trước khó khăn. Trường hợp em tôi là một điển hình của sự chèo chống con thuyền vượt qua bể khổ một cách ngoạn mục và cũng là bài học rất quý giá cho tất cả mọi người, nhất là với những ai có hoàn cảnh tương tự.

Cuộc đời đâu phải chốn rong chơi - Ảnh 2.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.