Cuộc đời ly kỳ của người 30 năm giả làm hoàng thân Ả Rập Xê Út

13/11/2018 14:30 GMT+7

Đứa trẻ bị bỏ rơi ở Colombia “lột xác” trở thành vị “hoàng thân Ả Rập” nổi tiếng ở Mỹ để lừa đảo giới đầu tư.

Luôn giới thiệu với mọi người rằng mình là Khalid bin al-Saud thuộc hoàng tộc al-Saud nổi tiếng xứ Ả Rập Xê Út, Anthony Enrique Gignac đã lợi dụng thân phận giả để lừa đảo và sống cuộc đời vương giả, trụy lạc trong hơn 30 năm.
Theo tạp chí Vanity Fair, thân phận thật của Gignac bị bóc trần sau khi bị bắt tại sân bay John F. Kennedy ở Mỹ vào tháng 11.2017. Khi đó, nhiều người mới vỡ lở ra rằng vị “hoàng thân” mà họ quen biết bao lâu nay thật ra là một đứa trẻ mồ côi Colombia, được một cặp vợ chồng Mỹ nhận nuôi và đưa đến bang Michigan khi Gignac mới 6 tuổi.
Theo giới công tố Mỹ, Gignac được xem như “trùm lừa đảo với nhiều thủ đoạn chưa ai nghĩ đến”. Có nhiều lúc, vị “hoàng thân” này di chuyển trên những đoàn xe Rolls-Royce và Ferrari sang trọng với người giúp việc nhà và cận vệ. Hắn còn thuê cả nhân viên phụ trách kinh doanh, tiếp thị đầu tư để qua mặt nhiều nạn nhân lớn.
Đứa trẻ bị bỏ rơi
Sinh ra tại thủ đô Bogota của Colombia, Gignac là một trong số 13.000 đứa trẻ bị bỏ rơi. Nhiều em sống cuộc đời lang thang, vướng vào nghiện ngập và buôn ma túy. Theo luật sư Karen Davis Roberts của Gignac, nhiều trẻ em khi đó không bị giết bởi các băng nhóm buôn ma túy thì cũng bị “coi như chuột bọ”.
Chưa đến 5 tuổi, Gignac – khi đó có tên là Tony – đã ra đường kiếm ăn và trộm cắp để sống sót bằng mọi giá. Đến năm 1977, Tony được hai vợ chồng Mỹ là Jim Gignac và Nancy Fitzgerald nhận nuôi nhờ sự sắp xếp của một trại mồ côi ở Bogota và đặt tên là Anthony Gignac.
Cậu bé được đổi đời khi đó học rất nhanh và nói tiếng Anh không kém bạn bè khi chỉ mới học lớp 2. Một số người trong cuộc cho biết Gignac vẫn bị ám ảnh bởi cuộc sống lúc trước và muốn “trở thành người quan trọng”, dẫn đến việc nói dối ngày càng “tiến bộ”.
Ngay từ đầu, Gignac đã huênh hoang rằng mẹ mình giàu đến mức sở hữu cả khách sạn Grand trên đảo Mackinac. Theo luật sư Roberts, Gignac cố thuyết phục mọi người rằng hắn có tiền và quyền lực.
Mọi việc càng tệ hại hơn sau khi cha mẹ nuôi ly hôn và Gignac bị suy sụp tinh thần phải điều trị tại bệnh viện trước khi bỏ trốn vào năm 17 tuổi. Gignac quyết tâm không quay lại cuộc sống lang thang trên đường và bắt đầu một thân phận giả.
“Hoàng thân” quyền lực
Khi đó, Gignac đến gặp một gia đình Ả Rập ở Michigan và tự nhận rằng mình là hoàng thân, đồng thời đe dọa rằng hoàng gia sẽ điều mật vụ đến nếu họ không chăm sóc hắn.
Trong thời gian ở cùng gia đình này, Gignac có lần đến Los Angeles và bị lóa mắt bởi sự xa hoa và hào nhoáng. Tại đây, hắn bị kết án lần đầu khi dùng thẻ tín dụng giả với tên Omar Khashoggi nhằm lừa một công ty số tiền 8.650 USD.
Thời gian sau đó, Gignac tiếp tục ba hoa về việc thường xuyên tiếp xúc với một số thành viên hoàng gia Ả Rập Xê Út và thậm chí quan hệ đồng giới với họ trong những lần gặp gỡ bí mật.
Hình ảnh Gignac trong hồ sơ cảnh sát Ảnh chụp màn hình NZ Herald
Đại diện ngoại giao của chính quyền Riyadh vào năm 2003 đã bác bỏ các cáo buộc này. Tuy nhiên, người quen tin lời hắn và cho rằng có những người bí mật chi tiền để Gignac giữ im lặng.
Năm 21 tuổi, Gignac tự nhận mình là hoàng thân Khalid bin al-Saud và tiếp tục chuỗi lừa đảo từ các công ty vận tải cho đến khách sạn, nhà hàng và cửa hiệu ở nhiều thành phố ở California và cả Hawaii. Nhiều vụ bị phát hiện khiến Gignac phải vào tù nhưng chỉ trong thời gian ngắn.
Vào năm 1993, Gignac còn lừa được cả văn phòng American Express cấp thẻ tín dụng Platinum với thanh khoản lên đến 200 triệu USD trước khi bị phát hiện.
Phi vụ gần đây nhất giúp hắn cuỗm hơn 8 triệu USD (186,4 tỉ đồng) từ 26 nhà đầu tư quốc tế với “chiêu” bán cổ phiếu của Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Ả Rập Xê Út (Aramco).
“Người Hồi giáo” ăn thịt heo
Vị “hoàng thân” giả này còn âm mưu lừa tỉ phú Mỹ Jeffrey Soffer, chồng cũ của cựu người mẫu Elle Macpherson, trong vụ đầu tư vào khách sạn Fontainebleau ở Miami Beach với giá 440 triệu USD.
Theo tờ Miami Herald, Soffer đang thảo luận với “hoàng thân Khalid” nhằm bán 30% cổ phần trong khách sạn này nhưng không biết đây là âm mưu nhằm lừa đảo món quà trị giá 50.000 USD.
Gignac khi đó ở tại khách sạn và đi xe đắt tiền mang biển số ngoại giao đi lại suốt vài tháng. Điều tra sau đó mới phát hiện hắn mua biển số trên mạng. Chuyên gia lừa đảo này còn đưa ông Soffer đi trên “chuyên cơ riêng” vào tháng 8 để đàm phán.
Trong chuyến đi, ông Soffer còn tặng vòng tay Cartier trị giá hàng chục ngàn USD theo gợi ý của người đại diện cho Gignac. Tuy nhiên, Soffer thông báo cho FBI sau khi phát hiện Gignac ăn thịt heo trong bữa tiệc, trong khi đây là món cấm kị của người Hồi giáo. Gignac sau đó bị bắt vào tháng 11 năm ngoái khi đi từ London tới New York bằng hộ chiếu giả.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.