Phùng Thanh Liêm, 34 tuổi, trú ở xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông chưa thể quên một ngày cuối năm 2014, khi Liêm mua về 5 lít xăng để dành trong bếp, cho máy phát cỏ chạy dần. Không may, can xăng bị đổ, lửa từ bếp bén sang, ngọn lửa bùng phát dữ dội, vợ Liêm kêu cứu. Liêm nhảy vào biển lửa cứu vợ, vợ anh thoát nạn, còn anh thì bỏng nặng toàn thân, người co quắp, người ta gọi anh là “Liêm lật đật”. Liêm từng bảo, “tôi muốn chết đi, nhưng mình không thể tự ngồi dậy và đi, để tìm đến cái chết”.
May mắn đến với Liêm khi đoàn bác sĩ của Hội thầy thuốc trẻ TP.HCM đến Đắk Nông khám chữa bệnh từ thiện, vợ Liêm chạy đến tìm các bác sĩ kêu cứu, nhờ đến tận nhà mình khám cho Liêm. Trong đoàn có lãnh đạo Bệnh viện Q.2, TP.HCM, mọi người thảo luận và nhanh chóng chốt phương án đưa Liêm về Bệnh viện Q.2 chữa trị.
Tiến sĩ, Bác sĩ Phan Minh Hoàng,Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Q.2 chưa thể quên nam bệnh nhân co rút tứ chi, kiệt quệ cả sức khỏe và tinh thần ngày mới nhập viện.
“Liêm nằm viện đúng 1 năm 8 tháng để thực hiện 7 cuộc phẫu thuật tất cả. Liêm nhập viện thì cả vợ cũng phải đi theo để chăm sóc, lo cơm nước cho anh. Chúng tôi đã kêu gọi được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ Liêm, do đó, kinh phí điều trị và ăn ở cho hai vợ chồng đều do các mạnh thường quân lo”, bác Phan Minh Hoàng nhớ lại.
tin liên quan
Hai bác sĩ 'hot boy' vì cộng đồngHọ có một đặc điểm chung là luôn biết cách tận dụng thế mạnh công
nghệ thông tin để giúp được thật nhiều bệnh nhân, đặc biệt bệnh nhân
nghèo.
Bác sĩ Hoàng cũng chia sẻ thêm, trong suốt 20 tháng nằm viện, không ít lần Liêm đòi bỏ về, bỏ dở phác đồ điều trị giữa chừng vì bất mãn, không còn niềm tin ở cuộc sống.
Bác sĩ Hoàng chỉ biết khuyên răn, cho anh thêm niềm tin. Một lần, thấy Liêm không hợp tác mà nhất quyết muốn về Đắk Nông, bác sĩ Hoàng gọi anh lại và từ tốn: “Nếu được, Liêm hãy viết cho anh một tờ giấy cam kết, là Liêm sẽ về quê và chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc làm của mình. Liêm không muốn được chữa khỏi bệnh thì anh và các bác sĩ có cố gắng như thế nào cũng đành chịu”.
Liêm bần thần. Liêm lặng im. Một lát sau, Liêm rưng rưng nói với bác sĩ Hoàng: “Xin bác sĩ hãy cứu em”.
Tháng 11.2016, Liêm xuất viện, khi các cuộc phẫu thuật lớn nhỏ đã thành công. Liêm đã đứng được, đi lại bình thường. Từ một người lật đật ngồi không vững, Liêm đã đứng thẳng, chạy nhảy, còn có thể đạp xe đưa con đến trường.
Ngày Liêm xuất viện, bác sĩ Phan Minh Hoàng đưa cho vợ chồng anh một cuốn sổ tiết kiệm hơn 50 triệu đồng, quà của các mạnh thường quân ủng hộ 2 vợ chồng lấy vốn làm ăn. Liêm và vợ cầm tay bác sĩ Hoàng, họ đều khóc.
Niềm vui bên những gốc tiêu
Hiện tại, Phùng Thanh Liêm đang cùng vợ là Đỗ Thị Thuý Vân chăm sóc vườn hồ tiêu ở quê nhà Đắk Nông. Vợ chồng anh chăn nuôi thêm gà vịt, đi làm thuê cho nhiều nhà vườn trong vùng.
“Chúng tôi tưới hồ tiêu, tưới cà phê, thu hoạch nông sản cho bà con. Làm ngày nào lấy tiền ngày đó. Có ngày vợ chồng chúng tôi kiếm được 300.000 đồng, đây là điều trong mơ mà 3 năm trước tôi không bao giờ dám nghĩ tới”, Liêm hào hứng khoe.
|
Liêm có hai người con, con trai 5 tuổi, con gái 8 tuổi, cả hai đều quá nhỏ để hiểu những nỗi đau mà bố đã trải qua. Song Liêm nói, một lúc nào đó, anh sẽ kể cho các con nghe về quá trình bố đã vươn lên, từ một người tưởng như tàn phế đến một người có thể tự lao động, nuôi nấng, dạy dỗ các con.
Liêm chia sẻ với chúng tôi: “Bác sĩ Hoàng vừa là một người anh, vừa là một người cha của tôi, anh đã cho tôi một cuộc đời thứ 2. Tôi không biết nói ra sao để cảm ơn anh nữa”.
Liêm kể một câu chuyện xúc động, năm 2016, trong một lần bác sĩ Hoàng tới Đắk Nông khám chữa bệnh từ thiện cho bà con mà không báo trước cho Liêm, Liêm hay tin, chở đầy một bao tải gồm gà vịt, trái cây tới chỗ bác sĩ làm việc. Thế nhưng, bác sĩ Hoàng đã lên xe về TP.HCM, Liêm cứ thế đạp xe, đuổi theo chiếc ô tô bệnh viện mà không kịp. Mồ hôi với nước mắt cứ rơi lã chã...
Bình luận (0)