Cái tên Kim Chung được cô Năm Sa Đéc “bật mí” trong sách: “Do cha mẹ tôi thích hát bội nên khi sanh tôi ra, đặt cho tôi tên Kim Chung là để nhắc nhở đến tên tuổi một cô đào hát bội nổi danh ở Mỹ Tho là cô Năm Chung. Mới sáu, bảy tuổi, tôi đã mê coi hát bội. Anh Tư tôi, vì quá thương em, với lại ảnh cũng mê coi hát, nên đêm nào cũng cõng tôi đi coi hát “đáo lệ” ở đình làng. Đến khi ba tôi lập gánh, tôi năn nỉ ba má cho học hát... để làm đào. Má tôi có lẽ bị ảnh hưởng nặng nề cái câu “con theo hát bội, mẹ liều con hư” nên bà phản đối quyết liệt. Riêng ba tôi, chắc có “tâm hồn nghệ sĩ” nên ông nói nhẹ nhàng hơn “để tao tính coi...”.
Nghệ sĩ tiền phong
|
Tác giả tập sách cho biết: “Từ khi bước vào nghiệp cầm ca, những năm dài trên sân khấu hát bội, cô Năm có nghệ danh là Năm Nhỏ. Vì “đụng hàng” với một cô đào hát bội khác nổi tiếng thuộc lớp đàn chị là cô Năm Nhỏ (tên thật Huỳnh Thị Tân, sanh năm 1895 tại Cần Thơ), ngôi sao sáng trên sân khấu hát bội của Cô Ba Ngoạn thời bấy giờ, nên cô Năm chọn nghệ danh mới là Năm Sa Đéc, gắn liền với quê hương”.
Từ gánh Trần Đắt đến Phụng Hảo, đoàn nào có mặt cô Bảy Phùng Há thì không thể vắng cô Năm Sa Đéc. Tác giả Thiện Mộc Lan khẳng định: “Cô Bảy Phùng Há đã khéo chọn lựa người để tạo thế mạnh về lực lượng đào kép biết ca cũng như biết diễn. Cô Bảy đặt trọn niềm tin ở cô Năm Sa Đéc”.
Mối tình với cụ Vương Hồng Sển
Cuộc tình với “kép đẹp” Hai Thành nhưng duyên nợ không thành, năm 1937, cô Năm quen với Đốc phủ sứ Đặng Ngọc Chấn ở Sài Gòn và có với nhau một người con trai Nguyễn Ngọc Đặng. Nhờ hưởng gien mẹ, ông Đặng cũng đóng nhiều phim như: Hòn Đất, Bầu trời cho chim câu, Ngỡ ngàng, Giai điệu xanh, Nhiệm vụ hoa hồng, Ván bài lật ngửa, Đằng sau một số phận, Người đẹp Tây Đô, Ngọn nến hoàng cung...
|
Cô Năm còn có thêm cuộc tình với học giả nổi tiếng là Vương Hồng Sển. Đó là năm 1947, khi ông ôm mối hờn riêng, bỏ Sóc Trăng lên Sài Gòn, trong bụng nuôi mộng trả thù, nhưng thù chưa trả được thì “đụng” cô Năm Sa Đéc. Người bị mất vợ, người bị chồng bỏ, hai trái tim đang tan vỡ lắp ghép vào nhau. Ông Sển kể: “Năm ở một chòi lá, mướn mỗi tháng 3 đồng; tôi thì không nhà lại thêm tánh quân tử Tàu, nên cũng chẳng có gì... Rồi Năm sanh một trai, cha già con muộn, tôi mừng quá. Hai nỗi khổ gặp nhau. Tôi làm khai sanh và giao kết với nhau: còn thương thì ở, hết thương thì đường ai nấy đi, không có gì bận bịu, cũng không nhắc đến việc gì khác ngoài cái nghĩa tào khang. Tháng 6.1948, có bố ráp tại xóm Cù Lao, lính Tây bắt cả xóm ra ngồi ngoài sân, trong lòng sợ có người lấy mất chiếc xe đạp Peugeot của bác sĩ Sang cho mượn làm chân. Cũng may, lính Tây cho lãnh xe lại, không lấy. Vậy là tiền hung hậu kiết, bởi nhờ nạn bố ráp này, mình xin được Sở Canh nông cho phép cất một căn nhà lá tạm, ở đến năm 1953 mới dọn đi. Nơi đây là hạnh phúc nhứt trong đời tôi. Vừa còn trẻ, thêm sanh đứa con trai duy nhứt, đặt tên là Vương Hồng Bảo”.
Sống với nhau hơn 40 năm tình nồng đượm nên khi sắp tiễn biệt vợ, cụ Vương Hồng Sển khóc: “Năm ơi! Năm cũng nên xét lại mà bỏ qua những lỗi lầm của anh, để trong giờ phút sắp tiễn biệt em, đôi ta kẻ âm người dương gian, xin em tha thứ để anh vơi bớt nỗi khổ tâm”. Và ông còn dành cho hiền thê hai câu thơ đứt ruột: “Trăm năm dầu lỗi hẹn hò/Chén cơm Bà Chiểu, con đò Sốc, Sa”.
Cô Năm Sa Đéc không giống các nghệ sĩ tài danh khác. Cô không có giọng ca “mùi” nhưng tên tuổi luôn sáng chói trên danh vị một nghệ sĩ tiền phong của sân khấu hát bội, cải lương. Qua tài diễn xuất điêu luyện của cô, người đời vinh danh cô là một kiện tướng của nghệ thuật trình diễn, không nhờ thanh sắc mà chỉ trông cậy ở nghệ thuật diễn xuất. Qua tác phẩm này, chúng tôi cố gắng “chuyển tải” trọn vẹn cuộc đời nghệ thuật của cô Năm Sa Đéc từ hát bội đến cải lương, sang thoại kịch, rồi điện ảnh. Cho đến phút cuối đời, cô Năm vẫn còn xuất hiện trước ống kính qua cuốn phim Phù sa, quay cuối năm 1987. Lần đó, đóng phim xong ở Đồng Tháp, cô Năm về Sài Gòn rồi ngã bệnh đột ngột và vĩnh viễn ra đi... (Thiện Mộc Lan)
|
Bình luận (0)