Vào nghề đã hơn 10 năm, tác nghiệp trong nhiều đợt mưa lũ ở miền Trung để rồi giữ lại cho mình không ít những kỷ niệm nhưng câu chuyện về cụ Phạm Học (75 tuổi, ở thôn Vĩnh Thành, xã Cát Tài, H.Phù Cát, Bình Định) là một ấn tượng rất đặc biệt.
Một chiều cuối tháng 12.2016, Báo Thanh Niên có đợt trao tiền hỗ trợ cho các gia đình có người chết do mưa lũ ở tỉnh Bình Định. Khi đến xã Cát Tài, hỏi nhà bà Phạm Thị Hoa (44 tuổi) bị chết do mưa lũ, người dân địa phương nói: Cứ đi đến thôn Vĩnh Thành, nhìn ngôi nhà nào cũ nhất, nhỏ nhất ven tỉnh lộ 633 thì đó là nhà ông Học, cha bà Hoa.
Không khó để tìm ra ngôi nhà nhỏ, thấp lè tè của ông Học. Từ cánh cửa, cột nhà cho đến cây kèo bằng gỗ đều mục nát gần hết, sẵn sàng đổ ập xuống bất kỳ lúc nào. Trong gian nhà ẩm thấp, tối mịt, ông Học và đứa cháu ngoại là Nguyễn Thị Hồng Mai (9 tuổi, con bà Hoa), học lớp 4 Trường Tiểu học Cát Tài, đang ngồi thẩn thờ trước bàn thờ bà Hoa mà nước mắt chảy dài.
Ông Học kể, khoảng 8 năm trước, sau khi li hôn, bà Hoa bồng cháu Mai về sống với cha mẹ. Gia đình làm ruộng nên cuộc sống luôn khó khăn. Bà Hoa là lao động chính trong gia đình để nuôi cha mẹ già và con gái. Năm 2015, mẹ bà Hoa qua đời. Tối 1.12.2016, khi nước lũ đang lên, bà Hoa đi câu ếch kiếm thêm tiền thì bị lũ cuốn trôi. Ông Học có người con trai ở gần đó nhưng cuộc sống cũng rất khó khăn, phải đi làm rẫy ở tận tỉnh Lâm Đồng.
|
Gia đình ông Học có 8.000 m2 ruộng nhưng cũng vừa bị mưa lũ cuốn trôi giống đến 2 lần. Ông Học lo tuổi già sức yếu, không đủ sức làm ruộng để nuôi cháu Mai ăn học nên người. Cuộc sống của 2 ông cháu sẽ rất khó khăn, thiếu thốn.
Hoàn cảnh của ông Học và cháu Mai được tôi chia sẻ với các thành viên nhóm thiện nguyện Cầu Vồng (ở TP.Quy Nhơn, Bình Định). Gần tết, nhóm thiện nguyện Cầu Vồng đã quyên góp được một số tiền kha khá và nhiều quần áo, sách vở để hỗ trợ cho ông Học và cháu Mai.
Rồi khi đến nhà ông Học, bày tỏ nhã ý hỗ trợ cho cháu Mai một sổ tiết kiệm để có tiền trang trải việc học hành, các thành viên nhóm thiện nguyện Cầu Vồng phải một phen ngạc nhiên về cách hành xử của ông Học.
Sau khi bày tỏ sự xúc động, cảm ơn về nhã ý của nhóm, ông Học xin từ chối, kiên quyết không nhận sổ tiết kiệm và nói: “Gia đình tôi khó khăn nhưng còn có người lao động được, đủ để xoay xở nuôi bé Mai ăn học. Nhiều gia đình bị thiệt hại do mưa lũ cần sự giúp đỡ hơn gia đình chúng tôi”.
Sau đó, nhóm thiện nguyện Cầu Vồng tiếp tục dùng số tiền dự định hỗ trợ gia đình ông Học để hỗ trợ nhiều gia đình vùng lũ, trao quà tết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Ở vùng quê làm nông nghèo khó, kiếm được vài chục ngàn mỗi ngày đã mừng nhưng ông Học lại từ chối nhận số tiền hỗ trợ hàng chục triệu đồng để nhường lại cho người khó khăn hơn. Tại sao những người quyền cao chức trọng, mâm cao cổ đầy lại dính vào những đại án tham nhũng hàng ngàn tỉ đồng?
Tôi đem chuyện ông Học kể với đại diện một doanh nghiệp ở TP.HCM khi cùng đi trao quà tết cho đồng bào vùng lũ Bình Định. Ông ta kể chính bản thân mình khi đến TP.Quy Nhơn để in băng rôn trao tiền hỗ trợ đồng bào vùng lũ, chủ cơ sở in không nhận tiền công và nói: “Các ông đem hàng trăm triệu đồng đến hỗ trợ cho bà con của tôi bị thiệt hại do mưa lũ, tôi muốn giúp các ông còn chưa đủ chứ sao lấy tiền của các ông cho được”.
Rồi những người đi trong đoàn cũng lần lược kể lại những câu chuyện về người dân vùng không ngập lũ nấu cơm, bơi thúng chai chuyển vào cho người dân vùng ngập lũ, một cụ già đem tiền dành dụm của mình nhờ cơ quan báo chí chuyển đến người cần hỗ trợ, các nhóm thanh niên tự quyên góp tiền để hỗ trợ gia đình có hoàn cảnh khó khăn…
Một người trong đoàn bỗng dưng cất lên giai điệu bài hát “Cuộc đời vẫn đẹp sao” của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rồi những người khác cũng hát theo. Chuyến xe giáp Tết về vùng lũ càng thêm rộn ràng. Ừ, cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao!
Bình luận (0)