‘Cuộc đời xa khuất’ - Một cuộc hội thảo phi thường

10/04/2021 11:00 GMT+7

Trong cuốn tiểu thuyết lịch sử vừa mới trình làng của mình - Cuộc đời xa khuất (NXB Hội Nhà văn, 2021), nhà văn Lê Hoài Nam đã “tổ chức” được một cuộc "hội thảo" phi thường.

Cuộc hội thảo trong Cuộc đời xa khuất của Lê Hoài Nam không chỉ “tập hợp” các nhà khoa học, nhà văn, nhà báo đương đại, mà còn “mời” được vua Tự Đức và triều thần về “dự” để cùng thẳng thắn, trung thực đàm đạo việc xưa, soi chiếu với việc nay, qua một văn phong mạnh mẽ và hấp dẫn.
Với thủ pháp nghệ thuật huyền ảo hậu hiện đại, ngòi bút Lê Hoài Nam tỏ ra rất điêu luyện trong việc khơi nên những câu chuyện thực - hư xung quanh nhân vật chính là vua Tự Đức để cho chính nhà vua được giãi bày trước hết, sau đó là những nhân vật trong triều thần được cất lên tiếng nói cho mình, để hậu thế cũng được cất lên tiếng nói phản biện, cùng những câu hỏi đau đáu cả trăm năm về chính sự, nhân tình và hình mẫu lý tưởng của văn hóa, đạo đức, nhân cách Việt.
Đó còn là một “hội thảo” kéo dài tới 5 đêm. Trong mỗi đêm, vấn đề khác nhau được đặt ra và được thảo luận một cách tường minh nhất. Tuy rằng, cách “giải trình” của nhà vua và quần thần, hoặc các học giả đương đại không phải lúc nào cũng thực sự thuyết phục với những căn cứ khoa học nhất, nhưng bằng năng lực suy tưởng, sự táo bạo và dám đi đến tận cùng sự việc, ngòi bút Lê Hoài Nam phần nào dâng tặng được cho bạn đọc những câu chuyện và lý giải chân thành về cuộc đời và ảnh hưởng của vua Tự Đức trong lịch sử Việt Nam.
Không chỉ sáng tạo ra một bối cảnh lạ cho người đương đại hội ngộ tiền nhân để thẳng thắn đàm đạo, đưa ra những vấn đề cốt yếu của lịch sử, để soi rọi vào vấn đề phát triển đất nước hôm nay và tương lai, nhà văn Lê Hoài Nam trong tiểu thuyết  Cuộc đời xa khuất đã dũng cảm trong cách nhìn nhận, đánh giá về nhân vật lịch sử khi ông để vua Tự Đức bộc bạch: “Tôi là người để mất nước nên hơn một trăm năm nay thân xác vùi dưới huyệt mộ ở Khiêm Lăng nhưng tinh thần tôi không chết. Các bậc tiên đế minh quân và các anh hùng dân tộc bắt tôi và triều thần của tôi phải sống. Sống để suy ngẫm và sám hối".
Có lẽ cũng vì muốn hướng tới các độc giả trẻ, mong mỏi họ quan tâm hơn đến lịch sử Việt Nam, nên trong tiểu thuyết Cuộc đời xa khuất, Lê Hoài Nam không câu nệ đến việc cần để nhân vật thời xưa sử dụng ngôn ngữ cổ, các khái niệm cổ, mà ông mạnh bạo để cho nhân vật sử dụng ngôn ngữ đương đại. Ông có vẻ khá tự tin vào sự giàu có tường minh của ngôn ngữ hiện đại khi dùng cách đó để cho các nhân vật sống cách chúng ta hàng thế kỷ miêu tả những sự việc, lối tư duy của họ. Bên cạnh những vấn đề quốc gia đại sự như sự an nguy của đất nước, sự phát triển của giống nòi, phong thái riêng của dân tộc, thì trong tiểu thuyết này, Lê Hoài Nam cũng đưa ra những câu chuyện, chi tiết riêng đặc sắc khá thu hút độc giả. Đơn cử chuyện thú vị về vua Minh Mạng: “Ông nội Minh Mạng của tôi trong thời kỳ trị vì cũng làm được nhiều việc ích nước lợi nhà, nhưng cụ tuyển quá nhiều vợ và cung tần, không đếm xuể, ước chừng khoảng trên dưới 500 bà, đẻ 142 con. Lịch sử vua chúa nước Nam chưa có ông vua nào nhiều vợ lắm con như ông nội tôi”. Câu chuyện về vua Minh Mạng được mổ xẻ kiểu như thế, thực ra chỉ là sóng mang thông điệp, rằng sứ mệnh của nhà vua một đất nước, là “Công việc lớn nhất mà nhà vua phải làm là giữ vững chủ quyền lãnh thổ… Hầu như vị minh quân lúc nào cũng chăm lo chính sự, đau đáu với vận mệnh của đất nước, non sông, giống nòi”.
Tác giả cũng không ngại ngần nhìn nhận sự tàn bạo của kẻ thắng trong các cuộc nồi da nấu thịt. Tình huống Nguyễn Ánh xử nhà Tây Sơn được miêu tả chi li từng cách hành hình với từng người khiến người đọc ám ảnh. Hay hình dung ngược ngạo bạo dâm của Nguyễn Ánh đối với công chúa Ngọc Bình trước khi gặp và hiểu nàng cũng thật rùng mình: “Nếu nàng làm ta sung sướng, ta sẽ để nàng sống với ta. Trái lại, nếu nàng làm ta chán ngắt thì những cốc rượu này sẽ kích thích ta tăng thêm sức mạnh giết chết nàng! Không phải dùng gươm đao. Cũng chẳng cần bóp cổ. Ta sẽ giết nàng bằng một cuộc giao phối đầy thú tính”.
Sự giải nghĩa đi đến tận cùng của mọi mặt trong cuộc đời của một ông vua làm mất nước không chỉ dừng lại ở những khao khát cao thượng, hay sự bất lực của con người trước diễn tiến thời cuộc, mà còn vạch tới ngõ sâu tăm tối của từng phận người trong tao loạn, dù là vĩ nhân hay kẻ tầm thường, như thế đó. Từng đoạn, từng chương trong Cuộc đời xa khuất như mạch nguồn chữ thật mạnh mẽ của Lê Hoài Nam, đã biến một cuộc đời xa khuất hàng trăm năm trở lại sống động và hấp dẫn với chúng ta hôm nay.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.