Một sĩ quan Ukraine đã kể chi tiết về kế hoạch tấn công nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của nước này vào đêm 19.10 năm ngoái, mặc dù Kyiv chưa bao giờ thừa nhận về thông tin này, tờ The Times đưa tin.
Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), đến tháng 10.2022, hầu như mọi nguyên tắc về an toàn hạt nhân trong nhà máy đều bị vi phạm. Chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc đẩy lực lượng Nga khỏi nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, song nhiều tuần đàm phán đã không giải quyết được rủi ro.
Đột kích trong đêm
Theo các nguồn tin, các nỗ lực ngoại giao không thành đã khiến Ukraine quyết định tự giải quyết vấn đề. Đêm 19.10, một đội đặc nhiệm Ukraine đã lên một chiếc thuyền tuần tra bọc thép dài 12 m, chở theo 3 khẩu súng máy hạng nặng và súng phóng lựu tự động Mk19, The Times đưa tin.
Đội đặc nhiệm nói trên nằm trong số gần 600 binh sĩ tinh nhuệ được triển khai rải rác dọc bờ bắc sông Dnipro chảy qua tỉnh Zaporizhzhia. Thời điểm đó, các binh sĩ này được giao một nhiệm vụ duy nhất: Đột kích để tái kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia từ tay quân Nga ở bờ bên kia sông.
Tính đến đêm xảy ra cuộc đột kích, quân đội Nga đã kiểm soát nhà máy trong hơn 6 tháng. Kyiv cáo buộc Moscow dùng nhà máy này làm bia đỡ để bắn phá các thành phố và một nhà máy thép lớn ở Nikopol (tỉnh Dnipro) lân cận, bởi Nga cho rằng Ukraine sẽ không tấn công một cơ sở hạt nhân, theo hãng tin Reuters.
Một sĩ quan Ukraine tham gia trận đột kích cho biết: “Ý tưởng là đây sẽ là một trận chiến chỉ có bộ binh. Nga (cũng) sẽ không thể sử dụng pháo chống lại chúng tôi, vì đây là một nhà máy hạt nhân”.
Tuy nhiên, sĩ quan này nói thêm rằng Nga đã xây dựng một hệ thống phòng thủ rất dày đặc, họ khai thác mọi thứ. "Khi chúng tôi đến gần, họ thậm chí còn triển khai xe tăng và pháo, và bắt đầu bắn vào chúng tôi ngay trên sông", theo lời sĩ quan Ukraine.
Khi các tàu của lực lượng Ukraine băng qua một đoạn sông rộng gần 4.828 m, rốc két thuộc hệ thống pháo binh cơ động cao HIMARS chính xác do Mỹ cung cấp đã bắn trúng các vị trí của Nga trên bờ sông.
Khi được hỏi liệu Mỹ có cung cấp rốc két HIMARS trước cuộc đột kích hay không, một nguồn tin quốc phòng Mỹ xác nhận với The Times rằng thông tin tình báo đã được cung cấp cho lực lượng đặc biệt Ukraine, mặc dù họ từ chối cung cấp chi tiết cụ thể.
Nguồn tin cho biết: “Chúng tôi chia sẻ thông tin với Ukraine nhưng họ chịu trách nhiệm về việc lựa chọn, ưu tiên và các quyết định cuối cùng để ngăn chặn các mối đe dọa”.
Nga nói binh sĩ Ukraine vượt sông tấn công nhà máy điện hạt nhân
Nhưng sau đó thất bại
Khi lực lượng Ukraine đến gần bờ biển, Nga đã khai hỏa vũ khí, buộc các binh sĩ phải đổi hướng. Theo sĩ quan Ukraine: “Chúng tôi liên tục tấn công các vị trí của Nga, từ bờ bên đây sang bên kia sông. Nga tiếp tục pháo kích chúng tôi, pháo kích rất nặng nề”.
Sau đó, một số đội đặc nhiệm Ukraine trên những chiếc tàu nhỏ hơn đã vào được bờ sông Nga kiểm soát và 2 bên đã giao tranh ác liệt trong suốt 3 giờ đồng hồ ở ngoại ô thị trấn Enerhodar, nơi tiếp giáp với nhà máy. Tuy nhiên, nhóm đặc nhiệm lớn nhất của Ukraine không thể cập bờ.
“Một nhóm lớn như vậy không thể xâm nhập được. Với các nhóm nhỏ hơn, vâng, chúng tôi đã tiến lên, thâm nhập và chiến đấu với Nga. Nhưng với một nhóm lớn thì điều đó là không thể, vì Nga đang ẩn nấp ở khắp mọi nơi", theo sĩ quan Ukraine.
Sĩ quan này cho biết lực lượng của ông đã nỗ lực tấn công xe tăng Nga. Tuy nhiên, việc này rất khó vì gần như không thể bắn vũ khí chống tăng khi đang di chuyển với tốc độ cao trên mặt nước. Kết quả là tất cả quân Ukraine buộc phải rút lui sau đó.
Nỗ lực gây tranh cãi
Ngay cả các quan chức cấp cao của Ukraine, những người kiên quyết yêu cầu Nga rời đi, cũng cho rằng nỗ lực giành lại nhà máy bằng vũ lực là một điều quá nguy hiểm.
Theo giới phân tích nỗ lực của Ukraine nhằm giành lại nhà máy Zaporizhia đã nêu bật nguy cơ thảm họa hạt nhân đối với châu Âu tại nhà máy này.
Nga xây lá chắn khổng lồ che phủ nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine
Khi được hỏi về cuộc đột kích của Ukraine, ông Rafael Grossi, Tổng giám đốc IAEA, nói: "Điều rất, rất quan trọng là chúng ta đồng ý về nguyên tắc cơ bản là không nên tấn công nhà máy điện hạt nhân trong bất kỳ trường hợp nào".
“Nó (nhà máy) cũng không nên được sử dụng để tấn công. Một tai nạn hạt nhân với hậu quả phóng xạ sẽ không tha cho bất cứ ai", The Times dẫn lời ông Grossi nói thêm.
Trong khi đó, Chủ tịch Petro Kotin của công ty năng lượng nhà nước Ukraine Energoatom, cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với nhà máy vẫn là sự hiện diện của Nga ở đó. Theo ông Kotin, Nga sử dụng các trung tâm kiểm soát hạt nhân làm doanh trại, lắp đặt các ụ súng trên nóc các tòa nhà của nhà máy và xây dựng các công sự gần các địa điểm lưu trữ chất phóng xạ.
Bình luận (0)