Cuộc đua công nghệ đằng sau chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

08/05/2019 09:28 GMT+7

Hai nền kinh tế số một thế giới không chỉ đang căng thẳng về mặt thương mại mà còn cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực công nghệ mới như 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và robot.

CNBC trích ý kiến nhiều chuyên gia cho hay Mỹ và Trung Quốc đều muốn trở thành nước đi đầu thế giới về các công nghệ như AI và 5G. Điều này có thể là trở ngại chính giữa căng thẳng thương mại song phương.
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter rằng Mỹ sẽ tăng thuế áp lên 200 tỉ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%. Tối 7.5, một số quan chức Washington cho hay Mỹ đang lên kế hoạch áp thuế quan nhập khẩu 25% lên thêm 325 tỉ USD giá trị hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Giới chuyên gia vẫn kỳ vọng về việc đôi bên đạt thỏa thuận thương mại ngay cả khi Washington thể hiện quyết tâm trong việc tăng thuế và thị trường chứng khoán Mỹ, Trung Quốc đều chịu thiệt sau tin căng thẳng thương mại lên cao. Phía Trung Quốc xác nhận Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng nhiều quan chức vẫn sẽ đến Washington để tham dự vòng đàm phán thương mại trong tuần.
“Một thỏa thuận nào đó vẫn còn có khả năng xuất hiện”, William Hobbs, giám đốc đầu tư Barclays Investment Solutions, cho hay. Đây có thể chỉ là trường hợp mà Tổng thống Trump, người tự nhận mình là “Tariff Man” (người đàn ông thuế quan) cảm thấy cần phải ra sức ép lên Trung Quốc sau khi Mỹ đón một loạt chỉ số kinh tế tích cực gần đây.
Song nhìn về tương lai, một số nhà phân tích cho rằng Mỹ - Trung vẫn có căng thẳng, cạnh tranh lớn về mặt công nghệ. Đơn cử, cuộc chiến giành ghế thống trị 5G khến Huawei đối mặt áp lực chính trị lớn từ Mỹ. Mỹ cáo buộc thiết bị viễn thông của hãng này có thể có “cửa hậu”, cho phép chính phủ Trung Quốc tận dụng để gián điệp nước ngoài.
“Thuế quan, thương mại, hàng hóa chỉ là trò bên lề. Dấu hiệu lớn về sự tranh chấp sẽ diễn ra trong mảng công nghệ, trong lĩnh vực 5G và nhiều lĩnh vực khác. Đây sẽ là quá trình kéo dài nhiều thập niên”, Geoffrey Yu, người đứng đầu văn phòng đầu tư tại UBS Wealth Management cho hay. Công nghệ có thể là vấn đề cốt yếu cần được giải quyết để căng thẳng Bắc Kinh - Washington kết thúc.
Thực tế, việc chấm dứt yêu cầu chuyển giao công nghệ bắt buộc của Trung Quốc là phần quan trọng trong các yêu cầu của ông Trump. Mỹ cho rằng giới doanh nghiệp nước này đã và đang bị buộc phải đánh đổi công nghệ để lấy quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc. Thêm vào đó, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới còn đang trong cuộc đua khốc liệt để khai thác tiềm năng của nhiều công nghệ non trẻ, chẳng hạn như AI, 5G và robot.
“Tôi cho rằng chúng ta đang ở trong thời đại rất khác, thời đại mà cả người Trung Quốc lẫn người Mỹ, và có lẽ là cả người ở những vùng khác của phương Tây, đang nỗ lực tận dụng các hình thức công nghệ mới. Tất cả mọi người đều cố gắng tận dụng công nghệ để đưa ra ý tưởng mới, mô hình kinh doanh mới và cải tiến mới. Cuộc đua hiện giờ rất khác so với cách đây một thập niên”, CEO Edward Tse của hãng Gao Feng Advisory nhận định.
Một lĩnh vực mà Trung Quốc có thể có lợi thế là học máy vì nước này có kho dữ liệu cá nhân mà giới doanh nghiệp có quyền tiếp cận. Trung Quốc có thể giỏi công nghệ này hơn các nước khác vì không có quyền riêng tư dữ liệu cao như các nước phương Tây. Trên mặt trận 5G, ông Trump đã nói rõ rằng ông muốn Mỹ đi đầu. Tổng thống đi xa đến mức nói rằng ông muốn 5G, thậm chí là 6G, đến Mỹ “càng sớm càng tốt”.
Một số chuyên gia còn đề cập đến viễn cảnh “splinternet”, tức interent phân mảnh giữa các nước khác nhau. Trung Quốc giờ đã có bức tường lửa Great Firewal, chặn truy cập vào một số trang web nước ngoài. Cựu CEO Google Eric Schmidt từng cảnh báo internet có thể bị chẻ làm đôi, một nửa do Trung Quốc lãnh đạo và nửa còn lại do Mỹ dẫn đầu. Dù Mỹ và Trung Quốc có thể sản xuất các sản phẩm AI tương tự nhưng trong những hình thức internet khác nhau, sản phẩm có thể không giống nhau. “Có lẽ là sẽ có nhiều hình thức công nghệ không giống nhau xuất hiện trong các hình thức khác của internet”, ông Tse nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.