Cuộc đua của Hillary Clinton

12/04/2015 08:13 GMT+7

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton được đánh giá là niềm hy vọng lớn nhất cho nỗ lực duy trì quyền kiểm soát Nhà Trắng của đảng Dân chủ.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton được đánh giá là niềm hy vọng lớn nhất cho nỗ lực duy trì quyền kiểm soát Nhà Trắng của đảng Dân chủ.

Cuộc đua của Hillary Clinton
 Bà Hillary Clinton đang nỗ lực giới thiệu một hình ảnh gần gũi và dễ tiếp cận trước cử tri Mỹ  - Ảnh: @HillaryClinton
Theo Reuters dẫn 3 nguồn tin từ đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Rodham Clinton (67 tuổi) sẽ chính thức khởi động chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 qua một thông báo trên mạng xã hội Twitter vào hôm nay, 12.4.
“Lắng nghe và thấu hiểu”
Trọng tâm bình đẳng giới
Khác với chiến dịch vận động năm 2008, bà Clinton đã tỏ dấu hiệu cho thấy sẽ không còn cố gắng lảng tránh câu hỏi phụ nữ làm tổng thống thì sẽ có khác biệt gì với 44 tổng thống là nam giới trước đó của Mỹ. Những bài diễn thuyết trước công chúng gần đây của bà chứa đầy nội dung về tầm quan trọng ở khía cạnh kinh tế lẫn đạo đức nếu xã hội thực thi đúng bình đẳng giới và quyền phụ nữ, biện luận rằng sự tăng trưởng kinh tế, tình trạng của tầng lớp trung lưu và sự bền vững của các hiệp ước hòa bình quốc tế đều xoay quanh vấn đề nhức nhối của thế kỷ 21 là giảm thiểu phân biệt giới tính. Thậm chí, bà còn tiết lộ rằng chính sự ra đời của đứa cháu ngoại Charlotte, con của cô con gái Chelsea, là động lực giúp bà lên kế hoạch cho tương lai chính trị, theo tờ USA Today.
Thay vì tổ chức một sự kiện hoành tráng và mang chất thượng lưu, kế hoạch của bà Clinton được tính toán ở quy mô nhỏ nhưng hết sức tỉ mỉ. Thông báo tranh cử sẽ bao gồm một video clip giới thiệu thông điệp về các trọng tâm kinh tế trong chiến dịch vận động. Sau đó, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ sẽ bay đến bang Iowa để tiếp xúc với những nhóm cử tri nhỏ.
Các cố vấn của đội Clinton quyết định triển khai một loạt các cuộc tiếp xúc bàn tròn và những phiên trao đổi trực tiếp với các cử tri, có thể là tại một thư viện, quán cà phê, hoặc thậm chí phòng bếp của cử tri, mà không cần những bài diễn văn cứng nhắc và dài lê thê. Sau khi rời Iwoa, bà sẽ đến New Hampshire, Nam Carolina và Nevada, tức những tiểu bang tổ chức bầu cử chọn ứng viên và họp kín đầu tiên vào đầu năm sau.
Rõ ràng cách tiếp cận theo hướng “đánh chậm, đánh lẻ” của bà Clinton hoàn toàn khác với cách thức nhiều ứng viên Cộng hòa lựa chọn để thu hút sự chú ý của dư luận. Ý tưởng ở đây là làm nổi bật năng lực giải quyết vấn đề của bà Clinton, cũng như nhấn mạnh vào vai trò là người đại diện cho quyền lợi của những người đang gặp khó khăn trong nỗ lực gia nhập hoặc trụ lại ở tầng lớp trung lưu Mỹ.
Những sự kiện tổ chức theo kiểu thân mật và riêng tư với giới cử tri cũng được sắp xếp để cựu Ngoại trưởng Mỹ kết nối với giới bình dân và lắng nghe những điều mà họ băn khoăn. Tờ The Washington Post dẫn lời Jay Jacobs, cựu Chủ tịch đảng Dân chủ chi nhánh New York và là bạn lâu năm của gia đình Clinton, nhận xét những sự kiện tiếp xúc cử tri như trên sẽ giúp giới thiệu và quảng bá hình ảnh đang được phe Dân chủ nỗ lực gầy dựng. Đó là một Hillary Clinton “hết sức ấm áp, chân thật, ân cần, tất nhiên là thông minh”, tức một người bình thường như bao người khác chứ không phải là siêu sao của đảng Dân chủ hoặc một nhân vật của tầng lớp thượng lưu Mỹ.
Chiến lược tiếp cận trực tiếp nhưng xâm nhập vào đúng nơi, đúng chỗ được xây dựng dựa trên thành công của chiến dịch chạy đua vào thượng viện năm 2000 khi bà đi khắp bang New York để nghe ngóng dân tình. Từ vai trò là đệ nhất phu nhân và nhân vật nổi tiếng trên vũ đài chính trị, bà Clinton đã nỗ lực lắng nghe ý kiến của người New York, không nề hà chuyện phải ngồi phòng khách hay vào thẳng phòng bếp cử tri. “Nó đã trở thành một cuộc đối thoại hai chiều gây ấn tượng cho cử tri, không chỉ thông qua những lời bà nói mà còn về khả năng lắng nghe người khác nói”, ông Jacobs kể lại. “Tôi nghĩ đó chính là Hillary. Đó là điều đã thành công và sẽ thành công một lần nữa”, ông dự đoán.
Đối thủ tiềm năng
Hiện có hơn một chục chính khách Cộng hòa đang nhắm đến chiếc ghế tổng thống Mỹ, bao gồm cựu Thống đốc bang Florida Jeb Bush; thượng nghị sĩ bang Kentucky Rand Paul và thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio. Trong khi nhiều nhân vật của đảng Cộng hòa hầu như vẫn vô danh đối với đại đa số dân Mỹ, chỉ có 2% số người Mỹ thừa nhận chưa từng nghe đến cái tên Hillary Clinton, theo kết quả khảo sát do Viện Gallup thực hiện hồi tháng trước. Tuy nhiên, để có thể giáp mặt những chính khách trên, trước mắt bà phải vượt qua các đối thủ tiềm năng nhất trong nội bộ đảng Dân chủ là cựu Thống đốc bang Maryland Martin O'Malley và Jim Webb, cựu thượng nghị sĩ Mỹ tại Virginia.
David Axelrod, người giúp dẫn dắt chiến dịch tranh cử của ông Obama đánh bại đội của bà Clinton vào năm 2008, hoan nghênh cách tiếp cận mới của người được đảng Dân chủ đặt nhiều hy vọng. “Sự khiêm tốn chính là quy tắc của cuộc chơi”, ông Axelrod nhấn mạnh và phân tích rằng lần trước phía Clinton đã đưa ra một nhân vật “khổng lồ” và cao chót vót, khiến giới cử tri bị dội. Do vậy, một cách giới thiệu thân thiện, chân thành và lắng nghe nguyện vọng của người dân sẽ gây ấn tượng mạnh và thêm điểm cho bà Clinton. Ông Axelrod bổ sung bà Clinton đồng thời cần phải nêu rõ lý do tại sao bà quyết định chạy đua vào Nhà Trắng và chỉ cho cử tri biết vị trí của họ trong viễn cảnh đó.
Gánh nặng của sự nổi tiếng
Là sự lựa chọn áp đảo trong nội bộ đảng Dân chủ, bà Clinton vẫn sẽ đối mặt nhiều thách thức khác nhau khi quay lại đường đua sau khi mất quyền đại diện phe Dân chủ về tay đương kim Tổng thống Barack Obama vào năm 2008. Trong hơn 2 thập niên qua, cái tên Hillary Clinton luôn nổi bật trong chính trường Mỹ, kể từ khi đấng phu quân Bill Clinton đắc cử tổng thống vào năm 1992, và đến nay tiếng tăm của bà vẫn làm lu mờ những chính khách cùng đảng cũng như các đối thủ phe Cộng hòa. Cũng chính vì vậy mà bà Clinton luôn là mục tiêu chỉ trích kể từ khi ông Clinton tham gia tranh cử tổng thống lần thứ nhất. Dù không thu được sự hứng thú của dân Mỹ với hình ảnh “nữ cường nhân”, bà Clinton lại được ngưỡng mộ khi một mực ủng hộ chồng trong lúc tiếng xấu phong lưu của ông này bay đầy trời vào năm 1992, và một lần nữa vào năm 1998 trong vụ bê bối với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewinsky.
Tuy nhiên, đi kèm với danh tiếng là không ít thách thức mà bà Clinton cần phải vượt qua trong những tháng sắp tới. Cựu đệ nhất phu nhân sẽ phải nỗ lực thu xếp một số cuộc tranh cãi, chẳng hạn như bị tố dùng thư điện tử cá nhân để trao đổi các vấn đề chính sự khi còn làm Ngoại trưởng Mỹ (2009 - 2013), hay cách bà xử lý vụ tấn công khủng bố nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi (Libya) năm 2012, khiến Đại sứ Mỹ Christopher Stevens thiệt mạng. Những bê bối này có vẻ như đang được các đối thủ đảng Cộng hòa khai thác triệt để. Ngay sau khi tin tức bà Clinton sẽ tranh cử được tiết lộ, Chủ tịch đảng Cộng hòa Reince Priebus tuyên bố cựu Ngoại trưởng Mỹ “đã để lại vệt dài những bí mật, những bê bối và những chính sách thất bại mà không cố vấn về hình ảnh nào có thể xóa bỏ nổi”.
Theo tờ The Washington Post, mức độ nổi tiếng thậm chí còn hơn cả Phó tổng thống Joe Biden cũng sẽ gây trở ngại cho chiến lược “đánh lẻ” của bà Clinton, bởi bất kỳ lúc nào bà tiếp xúc cử tri cũng sẽ có một guồng máy truyền thông khổng lồ bám đuôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.