Cuộc đua đào tạo vi mạch - bán dẫn: Đầu tư những phòng thí nghiệm triệu USD

01/10/2024 05:45 GMT+7

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng cho thị trường vi mạch - bán dẫn trong tương lai, các trường phải tập trung nguồn lực tài chính để đầu tư vào việc xây dựng chương trình, phòng thí nghiệm với những chi phí đắt đỏ.

Thông tin từ Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho thấy nhân lực thiết kế vi mạch của VN hiện nay chỉ khoảng 5.000 người, chủ yếu là kỹ sư thiết kế, kiểm thử và trình độ sau ĐH chiếm 30%.

Trong thời gian qua, nhiều trường ĐH vẫn đào tạo một số ngành nghề kỹ thuật có liên quan đến công nghiệp bán dẫn. Chẳng hạn mỗi năm ĐH Quốc gia TP.HCM đào tạo được khoảng 6.000 kỹ sư, ĐH Quốc gia Hà Nội 3.000 kỹ sư… Nhưng chỉ đến năm 2024, các trường mới chính thức mở ngành thiết kế vi mạch hoặc các chuyên ngành về vi mạch, bán dẫn. Tuy nhiên số lượng còn rất ít, mỗi ngành/chuyên ngành chỉ tuyển sinh khoảng trên dưới 100 chỉ tiêu.

Cuộc đua đào tạo vi mạch - bán dẫn: Đầu tư những phòng thí nghiệm triệu USD - Ảnh 1.

Phòng thí nghiệm vi mạch và hệ thống cao tần Trường ĐH Bách khoa TP.HCM

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Trong khi đó, Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn VN đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 đề ra mục tiêu đến năm 2030 VN phải đạt quy mô 50.000 nhân lực, trong đó 15.000 kỹ sư thiết kế chip và 35.000 kỹ sư đóng gói, kiểm thử.

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CŨNG NHẬP CUỘC

Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần TUMIKI, việc đào tạo vi mạch - bán dẫn tại VN hiện mới chỉ cấp ứng được khoảng 3% nhu cầu nhân lực.

Điều đó đặt ra một vấn đề cấp thiết là không chỉ trường ĐH tham gia vào việc đào tạo nhân lực cho nền công nghiệp bán dẫn, mà trường CĐ cũng không thể nằm ngoài cuộc đua này.

Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), công việc trong ngành bán dẫn có 3 khâu: thiết kế (Design), sản xuất (Manufacturing) và đóng gói kiểm thử (ATP).

"Thời gian qua, các trường ĐH có đào tạo một số ngành có liên quan vi mạch bán dẫn, nhưng chỉ giảng dạy một vài nội dung cho khâu thiết kế chứ gần như chưa đào tạo cho khâu sản xuất hay đóng gói kiểm thử. Đến năm 2024, các trường chính thức mở ngành nhưng chủ yếu vẫn đi vào khâu thiết kế", tiến sĩ Sơn thông tin.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho rằng trường CĐ nên tập trung đào tạo nhân lực cho khâu sản xuất và đóng gói kiểm thử, đặc biệt là đóng gói kiểm thử vì doanh nghiệp bán dẫn ở VN đang có nhu cầu nhân lực lớn ở khâu này.

Năm 2024, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng vừa tuyển sinh 180 chỉ tiêu chuyên ngành công nghệ bán dẫn và vi mạch thuộc ngành công nghệ điện tử viễn thông và năm 2025 sẽ phát triển chuyên ngành này thành ngành công nghệ bán dẫn và vi mạch, với 160 chỉ tiêu. Tiến sĩ Lê Đình Kha, Hiệu trưởng của trường, nhận định đội ngũ kỹ thuật viên làm việc trực tiếp tại nhà máy về bán dẫn không đòi hỏi có kiến thức hàn lâm như bậc ĐH, sau ĐH mà cần có kỹ năng làm việc, nắm vững phương pháp xử lý, quy trình công nghệ. Vì thế, việc đào tạo đội ngũ cho khâu sản xuất và đóng gói kiểm thử hoàn toàn phù hợp với các trường CĐ.

Cuộc đua đào tạo vi mạch - bán dẫn: Đầu tư những phòng thí nghiệm triệu USD - Ảnh 2.

Sinh viên chuyên ngành công nghệ bán dẫn và vi mạch Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng

Ảnh: Quang Huy

Cùng với đó, Trường CĐ FPT Polytechnic (TP.HCM) năm nay cũng đã tuyển sinh 500 chỉ tiêu. Trường CĐ Công nghệ bách khoa Hà Nội vừa mở ngành công nghệ chip bán dẫn. Trường CĐ Quốc tế TP.HCM cũng tuyển 100 chỉ tiêu các ngành đào tạo liên quan tới công nghệ bán dẫn nằm trong chương trình hợp tác với trường ĐH ở Đài Loan…

ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH, PHÒNG THÍ NGHIỆM

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho hay chi phí đầu tư cho hệ thống các phòng thí nghiệm của ngành vi mạch - bán dẫn khá tốn kém. Tùy vào quy mô và mức độ hiện đại của các phòng thí nghiệm mà việc đầu tư có thể lên đến hàng tỉ USD mới có thể đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với các trường ĐH, CĐ.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn nhìn nhận: "Không phải trường nào cũng đủ tiềm lực để đầu tư hàng triệu USD vào các thiết bị và công cụ kèm theo. Để giải bài toán này, trước tiên các trường nên chủ động hợp tác với các đối tác nước ngoài, chẳng hạn hợp tác với trường ĐH ở các quốc gia, vùng lãnh thổ hàng đầu về công nghiệp bán dẫn như Hàn Quốc, Đài Loan. Bên cạnh đó, nhà nước cũng nên có dự án đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm ảo để hỗ trợ thực hành cho sinh viên (SV)".

Tại Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, cho biết: "Trường đã đầu tư phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch, vi mạch cao tần và MEMS, được trang bị các thiết bị đo lường, máy tính xử lý hiện đại và đầy đủ nhất để đáp ứng yêu cầu của giảng dạy và hỗ trợ nghiên cứu cho SV. Bên cạnh đó, khi học tập và nghiên cứu tại phòng thí nghiệm, SV còn được trang bị các phần mềm mô phỏng, tính toán được hỗ trợ bởi các công ty vi mạch, giúp SV tiếp cận và áp dụng kiến thức vào thực tế một cách hiệu quả".

PGS-TS Nguyễn Hữu Hiếu, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, thông tin trường đã được hỗ trợ tổng cộng 40 bản quyền cho bộ phần mềm thiết kế vi mạch chuyên dụng tiêu chuẩn công nghiệp, đồng thời đã đầu tư mới một phòng thực hành thiết kế với gần 40 máy tính...

"Bên cạnh chuyên sâu về phần mềm, trường cũng đã được doanh nghiệp tài trợ các thiết bị thí nghiệm hiện đại, phục vụ cho SV thí nghiệm, thực hành những kiến thức cơ sở. Hiện tại trường đang xây dựng một đề án để xin nguồn vốn lớn nhằm đầu tư cải tạo, xây dựng mới các phòng thí nghiệm đo đạc điện tử", PGS-TS Hiếu thông tin.

Trường ĐH Lạc Hồng cũng đã đầu tư một phòng máy với 64 máy tính cấu hình mạnh và 64 bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của hãng Synopsys với đầy đủ các phần thiết kế front end, back end và analog để sinh viên thực tập...

Trong khi đó, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông đã hợp tác với ĐH Sydney (Úc) để xây dựng chương trình đào tạo liên kết trong lĩnh vực điện - điện tử nói chung và vi mạch - bán dẫn nói riêng. Đơn vị này cũng tham gia chương trình University Program của Intel để sử dụng các công cụ phần cứng, phần mềm và các tài liệu thiết kế FPGA.

Cuộc đua đào tạo vi mạch - bán dẫn: Đầu tư những phòng thí nghiệm triệu USD - Ảnh 3.

Nhà nước dự kiến tổng kinh phí thực hiện phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 là 26.000 tỉ đồng. Trong đó, việc đầu tư cơ sở vật chất là 6.400 tỉ đồng

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

"Ngoài ra, chúng tôi đang trong quá trình thảo luận, thống nhất về các nội dung hợp tác trong lĩnh vực vi mạch với Viện KAIST (Hàn Quốc), ĐH bang Arizona (Mỹ) và ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc). Học viện cũng là cơ sở giáo dục ĐH duy nhất tại VN tham gia Liên minh Giáo dục bán dẫn do ARM dẫn đầu và được phép sử dụng học liệu và một số lõi vi xử lý ARM để phục vụ cho công tác đào tạo", tiến sĩ Tân Hạnh, Phó giám đốc Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, phụ trách Cơ sở tại TP.HCM, cho hay.

Tiến sĩ Tân Hạnh thông tin, học viện đã có phòng LAB với các hệ thống máy chủ cài đặt công cụ thiết kế của hãng Cadence và Intel, có bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của Siemens. Trong thời gian tới, đơn vị này tiếp tục xây dựng các phòng thí nghiệm thiết kế vi mạch; các phần mềm thiết kế FPGA, phần mềm thiết kế nhúng và IP core…

Tiến sĩ Lê Đình Kha cũng cho hay để phục vụ cho việc đào tạo ngành công nghệ bán dẫn và vi mạch, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng đã đầu tư trang thiết bị thực hành hàng chục tỉ đồng.

Nhà nước dự kiến chi gần 6.400 tỉ đồng đầu tư cho các phòng thí nghiệm

Theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 do Bộ KH-CN hoàn thiện trình Chính phủ, dự kiến tổng kinh phí thực hiện đến năm 2030 là 26.000 tỉ đồng. Trong đó, việc đầu tư cơ sở vật chất dự kiến là 6.400 tỉ đồng.

Cụ thể, nhà nước dự kiến đầu tư, xây dựng 4 phòng thí nghiệm bán dẫn dùng chung cấp quốc gia, gồm: Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (dự kiến 1.000 tỉ đồng), ĐH Quốc gia Hà Nội (1.500 tỉ đồng), ĐH Quốc gia TP.HCM (2.000 tỉ đồng) và tại TP.Đà Nẵng (430 tỉ đồng). Đồng thời đầu tư 18 phòng thí nghiệm bán dẫn cấp tiêu chuẩn tại 18 trường ĐH công lập ở 3 miền Bắc, Trung, Nam, dự kiến mỗi phòng thí nghiệm 80 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.