Xu thế xe điện
Sự xuất hiện ngày càng nhiều ô tô điện trên đường phố Việt Nam cho thấy xu hướng lựa chọn ô tô của người dân từ xe hơi truyền thống dần sang xe điện, dù không nhanh và nhiều như Mỹ, châu Âu hay Trung Quốc.
Theo thống kê của Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2020 chỉ có 6 chiếc ô tô điện nhập khẩu vào Việt Nam (xe hybrid là 894 xe). Tới năm 2021, số lượng tăng lên 33 chiếc ô tô điện, năm 2022 là 113 chiếc và 2023 là 190 chiếc. Quý 1/2024 đã có 24 xe ô tô điện nhập khẩu vào Việt Nam, nâng tổng số ô tô điện nhập khẩu đến hết quý 1/2024 là 366 chiếc.
Đáng chú ý, khác với dòng xe điện nhập khẩu tăng trưởng khá chậm, xe ô tô điện sản xuất trong nước đã chứng kiến bước tăng trưởng ngoạn mục. Nếu năm 2020 các DN trong nước chưa hề sản xuất, lắp ráp ô tô hybrid, ô tô điện thì tới 2022 con số này lần lượt là 1.318 chiếc hybrid và 7.483 chiếc ô tô điện.
Năm 2023 tiếp tục chứng kiến số lượng vượt trội khi 15.486 chiếc ô tô điện được sản xuất, lắp ráp trong nước. Chỉ tính riêng quý 1/2024 đã có 7.195 chiếc ô tô điện trong nước tiếp tục ra mắt, nâng tổng số xe điện sản xuất, lắp ráp trong nước tính từ 2021 tới nay là 30.298 chiếc.
Công ty nghiên cứu thị trường BMI Research dự báo, doanh số bán ô tô điện mới tại Việt Nam năm 2024 sẽ tăng 114,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 18.000 chiếc. Trong đó, doanh số bán xe thuần điện tăng 104,4%, dự kiến sẽ đạt gần 17.000 chiếc. Doanh số bán xe điện hybrid plug-in (PHEV) cũng được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng đáng kể, tăng gấp 9 lần so với năm 2022, lên gần 1.100 chiếc.
Cơ hội không chia cho tất cả
Tại Việt Nam, dù các thương hiệu xe ngoại lâu đời đang bắt đầu dịch chuyển dần với nhiều mẫu mã hybrid và cả xe thuần điện. Song thực tế cuộc đua chính thức trên thị trường xe điện là VinFast và phần lớn các thương hiệu xe điện nhập khẩu và liên doanh với Trung Quốc.
Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới, chiếm hơn một nửa doanh số bán xe điện toàn cầu. “Ông lớn” xe điện của nước này là BYD từ một công ty chuyên sản xuất pin đã vươn mình trở thành một trong 3 nhà sản xuất ô tô hàng đầu Trung Quốc, vượt qua gã khổng lồ Tesla của Mỹ dẫn đầu số lượng xe điện cung ứng.
Theo các chuyên gia, việc Trung Quốc tiến thần tốc trên thị trường xe điện do các doanh nghiệp ô tô nước này nhận được hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ, từ nguồn tài chính khổng lồ kèm theo các chính sách khuyến khích cho cung cấp và tiêu thụ xe điện. Không chỉ trợ cấp cho người tiêu dùng khi mua xe điện, xe điện bán ở nước này còn được miễn thuế và nhà sản xuất được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi.
Dù nhiều thương hiệu xe điện mở rộng phân phối tại Việt Nam, song trên thực tế quy mô thị trường còn nhỏ hẹp khiến các ông lớn xe điện khá chần chừ khi đầu tư sản xuất. Tháng 5.2023, Chủ tịch Tập đoàn BYD Wang Chuanfu sang thăm Việt Nam. Tại cuộc gặp với Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, người đứng đầu BYD cho biết sẽ mở rộng đầu tư sang lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô điện với những công nghệ tốt nhất để cung cấp cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á.
Những thông tin về việc BYD lựa chọn Khu công nghiệp Phú Hà (Phú Thọ) của Viglacera để nghiên cứu đầu tư nhà máy xe điện được hé lộ. Tuy nhiên, ngay sau đó Gelex - tập đoàn vận hành khu công nghiệp Phú Hà vào cuối tháng 3.2024 cho biết, BYD đã tạm lùi kế hoạch xây dựng nhà máy tại Việt Nam, do những thay đổi về chiến lược và sự chững lại của thị trường xe điện. Thay vì Việt Nam BYD đã thông báo sẽ đầu tư 1,3 tỉ USD vào nhà máy xe điện ở Indonesia.
Dù vậy, nhiều thương hiệu xe điện lớn khác của Trung Quốc đã bắt tay liên doanh xe trong nước để sản xuất lắp ráp như TMT Motors hợp tác với liên doanh GM (SACI - Wuling) để sản xuất lắp ráp ra xe điện mini HongGuang để bán tại thị trường VN. Hồi đầu năm nay, Tập đoàn Chery liên danh với Geleximco để sản xuất lắp ráp xe điện Omoda & Jaecoo, quy mô 800 triệu USD. Theo các chuyên gia, quy mô còn nhỏ hẹp, song tiềm năng thị trường xe điện Việt Nam đang rất hứa hẹn.
Thiếu hạ tầng trạm sạc
Sự phát triển nhanh của xe điện đòi hỏi bài toán đồng bộ hạ tầng trạm sạc. Tùy từng loại xe, mỗi lần sạc pin xe điện thường cho phép di chuyển khoảng 180 - 300 km/lần. Ngoài VinFast đầu tư riêng hệ thống trạm sạc (thông qua VGREEN), cũng đã xuất hiện bên thứ 3 cung cấp dịch vụ sạc như công ty EV One.
Công ty này cho biết đã hoàn tất triển khai hơn 20 trạm sạc trên cả nước, mục tiêu sẽ phát triển hơn 100 trạm sạc tại cả 3 miền vào năm 2025 dọc tuyến Bắc - Nam.
Trên thực tế, các thương hiệu ô tô điện Trung Quốc phân phối xe tại thị trường Việt Nam tới nay cũng chưa triển khai cụ thể việc xây dựng hệ thống trạm sạc.
Ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam), cho biết dù đạt được một số kết quả ban đầu, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển dịch năng lượng và phát triển giao thông điện.
Việc chuyển đổi xe kinh doanh vận tải từ xe xăng sang xe điện là vấn đề không chỉ của ngành giao thông mà còn của nhiều ngành, lĩnh vực khác. Để chuẩn bị cho hạ tầng xe điện, Cục Đường bộ đã sửa quy chuẩn trạm dừng nghỉ đường bộ, yêu cầu toàn bộ các trạm dừng nghỉ trên tuyến quốc lộ, cao tốc phải có vị trí đỗ xe tối thiểu để bố trí xe ô tô vào sạc điện, chiếm 10% tổng vị trí đỗ xe tại trạm.
Trong thời gian tới sẽ nghiên cứu, tiếp tục sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu bố trí vị trí trụ sạc xe điện tại các bến xe khách, bến xe hàng hoặc các hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Ngoài ra, Cục Đường bộ cũng đề xuất xây dựng cơ chế chính sách để khuyến khích chuyển đổi phương tiện giao thông đường bộ, đặc biệt là xe taxi, xe buýt (phương tiện vận tải hành khách công cộng chạy với số lượng lớn), nhất là trong nội đô từ xe xăng sang xe điện. Đồng thời xây dựng tiêu chí xanh đối với các hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ như bến xe khách, bến xe hàng hoặc trạm dừng nghỉ; phối hợp thí điểm lắp đặt các trạm sạc tại các hệ thống dịch vụ này. (Còn tiếp)
Bình luận (0)