Cuộc đua nâng cấp chiến đấu cơ thế hệ 4

11/09/2019 14:00 GMT+7

Các hãng hàng đầu thế giới rầm rộ nâng cấp tiêm kích thế hệ thứ 4 giữa nhu cầu tăng nhanh tại nhiều khu vực.

Bắt đầu được sử dụng từ năm 1980, tiêm kích thế hệ thứ tư được cải tiến qua nhiều thập niên nhằm nâng cấp những tính năng sẵn có cũng như trang bị thêm nhiều tính năng mới. Những cải tiến lớn nhất đang được các hãng đua nhau tiến hành cùng hàng loạt công nghệ đáng gờm và giá cả cạnh tranh, nhằm thu hút khách hàng mới cũng như những nước muốn nâng cấp phi đội tiêm kích lỗi thời.

Tiếp tục “tung hoành”

Tạp chí National Defense dẫn lời giới phân tích cho rằng những bản nâng cấp mới sẽ giúp tiêm kích thế hệ thứ 4 tiếp tục “tung hoành” trong nhiều thập niên tới, cùng tồn tại song song và có điểm mạnh riêng so với thế hệ thứ 5 và thứ 6.
Vào tháng 3, Hãng Boeing (Mỹ) ký hợp đồng trị giá 4 tỉ USD (92.830 tỉ đồng) nhằm cung cấp cho hải quân nước này 78 chiếc F/A-18E/F Super Hornet phiên bản Block III với các tính năng được mô tả như của “tiêm kích thế hệ 4,5”.
Cuộc đua nâng cấp chiến đấu cơ thế hệ 41

Tiêm kích Gripen E do Hãng Saab của Thụy Điển chế tạo

Ảnh: Saab

Bản nâng cấp sử dụng bình nhiên liệu thế hệ mới giúp nâng tầm hoạt động thêm hơn 220 km và tăng không gian cho vũ khí. Bên cạnh đó tiêm kích sẽ phản hồi radar ít hơn, buồng lái hiện đại hơn và thời gian hoạt động lên đến 10.000 giờ bay thay vì chỉ 6.000 giờ như hiện tại. Theo Phó chủ tịch Boeing Thom Breckenridge, hãng đang cạnh tranh để ký được hợp đồng với Canada, Phần Lan, Đức, Thụy Sĩ và Ấn Độ.
Boeing còn đang nâng cấp mẫu F-15 lên phiên bản F-15EX mà theo phi công lái thử Matt Giese là “bước nhảy vọt khổng lồ về năng lực”, bao gồm hệ thống điện tử, radar hiện đại và khả năng mang đến 22 tên lửa đối không. Theo Phó chủ tịch Jeff Shockey của Boeing, phiên bản mới có thể mang cả tên lửa bội siêu thanh và được xem “ít nhất là thế hệ 4,75”. Lầu Năm Góc dự định mua 144 chiếc F-15EX, với 80 chiếc có tổng trị giá 7,9 tỉ USD trong 5 năm tới, trong khi nhiều nước đang rất quan tâm.

Nhiều hãng cạnh tranh

Một “ông lớn” khác của Mỹ là Lockheed Martin cũng đang ráo riết nâng cấp tiêm kích F-16 Fighting Falcon lên phiên bản F-16V. Giám đốc phát triển kinh doanh Randall Howard cho hay hãng đã ký hợp đồng bán hơn 400 chiếc. Bản nâng cấp gồm bộ thiết bị điện tử mới và hệ thống radar APG-83 của Hãng Northrop Grumman, với 95% phần mềm và 70% phần cứng tương tự như hệ thống radar trên tiêm kích F-35.
Cuộc đua nâng cấp chiến đấu cơ thế hệ 4 2

Các tiêm kích Typhoon của Không quân Hoàng gia Anh

Ảnh: AFP

Phiên bản nâng cấp có thời hạn hoạt động hơn 12.000 giờ bay, so với 8.000 giờ trên phiên bản cũ. “Chúng tôi nhận thấy mối quan tâm ngày càng tăng ở Trung Âu và Đông Âu vì các tiêm kích MiG từ thời Liên Xô của họ đang hết thời hạn sử dụng”, ông Howard nói và cho biết hãng đang thảo luận với nhiều nước Đông Nam Á với khả năng ký hợp đồng bán 100 tiêm kích “trong thời gian rất gần”.
Trong khi đó, theo trang Defense-aerospace, Hãng Saab của Thụy Điển cũng đang nâng cấp tiêm kích Gripen E “từ bộ khung cho đến bên trong” nhằm tăng cường tầm bay và khả năng mang vũ khí. Hãng còn lắp thêm động cơ mới giúp tiêm kích thế hệ thứ 4 này chỉ cần đường băng 800 m để cất và hạ cánh, nên có thể tận dụng các xa lộ trong trường hợp khẩn cấp.
Saab còn đang nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Cũng tại châu Âu, liên doanh Eurofighter giữa Anh, Đức, Tây Ban Nha và Ý dự định nâng cấp hàng loạt tính năng cho mẫu Typhoon.
Eurofighter và Eurojet vừa ký hợp đồng 60 triệu USD với Cơ quan Quản lý Eurofighter và Tornado của NATO nhằm nghiên cứu các tính năng nâng cấp. Một số nguồn tin tiết lộ công nghệ mới của tiêm kích thế hệ thứ 6 cũng sẽ được sử dụng như việc phối hợp với máy bay không người lái, bên cạnh việc nâng cấp công nghệ tàng hình tối tân và hàng loạt tính năng khác.

[VIDEO] Pháp, Đức, Tây Ban Nha hợp tác chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 6

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.