Một chiến đấu cơ tàng hình F-35B của Anh đã bị rơi khỏi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tại Địa Trung Hải vào ngày 17.11. Theo trang Navy Lookout, ưu tiên cấp bách là trục vớt xác chiếc máy bay nhằm đảm bảo công nghệ và dữ liệu nhạy cảm không rơi vào tay lực lượng không mong muốn và nhằm hỗ trợ điều tra nguyên nhân tai nạn.
Chiến đấu cơ F-35B cất cánh từ tàu sân bay HMS Queen Elizabeth |
Hải quân Hoàng gia Anh |
Tuy nhiên, Anh được cho là chỉ có ít năng lực thực hiện nhiệm vụ trục vớt tại vùng biển sâu tại phía bắc Ai Cập và được cho là đang nhờ công ty tư nhân hỗ trợ.
Theo Forbes, trong thời Chiến tranh lạnh, Mỹ và Nga đã phát triển các năng lực tiên tiến cho hoạt động trục vớt vật thể từ đáy biển.
Một trong những sứ mệnh trục vớt quân sự đầu tiên diễn ra tại Địa Trung Hải vào năm 1966 khi một oanh tạc cơ B-52 rơi xuống vùng biển Địa Trung Hải ngoài khơi thành phố Palomares, Tây Ban Nha. Máy bay khi đó chở theo các quả bom nhiệt hạch và một trong số đó rơi xuống độ sâu hơn 762 m, quá sâu cho thợ lặn.
Một tàu lặn có người lái của Viện Hải dương Woods Hole (Mỹ) gấp rút được đưa đến và định vị được quả bom nhưng trong lúc nâng lên, quả bom bị rơi lại xuống vị trí sâu hơn 121 m nữa. Quả bom sau cùng được trục vớt bằng một thiết bị không người lái của hải quân gọi là CURV-1, thường được dùng để thu hồi các ngư lôi sau khi phóng thử.
Năm 1976, tàu ngầm mini năng lượng hạt nhân chuyên dùng để dò tìm đáy biển NR-1 của Mỹ định vị và vớt được một chiến đấu cơ F-14 Tomcat của hải quân Mỹ. Máy bay bị rơi khỏi tàu sân bay USS John F. Kennedy (CVN-76) xuống vùng biển sâu khoảng 609 m. Tàu này cũng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác và đa số là được giữ kín. Tàu này “về hưu” vào năm 2009.
Tàu ngầm NR-1 của Mỹ |
Hải quân Mỹ |
Năm 1974, Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) thực hiện dự án Azorian với câu chuyện làm vỏ bọc là tỉ phú Howard Hughes dùng tàu tìm kiếm Glomar Explorer để tìm nốt mangan chứa nhiều kim loại giá trị dưới đáy biển. Tuy nhiên, mục đích thật sự được cho là tìm tàu ngầm K-129 của Liên Xô.
Phần còn lại của xác tàu ngầm sau đó được vớt lên bằng một chiếc càng lớn từ một xà lan chìm. CIA nói rằng nhiệm vụ thất bại nhưng cơ quan này được cho là đã thu hồi được những vật thể quan trọng từ tàu K-129.
Trong khi đó, năng lực tìm kiếm và các hoạt động của Nga trong lĩnh vực này là điều ít được biết đến. Một trong những thiết bị đáng chú ý của Nga được cho là tàu ngầm Losharik hạ thủy vào năm 1995. Đây là tàu ngầm năng lượng hạt nhân và được so sánh với NR-1. Tàu có cấu trúc đặc biệt với nhiều khoang hình cầu để gia tăng tối đa khả năng chống chịu áp lực khi lặn sâu. Năm 2019, tàu bị cháy khiến 14 thủy thủ thiệt mạng.
Thủy thủ hải quân Nga thử nghiệm tàu Bester DSRV |
Bộ Quốc phòng Nga |
Nga cũng có nhiều tàu lặn không người lái cho các hoạt động lặn sâu. Trong đó, chiếc mới nhất là Thiết bị cứu hộ biển sâu Bester DSRV hay còn gọi là AC-40, ra mắt vào năm 2015. Thiết bị này dài 12 m và có hệ thống đặc biệt giúp nó nối với tàu ngầm bị chìm và giải cứu 18 người cùng lúc. Thiết bị này không đơn giản nhằm cứu hộ vì nó có cánh tay có thể thu hồi các bộ phận tên lửa, máy bay hay các vật thể khác từ đáy biển.
Chiến đấu cơ F-35B thuộc tàu sân bay Anh rơi xuống Địa Trung Hải |
Theo Forbes, chỉ cần vớt được một mảnh cánh hay thân của chiếc F-35B cũng đủ khiến những người săn kho báu dưới biển hài lòng. Những bộ phận này có thể giúp hé lộ những bí mật thiết kế lớp vỏ hấp thụ radar giúp máy bay tàng hình.
Bình luận (0)